Nhạc sĩ Quốc Trung: Khích lệ niềm tự hào dân tộc

Nhạc sĩ Quốc Trung nói âm nhạc thì không cần phải thuyết minh.

Nhạc sĩ Quốc Trung nói âm nhạc thì không cần phải thuyết minh. Anh cho biết mình cảm nhận những bài hát cách mạng bằng ngôn ngữ âm nhạc chứ không bằng những giai thoại hay chuyện kể, không phải bằng những điều tô vẽ

Phóng viên: Một nhạc sĩ luôn cổ xúy cho những xu hướng mới, tính chất hiện đại trong âm nhạc như Quốc Trung lại là linh hồn của chương trình Giai điệu tự hào, nơi ca ngợi những giá trị âm nhạc đã cũ. Làm đạo diễn âm nhạc cho chương trình Giai điệu tự hào, mong muốn của riêng anh là gì?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi mong muốn mọi người đón nhận và cảm nhận dòng nhạc này với những tâm thế mới để có cái nhìn đa dạng hơn không chỉ với âm nhạc, không chỉ với những hoài niệm của quá khứ hào hùng mà còn với trách nhiệm của cuộc sống hiện tại.

Những ca khúc, những giai điệu tự hào ấy có khơi gợi cảm xúc đặc biệt gì trong anh về chiến tranh - hòa bình?

- Tuổi thơ tôi cũng đã từng trải qua những ngày của chiến tranh, miền Bắc bị ném bom, phải đi sơ tán tại Phú Thọ rồi những ngày hân hoan đón chào đất nước thống nhất. Nhưng thật sự vào tuổi đó, tôi chưa cảm nhận được hết sự khốc liệt của chiến tranh, vẫn nghĩ nó rất thi vị như những gì trong phim và trong tiểu thuyết.

 

Nhạc sĩ Quốc Trung Ảnh: THANH VY

Nhạc sĩ Quốc Trung Ảnh: THANH VY

 Tất nhiên là đến giờ, cảm xúc trong tôi đã khác đi rất nhiều. Trải nghiệm chiến tranh cho tôi thấu hiểu sâu sắc về giá trị của hòa bình. Mọi thứ trong thời bình hẳn nhiên dễ dàng bội phần so với thời chiến nhưng một điều có lẽ thời bình không có được, đó là giá trị đích thực của vạn vật. Cuộc sống hiện tại dễ dàng, hối hả quá nên đôi khi mọi người không còn thói quen dành thời gian để chiêm nghiệm những thứ quanh mình. Sự hời hợt của con người chính là tác nhân khiến chúng ta để lỡ mất cơ hội của mình, thậm chí chúng ta lướt qua nhau một cách vô tình. Dẫu sao, đó cũng là cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận khi ngày nay, mỗi người cũng phải đối mặt với nhiều thứ cần lo toan hơn trước.

Những ca khúc truyền thống cách mạng có giá trị đặc biệt trong thời chiến với nhiều chức năng: động viên, khích lệ. Nhưng ở thời bình, theo anh, dòng nhạc này có giá trị gì đặc biệt?

- Một trong những mục đích của chương trình Giai điệu tự hào là khích lệ niềm tự hào dân tộc để chúng ta có thể đóng góp cho đất nước, cho cộng đồng, xã hội nhiều điều tốt đẹp hơn.

Không phải đến tháng 4 lịch sử, những ca khúc truyền thống cách mạng mới để lại những cảm xúc đặc biệt với khán giả yêu nhạc. Những ký ức lịch sử, những bài học truyền thống cứ thế đan xen trong nhiều lớp thế hệ khán giả. Điểm chung giữa công chúng yêu nhạc là tình yêu đậm chất thiêng liêng mà ca khúc mang lại dù hữu hình hay vô hình. Ở thời chiến hay thời bình, giá trị hào khí của dòng nhạc đỏ vẫn còn nguyên với người nghe bởi âm vang đầy tự hào được tạo nên và để lại bởi lịch sử mà ca khúc truyền thống cách mạng là công cụ dẫn truyền.

Anh thường chọn bài hát cho Giai điệu tự hào theo tiêu chí nào?

- Tôi cùng với Phan Huyền Thư (biên tập ý tưởng chương trình - PV) sau khi lựa chọn ý tưởng chủ đề cho từng chương trình thì bắt đầu lựa chọn bài hát mang lại nhiều gợi mở và cảm xúc nhất. Cảm xúc của bản thân thì còn tùy vào từng bài hát, đôi khi đến lúc hoàn thành, nó mới mang lại cho mình cảm xúc trọn vẹn nhất.

Anh là con nhà nòi. Những câu chuyện kể mang giá trị đặc biệt của các ca khúc truyền thống cách mạng ở thời chiến mà bố mẹ anh trải qua có tạo nên những cảm xúc đặc biệt trong anh khi cảm nhận nó?

-  Hầu như tôi đều biết và thuộc những bài hát đó vì từ bé đã được nghe, được xem bố mẹ và các cô, dì, chú, bác trực tiếp biểu diễn. Tôi cảm nhận những bài hát đó bằng ngôn ngữ âm nhạc chứ không bằng những giai thoại hay chuyện kể, không phải bằng những điều tô vẽ để có được những cảm xúc thật sự của âm nhạc cách mạng đỉnh cao.

Mục đích của việc làm mới những bản hòa âm, cách thể hiện cho những ca khúc xưa của anh là gì?

- Trước tiên, nó là tiêu chí nghệ thuật của chương trình, cần phải có những sáng tạo và đó là điều đầu tiên cần có để mang lại cảm hứng cho bản thân tôi và các nghệ sĩ khác. Có như vậy mới mong chương trình mang lại cảm hứng cho người nghe.

Nhưng những giọng ca trẻ thể hiện lại các ca khúc được tôn vinh giai điệu tự hào vẫn chưa như mong đợi?

- Ngôn ngữ thể hiện có thể khác nhau nhưng nếu mang lại cho người nghe những cảm xúc tự hào  thì nó vẫn là thành công của nghệ thuật. Tất nhiên còn tùy thuộc vào sự cởi mở của người nghe nữa.

Nhưng đôi lần, cách làm mới của anh đã vấp phải sự phản đối từ khán, thính giả trung thành với cách hát truyền thống?

- Họ cũng không sai nếu vẫn trung thành với những giá trị gắn liền với quá khứ của họ nhưng chúng tôi không nhắm tới riêng những người đó . Tôi không cần phải thuyết phục họ bởi âm nhạc không cần phải giải trình hay thuyết minh. Tôi tin là không chỉ riêng mình mà chương trình Giai điệu tự hào đã mang lại nhiều cảm hứng cho số đông khán giả. Đó là điều mà tôi mong đợi và hướng đến. Làm nghệ thuật là làm dâu trăm họ, không ai đủ dũng khí để nuôi mộng chinh phục tất cả người nghe. Vậy nên, hướng đến số đông khán giả và có được điều đó, rõ ràng đã là thành công.

Tình cảm mà anh dành cho những ca khúc truyền thống cách mạng xem ra cũng tràn đầy, trong khi anh là một nhạc sĩ trung thành với nhạc nhẹ?

- Ca khúc hay tác phẩm âm nhạc nào cũng đều được cảm nhận như nhau nếu thật sự nó có giá trị nghệ thuật. Quan trọng với tôi là tinh thần trách nhiệm và tài năng nghệ thuật chứ không phải tình cảm cá nhân.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.