Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Sáng nay (4/9), báo Thanh niên có bài phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh các em bé bị bảo mẫu đánh đập dã man tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến người xem không khỏi phẫn nộ.

 

Dưới lớp vỏ bọc của một mái ấm tình thương, những hành vi vô nhân tính diễn ra hằng đêm đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với ông Cao Hà Đức Trọng, Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12 về trách nhiệm của địa phương trong vụ việc này.

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn-1

Mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP.HCM) nơi xảy ra các vụ bạo hành trẻ (Ảnh: Báo Thanh Niên)

PV: Thưa ông, Mái ấm Hoa Hồng, một cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do bà G.T.S.H quản lý, được biết đến khá rộng rãi trong cộng đồng. Vậy, ông có thể cho biết cụ thể về tần suất và hình thức kiểm tra, giám sát hoạt động của mái ấm này từ phía phường không?

Ông Cao Hà Đức Trọng: Trên địa bàn phường hiện chỉ có một cơ sở Mái ấm tình thương. Chúng tôi cũng đã có kiểm tra thường xuyên. UBND phường chỉ đạo cho bộ phận chăm sóc trẻ em kết hợp với cảnh sát khu vực và khu phố kiểm tra hàng tuần. Qua thông tin báo chí phản ánh cho thấy, hành vi này thường xảy ra vào ban đêm. 

PV: Trong quá trình kiểm tra thường xuyên như vậy có phát hiện những bất thường gì không, thưa ông? 

Ông Cao Hà Đức Trọng: Bất thường ở đây là có đôi khi kiểm tra thì thấy số lượng trẻ tăng lên so với cấp phép. Theo quy định cấp phép cho tối đa không quá 39 cháu. Tuy nhiên, có thời điểm kiểm tra thấy con số vượt lên 60, 70 cháu. Những hành vi này, phường cũng đã yêu cầu khắc phục. Chủ cơ sở này có giải thích là do chuyển cơ sở 2 ở huyện Củ Chi về cho các cháu chơi chung với nhau. 

PV:Việc chăm sóc các cháu nạn nhân và xác minh, xử lý thủ phạm, người quản lý đang được tiến hành cấp bách như thế nào?

Ông Cao Hà Đức Trọng: Sáng nay, tôi cũng đã chỉ đạo cho lực lượng công an và các bộ phận chuyên môn của phường và phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận để xuống tiến hành kiểm tra. Trước mắt làm rõ các hành vi bạo hành của hai bảo mẫu ở đây.

Hiện chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chuyển các bé về các Mái ấm khác. 

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn-2

Em bé (khoảng 1 tháng tuổi) da còn đỏ hỏn bị bảo mẫu xách tay nhấc bổng trong lúc thay khăn - Ảnh Thanh Niên

PV: Việc không phát hiện và ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em kịp thời tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy những hạn chế nào trong công tác quản lý của phường? Phường có những biện pháp gì để khắc phục những hạn chế này và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn? 

Ông Cao Hà Đức Trọng: Lực lượng công an phường đã mời chủ cơ sở và hai bảo mẫu ở cơ sở này về công an phường để làm rõ các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi bạo hành trẻ em. Còn các công tác nghiệp vụ chuyên môn đã chỉ đạo cho bộ phận chăm sóc trẻ em trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND phường xuống Mái ấm kiểm tra. 

PV: UBND phường đã và đang làm gì để hỗ trợ các cháu nhỏ bị hại trong vụ việc này, đặc biệt là vấn đề tâm lý của các em sau khi bị bạo hành?

Ông Cao Hà Đức Trọng: Trước mắt phải cho các cháu đi khám sức khoẻ và cần thiết phải giám định luôn thương tật để quy trách nhiệm cho người đã gây ra hành vi; đồng thời chuyển các bé về Mái ấm khác để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, từ đó kết hợp với các chương trình tư vấn của bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho các cháu. 

PV: Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết: Hội đã có văn bản gửi UBND quận 12, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, Công an quận 12 đề nghị kịp thời có các biện pháp xử lý để đảm bảo sự an toàn đối với các trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng.

Đồng thời, xem xét để có các biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với người đã có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em theo phản ảnh của báo chí, tránh xảy ra tình trạng tương tự.

PV VOV Giao thông đã trực tiếp liên hệ với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em về vấn đề này. Ông Nam cho hay, Cục đã liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và nhận được báo cáo Sở và UBND quận 12 đã xuống cơ sở, chuyển các cháu bé đến nơi chăm sóc an toàn, phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh thông tin để xử lý vụ việc khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh.

Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM vừa có văn bản lên án hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. 

Theo Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em TP.HCM, nội dung và hình ảnh từ bài viết của Báo Thanh Niên bước đầu cho thấy sự việc bạo hành, ngược đãi trẻ em đã xảy ra nhiều lần và trong một khoảng thời gian dài. Sự việc do chính nhân viên tại Mái ấm Hoa Hồng thực hiện.

Việc bảo vệ trẻ em, nhất là các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được thành phố, các ngành, các cấp quan tâm và có nhiều chính sách nhằm góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em được sống, được phát triển trong một môi trường thật sự an toàn và lành mạnh. Vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12 (nơi có số lượng trẻ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại cơ sở khá lớn, trong đó có nhiều trẻ em ở lứa tuổi sơ sinh), là hết sức nghiêm trọng, xét về hành vi, mức độ bạo hành. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ.

Nhằm bảo vệ Quyền của trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đề nghị Ủy ban nhân dân quận 12, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 12, Công an Quận 12, kịp thời có các biện pháp xử lý để đảm bảo sự an toàn đối với các trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng, đồng thời xem xét để có các biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với người đã có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Theo VOV


bạo hành trẻ em

bạo hành


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.