Vào lúc 9h50 ngày 12/12, xe tải nhỏ BKS 89L-0211 chạy trên Quốc lộ 5 tới phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) va chạm với xe Toyota 4 chỗ. Đang cắm chốt gần đó, CSGT đội 5 ra tín hiệu dừng phương tiện nhưng tài xế được cho là vẫn lái xe chạy thẳng, tông vào thượng úy Trương Quốc Đạt, kéo đi khoảng 20 mét, khiến anh Đạt bị thương nặng, rách tả tơi quần áo. Sự việc này đã khiến người dân bất bình, lên án hành vi của tài xế.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn pháp luật về sự việc này, PV đã phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa luật sư, sự việc lái xe tải tông thẳng vào CSGT Trương Quốc Đạt, buộc chiến sĩ này phải bám vào cần gạt nước, xe vẫn không dừng lại, rồi tiếp tục kéo lê cho tới khi người CSGT này rơi xuống. Với diễn tiến hành vi mà báo chí nêu, theo luật sư, người lái xe có vi phạm quy định nào của pháp luật?
- Hiện nay, vụ việc sẽ được cơ quan công an tiếp tục xác minh làm rõ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
Theo tôi, trước tiên có thể xem xét xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS.
Nếu trong quá trình điều tra, xác minh mà có căn cứ chứng minh rằng người lái xe này cố ý gây thương tích cho anh Đạt thì sẽ khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS hoặc tội giết người theo điều 93 BLHS, tùy theo căn cứ, do cơ quan điều tra xác định.
Với tội chống người thi hành công vụ đã rõ, còn dấu hiệu của tội "giết người" thì sao, thưa luật sư?
- Nếu có căn cứ xác định hành vi có thể dẫn đến chết người. Người vi phạm biết là nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì mới xử lý về tội giết người theo Điều 93 BLHS
Cơ quan điều tra khởi tố về tội nào thì cần phải có căn cứ, chứng cứ, đặc biệt cần lưu ý các yếu tố là: Hành vi, lỗi và hậu quả.
Hậu quả, tỉ lệ thương tích sẽ có liên quan như thế nào đến việc xem xét tội danh của lái xe?
Hậu quả của vụ việc là một trong những căn cứ để giải quyết vụ án cũng như xác định tội danh.
Trong các vụ án chống người thi hành công vụ mà nạn nhân có thương tích đủ để xử lý đối tượng gây án về tội cố ý gây thương tích thì sẽ khởi tố theo Điều 104 BLHS, mà không khởi tố theo Điều 257 BLHS.
Trong trường hợp này, sử dụng xe ô tô để gây thương tích thì được xác định là sử dụng công cụ phương tiện nguy hiểm, có thể gây hại cho nhiều người.
Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Với tình tiết này thì dù thương tích của nạn nhân dưới 11% thì vẫn có thể xử lý hình sự, theo quy định của điều 104 Bộ luật Hình sự hiện hành.
"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."
Còn nếu người vi phạm biết là nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì xử lý về tội giết người theo Điều 93 BLHS, mà không cần xét đến có hậu quả chết người hay không.
Theo luật sư cần phải làm gì để không tái diễn tình trạng lái xe có những hành vi nguy hiểm như vụ việc này?
- Để giảm thiểu tình trạng chống người thi hành công vụ và những vụ việc tương tự, theo tôi, thì cần:
Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao kiến thức về luật giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông.
Thứ 2, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông, đặc biệt là các trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy và chống người thi hành công vụ (lực lượng CSGT).
Thứ 3, tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng thi hành công, CSGT để tránh gây bức xúc cho người tham gia giao thông khi giải quyết vi phạm dẫn đến hành vi chống đối và tránh thương vong khi có vụ việc xảy ra.
Thứ 4, kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống tai nạn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông và chống tội phạm từ việc tham gia giao thông.
Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM): Nhìn hình ảnh chiến sĩ CSGT như vậy khiến ai cũng tỏ ra bức xúc. Dù bản chất vụ việc này như thế nào đi nữa, thì hành vi của người tài xế này là rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh. Theo thông tin báo chí phản ánh, người tài xế này đã không chấp hành hiệu lệnh giao thông, lại còn đâm vào và kéo lê chiến sĩ CSGT. Hành vi này có dấu hiệu của Tội chống người thi hành công vụ quy định tại điều 257 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hành vi này còn có dấu hiệu của Tội giết người quy định tại điều 93 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cần sớm khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Ở góc độ khác, đây không phải lần đầu tiên các chiến sĩ CSGT bị tài xế tấn công, thậm chí là đã xảy ra rất nhiều lần, mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, ở các tỉnh thành phía Nam thì tình hình chấp hành hiệu lệnh giao thông khá tốt, chống lại CSGT, nếu có chỉ là hy hữu. Điều này cũng cần phải nghiên cứu để có phương pháp bảo vệ CSGT khi làm nhiệm vụ, đồng thời nâng cao hơn nữa hình ảnh người công an. |