Siêu lừa liên quan đến bầu Kiên bị đề nghị truy tố

Với sự giúp sức của nhiều cán bộ ngân hàng, bà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân

Với sự giúp sức của nhiều cán bộ ngân hàng, bà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân

Ngày 14-12, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) cho biết vừa kết thúc điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, trú tại TPHCM), nguyên phó Phòng Quản lý rủi ro Chi nhánh TPHCM, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng; vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội và TPHCM.
 
Từ vay nặng lãi đến lừa đảo
 
Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng VietinBank Chi nhánh TPHCM, bà Như đã vay hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam và An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, bà Như không có khả năng thanh toán.
 
Siêu lừa liên quan đến bầu Kiên bị đề nghị truy tố
VietinBank chi nhánh Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM từng có một số cán bộ tín dụng dính vào vụ lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như.
 
Để có tiền trả nợ, từ tháng 3-2010 đến 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, bà Như đã làm giả 8 con dấu Chi nhánh Nhà Bè của ngân hàng này và 7 công ty khác, đồng thời làm giả tài liệu của VietinBank cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng hơn 4.911 tỉ đồng.  Tại cơ quan điều tra, bà Như khai trong số tiền chiếm đoạt được, bà chỉ trả nợ được 925 tỉ đồng.
 
Trong vụ án này, cơ quan công an xác định các bị can Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương cùng một số đối tượng khác cho bà Như vay nặng lãi trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến việc bà Như có hành vi phạm tội. Các bị can khác hoạt động trong ngành ngân hàng có hành vi vi phạm quy định về cho vay, lập hồ sơ “khống”, vi phạm quy định nghiệp vụ, không làm đúng quy định về quy chế mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho bà Như chiếm đoạt số tiền lớn.
 
Liên quan đến bầu Kiên
 
Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra đã khởi tố 6 người gồm ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ACB; Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB, do có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Từ tháng 5-2010 đến 11-2011, ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỉ đồng vào VietinBank (Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TPHCM) song bị bà Như chiếm đoạt. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn xác định hành vi của 6 bị can nói trên liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B và Ngân hàng ACB nên đã tách ra để điều tra tiếp.
 
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định trong vụ án còn có lãnh đạo một số ngân hàng, cán bộ của VietinBank, một số đối tượng cho vay lãi nặng liên quan đến bà Như cần phải tiếp tục điều tra. 

 

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.