Chồng tôi nghiện ngập, trai gái khi tôi đi lao động xuất khẩu

Sau 3 năm vất vả làm việc nơi đất khách quê người, trở về quê nhà, cái mà tôi nhận được là một đống nợ nần và những lời trách móc của chồng. Tôi như sụp đổ hoàn toàn trước sự thật phũ phàng đang bày ra trước mắt.

Sau 3 năm vất vả làm việc nơi đất khách quê người, trở về quê nhà, cái mà tôi nhận được là một đống nợ nần và những lời trách móc của chồng. Tôi như sụp đổ hoàn toàn trước sự thật phũ phàng đang bày ra trước mắt.

Cách đây ba năm, nhờ vài người môi giới, tôi đã đi lao động xuất khẩu ở Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh. Vì phải qua môi giới nên số tiền chi phí trung gian của tôi khá tốn kém. Lúc ấy, hai vợ chồng tôi chỉ còn cách đi vay để sau khi tôi ổn định công việc bên đó thì sẽ trả dần. Hơn 100 triệu đối với vợ chồng chúng tôi quả là một số tiền quá lớn.

Ảnh minh hoạ

Sau khi ổn định công việc và có thu nhập tương đối, tôi cố gắng lao vào công việc vừa là để kiếm được một khoản tiền lớn về xây dựng gia đình vừa là để khỏa lấp nỗi nhớ nhà, nhớ chồng lúc nào cũng đầy ắp trong tim. Cứ đến kỳ lĩnh lương, tôi lại gửi về cho chồng kèm theo những lời dặn dò, trả chỗ này, chỗ kia hay mua cái này cái khác. Cứ thế, suốt ba năm tôi không giữ riêng cho mình một đồng lẻ nào.

Ngày hết hạn hợp đồng trở về nước, tôi cay đắng khi biết tất cả số tiền tôi gửi về chưa hề được đem đi trả nợ hay mua sắm vật dụng cho gia đình. Chồng tôi đã dùng hết số tiền đó vào chuyện cờ bạc, gái gú. Anh đã lấy tiền của tôi để “bao” một cô gái quá lứa nhỡ thì và đã có một đứa con với cô ta. Ngôi nhà tồi tàn của chúng tôi vẫn chả khác gì so với ba năm trước. Chỉ có chồng tôi là hoàn toàn thay đổi. Anh ta thường xuyên đi đêm về hôm, chơi cờ chơi bạc. Lần nào về chồng tôi cũng say mèm và luôn miệng chửi mắng tôi. Số tiền cuối cùng tôi gửi về đã bị anh nướng vào những trận đỏ đen và “nhờ” cô tình nhân giữ hộ.

Tôi suy sụp hoàn toàn trước sự thay đổi chóng mặt của chồng. Từ một người đàn ông chỉn chu, hiền lành, anh đã trở thành một kẻ nát rượu, cờ bạc và vô cùng thô bạo với vợ.

Những người trước đây cho vợ chồng tôi vay tiền, thấy tôi về đều đến để đòi. Thì ra, chồng tôi chưa hề trả họ một đồng nào. Mỗi lần họ đến hỏi, anh ta đều bảo tôi không gửi về để thoái thác. Tài sản suốt ba năm ky cóp, nhịn ăn nhịn mặc gửi về cho chồng đã đổ xuống sông xuống bể. Số tiền nợ thì vẫn còn nguyên khiến tôi suy sụp nhanh chóng. Vài chủ nợ cho rằng tôi đang có ý định “quỵt nợ” nên ra sức đòi, thậm chí họ còn dọa sẽ nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Tôi đem tất cả những bức xúc, nỗi đau đớn ấy nói với chồng thì chỉ nhận được những lời căn vặn, trách móc vô lý của anh. Chồng tôi cho rằng, xảy ra chuyện như hiện nay tất cả là lỗi của tôi. Anh ta không muốn và không bắt tôi đi nước ngoài kiếm tiền. Tôi đã đi và từ bỏ gia đình, bỏ chồng “nheo nhóc” ở nhà vì tham lam muốn có được nhiều tiền. Thậm chí anh còn bảo: “Có tiền sao cô không biết giữ mà lại gửi về cho tôi. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Giờ cô kiếm đâu tiền trả người ta thì kiếm. Tôi chịu rồi. Tôi trở thành nghiện ngập, cờ bạc, gái gú đi chăng nữa cũng là do cái thói ham tiền của cô mà ra đấy.” Theo anh, vợ thì phải ở nhà phục vụ, chăm sóc chồng, con. Tôi đi nước ngoài, “quên” mất nhiệm vụ chính của mình nên anh phải tìm cách khác “phục vụ” mình. Như thế mới công bằng với anh ta.

