Chiều 11/11, sau đúng 1 tháng xét xử và nghị án, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án vụ án "buôn lậu", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 28 cựu cán bộ, công chức hải quan TP.HCM và An Giang.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Bích Tuyền (Giám đốc công ty TNHH Lam Tuyền và công ty TNHH Đại Đắc Tài, SN 1979, Long An) mức án tù chung thân về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “buôn lậu” và “đưa hối lộ”; tuyên phạt Lê Dũng (nguyên Giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, SN 1954, An Giang) mức án tù chung thân về các tội "buôn lậu", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Hứa Châu (SN 1964, nguyên Giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc) mức án tù chung thân về tội "buôn lậu" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đặc biệt, liên quan đến những cáo buộc đã tiếp tay cho “bà trùm" Trần Thị Bích Tuyền lừa đảo, 28 cán bộ, công chức Hải quan phải hầu tòa và lãnh án.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Biên (SN 1964, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang) bị tòa tuyên phạt mức án 12 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 27 cựu cán bộ, công chức Hải quan còn lại lãnh án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam về một trong hai tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 10 bị cáo còn lại lãnh án từ 2 đến 28 năm tù về các tội danh khác nhau.
Theo cáo trạng, Trần Thị Bích Tuyền xuất thân từ làng quê nghèo ở tỉnh Long An. Học chưa hết lớp 8, Tuyền lên TP.HCM lập nghiệp. Nhờ có chút nhan sắc và biết chớp cơ hội, Tuyền lần lượt đứng ra thành lập các công ty “ma” để làm ăn phi pháp.
Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Tuyền nảy ý định tìm cách chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng đã đại diện công ty ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Trần Thị Bích Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng xuất khẩu được tạo lập khống là 1.375 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là hơn 134,5 tỷ đồng.
Sau khi có hồ sơ khống, Tuyền, Dũng và đồng phạm đã được nguyên Chi cục trưởng Nguyễn Văn Biên và các cán bộ, công chức Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang ký khống 92 tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu mặt hàng thuốc lá cho công ty CP TPCN Sài Gòn. Từ đó, Tuyền lập hồ sơ, xin hoàn thuế và chiếm đoạt hơn 80,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Hồi tháng 6 vừa qua, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử vụ án nhưng sau đó phải hoãn lại, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án. Tại tòa lần này, nhiều bị cáo đồng loạt phản cung, không thừa nhận hành vi phạm tội cũng như số tiền hưởng lợi mà bản cáo trạng quy kết và cho rằng quá trình điều tra, các bị cáo đã bị ép cung.
Quá trình bào chữa, một số luật sư bào chữa cũng đưa ra nhiều tình tiết và cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng như các bản cung được một điều tra viên hỏi trong cùng một thời gian, chỉ sau 30 phút điều tra viên đã có mặt ở hai nơi cách nhau hàng trăm ki-lô-mét...Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án và các chứng cứ khác, sau khi xem xét, HĐXX không chấp nhận quan điểm của luật sư và tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.
Theo VietNamNet