Lo ngại đề xuất 'nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ'

Liên quan đến đề xuất cho phép nổ súng vào đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ còn rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại xung quanh dự thảo Nghị định này.

Liên quan đến đề xuất cho phép nổ súng vào đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ còn rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại xung quanh dự thảo Nghị định này.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ.

Cụ thể đã có hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ từ năm 2002 đến tháng 6/2012. Từ thực tiễn đó, Bộ Công an đề xuất, người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra...

"Nổ súng là cần thiết”

Về đề xuất cho phép nổ súng vào đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ, trên báo Tiền phong, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc trang bị vũ khí cũng như cho phép lực lượng công an nổ súng đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ là rất cần thiết.

Theo luật sư Nga, hiện tượng chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nguy hiểm là những đối tượng mang theo vũ khí nóng.

Khi họ nhìn thấy các chiến sỹ CSGT chỉ có chiếc dùi cui hay còng số 8, chắc chắn sẽ không sợ, và việc trấn áp tội phạm sẽ khó đạt hiệu quả.

Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ - (Ảnh minh họa)

Trên báo Tuổi trẻ online, Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội, Công an TP.HCM) cũng đồng tình khi nhận định: Nổ súng là cần thiết

Đại tá cho biết, trong tình hình hiện nay, các băng nhóm tội phạm, các đối tượng ngày càng manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng dùng hung khí để chống lại người thi hành công vụ.

“Theo tìm hiểu ở một số quốc gia, việc công dân mang theo dao, kiếm, vũ khí mà không giải trình được lý do chính đáng đã có thể bị xử phạt lao động công ích, thậm chí bỏ tù một thời gian.

Trong khi đó, tại Việt Nam, việc mang hung khí chỉ bị xử phạt hành chính, quy định về việc lực lượng công an nổ súng trong những trường hợp bị tấn công quá khắt khe khiến các đối tượng coi thường pháp luật.

Do đó, theo tôi, cần phải điều chỉnh một số quy định về việc nổ súng của lực lượng công an trước các đối tượng chống đối. Nếu cảnh sát ra hiệu lệnh, người vi phạm không chấp hành, còn rút dao, kiếm để tấn công lại thì việc nổ súng là cần thiết”, đại tá Mai Văn Tấn nhấn mạnh.

E ngại việc lặp lại "kịch bản" vụ Tiên Lãng

Tuy nhiên, bên cạnh những luồng ý kiến đồng tình vẫn còn xuất hiện những băng khoăn, lo ngại xung quanh việc có thể xảy ra việc lạm dụng, “nổ súng” tùy tiện” gây hậu quả xấu.

Trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nhận định: Nếu Nghị định này được đưa vào sử dụng thì đó là một sự vi hiến, vi phạm pháp luật và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng do việc lạm dụng quyền hạn của những người thi hành công vụ, từ đó, xã hội sẽ bị rối loạn.

“Trong tờ trình, Bộ Công an có nói từ trước đến nay có nhiều vụ nổ súng vào những người thi hành công vụ. Nhưng trong thực tế, chúng ta cũng phải thấy cả hai mặt: có những vụ công an nổ súng không đúng. Tiên Lãng là một vụ điển hình. Như vậy, trong bản tường trình, ngoài việc nói đến những hành động chống người thi hành công vụ còn phải nói đến những người thi hành công vụ lạm dụng quyền hạn của mình”, ông Tiết khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nổ súng “không đúng người, đúng tội” gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Đồng thời, hành vi này cũng gây nên những luồng dư luận xấu trong dư luận.

Trên Dân Việt, cùng về vấn đề này, Luật sư Tạ Quốc Cường – Văn phòng luật sư Sự Thật, cho rằng: “Phải tùy thuộc vào hành vi, mức độ chống đối của đối tượng mà người thi hành công vụ nổ súng vào các vị trí trên cơ thể sau khi đã bắn chỉ thiên mà vẫn bị tấn công….

Việc sử dụng công cụ hỗ trợ là cần thiết để xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật có hành vi chống đối. Nhưng lực lượng người thi hành công vụ cũng phải sử dụng công cụ hỗ trợ hợp lý chứ không được tùy tiện. Vì thế theo tôi phải quy định chi tiết, chặt chẽ các trường hợp người người thi hành công vụ được nổ súng khi bị chống đối”.

Theo VNN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.