Tôi như chết đứng trước cái lý luận không còn từ nào có thể diễn tả ấy của chồng. Suốt hàng tháng trời kể từ ngày về tôi không sao ngủ được. Tất cả những việc tôi làm cũng là để thực hiện ước mơ có một gia đình hạnh phúc, đủ ăn đủ mặc và lo lắng cho con cái học hành chu đáo. Còn anh, chỉ biết lao đầu vào rượu chè, cờ bạc và hú hí với người đàn bà kia. Anh ta nói với mọi người rằng rất hận tôi, vì tôi mà anh ta trở thành người chồng như hiện nay.

Tôi không biết nên làm thế nào với cuộc sống này, tiếp tục sống với anh ta, tôi cảm thấy quá nhiều mệt mỏi và áp lực. Hơn nữa, tôi cũng chẳng còn nhận được tình thương từ anh ta nữa. Liệu tôi có phải là nguyên nhân làm cho anh ta trở nên như thế này hay không? Tôi nên làm gì?Có nên ly hôn hay không?


Chị thân mến!

Xin chia sẻ với chị tâm trạng đau khổ và thất vọng hiện nay. Chồng chị đã không chỉ phụ bạc bỏ rơi chị đến với người phụ nữ khác mà còn nhẫn tâm dùng hết số tiền mà chị đã vất vả làm ăn để chơi cờ bạc rượu chè. Anh ta không còn chút tình yêu thương nào cho chị, những người như anh ấy hẳn là chị đã có câu trả lời cho hạnh phúc của mình.

Quan niệm truyền thống luôn cho rằng người phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình, nếu người vợ “vắng nhà” khiến nhiều gia đình sẽ rơi vào cảnh “tắt lửa”, hay nói cách khác sự vắng mặt của người phụ nữ sẽ bị xem như là nguyên nhân chính của việc gia đình tan nát, con cái hư hỏng, chồng ngoại tình cờ bạc….. Nhưng trên thực tế, không phải gia đình nào có người đi xuất khẩu lao động cũng rơi vào bi kịch, càng không phải vì phụ nữ đi tham gia xuất khẩu lao động thì hạnh phúc gia đình bị lung lay.

Kiếm tiền để thay đổi cuộc sống gia đình là một nhu cầu chính đáng. Có thể chị cũng có một phần chủ quan khi gửi hết tiền về cho anh ấy mà không liên lạc và xem xét xem anh ấy đã sử dụng số tiền ấy như thế nào. Nhưng chồng chị đổ lỗi vì chị ham kiếm tiền mà không quan tâm đến chồng con làm cho anh ta trở nên như hiện nay đó là một sự kết án vô lý. Anh ấy đổ lỗi cho chị cũng thể hiện mình không có trách nhiệm với chính mình và gia đình, việc anh ấy tẩu tán tài sản khi chị vất vả nơi xứ người để gửi tiền về là hành vi bạo lực về kinh tế, thậm chí anh ấy công khai tình cảm với người phụ nữ khác cũng là hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình và làm tổn thương đến người bạn đời. Với tất cả những gì anh ấy đã làm thì anh ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không thể đổ lỗi.

Trước mắt chị hãy bình tĩnh và xem xét điều gì mình cần làm trước tiên. Với chồng chị, anh ấy đã không còn tình cảm, không có trách nhiệm và không có tình yêu thương với chị, chị có thể tự quyết định cuộc hôn nhân của mình bởi duy trì cuộc hôn nhân với một người không còn yêu thương mình sẽ khiến chị càng thêm mệt mỏi. Về vấn đề nợ nần, chị hãy chia sẻ với người thân, nhờ sự trợ giúp của họ hàng anh em để có thêm kế hoạch sống cho riêng mình. Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Vấn đề là chị hãy biết yêu thương bản thân và hiểu được mong muốn của mình. Tôi tin vào bản lĩnh cũng như sự vững vàng của chị để có thể đối đầu với mọi khó khăn và tìm cho mình con đường đúng đắn nhất.

Vững tin lên, chị nhé!

Vũ Ánh Tuyết- CSAGA


Thăm dò ý kiến

Bạn quan niệm như thế nào về gia đình có người vợ đi xuất khẩu lao động?


Bình luận