16 tuổi được kết hôn và những tranh cãi nảy lửa

Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có nội dung mở rộng điều kiện kết hôn. Một số chuyên gia đề nghị cho phép kết hôn ở tuổi 16; song không ít người lo ngại về khía cạnh tâm sinh lý, thiếu nữ "trăng tròn" còn quá non để làm mẹ.

Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có nội dung mở rộng điều kiện kết hôn. Một số chuyên gia đề nghị cho phép kết hôn ở tuổi 16; song không ít người lo ngại về khía cạnh tâm sinh lý, thiếu nữ "trăng tròn" còn quá non để làm mẹ.

Bộ Tư pháp nhìn nhận, sau 12 năm áp dụng, đến nay Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 bộc lộ nhiều bất cập hạn chế trước những biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Trong cuộc họp Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân gia đình vừa qua, hàng loạt vấn đề đã được đưa ra mổ xẻ như: phong tục tập quán hôn nhân, căn cứ xác lập quan hệ cha - mẹ - con và việc mang thai hộ... Đặc biệt việc xem xét mở rộng độ tuổi kết hôn được bàn luận khá sôi nổi.

Báo Pháp luật TP HCM đưa tin, tại cuộc họp này các thành viên Tổ biên tập cho rằng, Luật Hôn nhân gia đình hiện hành quy định nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi mới được kết hôn trên thực tế gây thiệt thòi cho nữ giới. Cụ thể, nữ 18 tuổi kết hôn mới được coi là hợp pháp và được quyền tự do ly hôn. Ngược lại, quyền tự do ly hôn của họ không thể thực hiện nếu sau khi kết hôn và đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi, bởi pháp luật cũng quy định, cá nhân phải đủ 18 tuổi mới có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Vì vậy, dự luật sửa đổi dự kiến quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn.

Một thiếu nữ khốn khổ vì làm mẹ bất đắc dĩ khi mới 15 tuổi. Các nhà tâm lý cho rằng ở lứa tuổi này các em gái chưa đủ trưởng thành về tâm lý sinh lý để làm mẹ. Ảnh: Tây Nguyên.

Cũng trong cuộc họp này, Tiến sĩ Ngô Thị Hường, Đại học Luật Hà Nội cho rằng việc xác định tuổi kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn và phong tục tập quán từng địa phương. Trên thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống và có con với nhau. Vì thế bà đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17, thậm chí 16 tuổi.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây, nhu cầu tâm sinh lý thay đổi do sự tác động từ phim ảnh, báo chí, Internet. Vì thế hạ độ tuổi kết hôn của nữ xuống 16 hoặc 17, nam đủ 18 tuổi là hợp lý.

Tuy nhiên trao đổi với PV, một số bác sĩ và nhà tâm lý cho rằng khi bàn về việc mở rộng độ tuổi kết hôn, các nhà làm luật dường như chưa có nghiên cứu thực tế về vấn đề sức khỏe sinh sản, tình trạng tâm sinh lý cũng như tác động xã hội của thay đổi này.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa Việt Nam, cho rằng không nên thay đổi quy định độ tuổi kết hôn. Lý do là về mặt sinh lý, ở tuổi 16, 17, khung xương chậu của thiếu nữ chưa phát triển hoàn thiện.

Ông nói: "Ít nhất phải đến 22 tuổi cơ thể thiếu nữ mới phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho việc sinh con, còn những trường hợp 16, 17 tuổi mà sinh con hầu hết phải mổ lấy thai. Riêng về nam giới, độ tuổi thích hợp để làm cha là 25".

Ngoài vấn đề sức khỏe, ông Vy còn lo ngại về mặt tâm sinh lý, ở độ tuổi này, các em gái chưa có sự chuẩn bị gì để mang thai, làm mẹ. Trên thực tế tuổi 16 đến 19 vẫn thuộc nhóm vị thành niên lớn.

Hiện nay trên thế giới không quy định độ tuổi kết hôn, nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến ngoài 22, lần thứ hai là 25 đến 27 tuổi. Khi đến tuổi ngoài 30 thì phụ nữ có thể dành thời gian để cống hiến cho sự nghiệp.

Giáo sư Vy nhìn nhận: "Việc hạ tuổi kết hôn có thể làm bùng nổ dân số, làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa. Theo tôi là không nên sửa đổi, để nguyên như cũ là tốt nhất. Kết hôn từ 18 tuổi nhưng chưa nên có con ngay mà phải ngoài 20 tuổi, để có thời gian trải nghiệm kinh nghiệm làm mẹ an toàn".

Trên phương diện khác, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc lo ngại nếu hạ độ tuổi kết hôn sẽ làm nảy sinh hàng loạt vấn đề khác như: các quy định liên quan đến trẻ vị thành niên, xử lý tội phạm hình sự ở tuổi này, quy định cấm sử dụng lao đông vị thành niên trong một số ngành nghề...

Theo ông Thịnh, ngày nay điều kiện sống được nâng cao, ăn uống đầy đủ, trẻ thế hệ 9X đời cuối hoặc sinh những năm 2000 có sự phát triển về thể hình khá nhanh so với các lứa tuổi trước đó (chẳng hạn như trường hợp người mẫu 13 tuổi Bảo Trân cao 1,7 m). Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề hình thể, còn trong lĩnh vực tâm lý, lĩnh vực trí tuệ các em vẫn cón đang ở tuổi vị thành niên, lứa tuổi mà ông bà xưa vẫn gọi là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ngay cả luật hình sự vẫn có khung hình phạt riêng cho lứa tuổi dưới 18.

"Nếu chấp nhận cho kết hôn ở tuổi 16 thì liệu rằng các em đã đủ chín chắn, đủ hiểu biết để đảm đương cho vai trò người vợ, người mẹ, người con dâu rể trong gia đình chưa, hay sẽ tạo ra nhiều gia đình dang dở, những bà mẹ đơn thân và xã hội sẽ phải gánh thêm những đứa con thiếu mẹ hoặc thiếu bố", ông nói.

Xuất phát từ băn khoăn này, ông Thịnh đề xuất, trước khi xem xét thay đổi độ tuổi kết hôn, cần có một nghiên cứu khoa học xã hội về mọi mặt của lứa tuổi 16 từ vấn đề tâm sinh lý, khả năng đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ, việc kết hôn ở độ tuổi này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, tinh thần của các thế hệ tiếp theo. Khảo sát cần phải tiến hành với số lượng mẫu thống kê đủ lớn, bao gồm đủ các vùng miền và kết quả có tính khoa học được một hội đồng khoa học đánh giá chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính cho rằng “ngày nay nó thế” rồi đưa ra kết luận.

"Dưới góc độ giáo dục, tôi thấy rằng 16 là độ tuổi các em còn đang phải học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, nâng cao tri thức và phát triển kỹ năng lao động. Những gì được trau dồi ở độ tuổi đóng vài trò quan trọng trong quá trình sống suốt cuộc đời sau này. Trong khi khi đưa ra dự thảo này, dường như các nhà làm luật đang trở lại với thời 'nữ thập tam, nam thập lục' và có vẻ đang quan tâm phát triển đến phần 'con' nhiều hơn là phát triển phần 'người'", vị thạc sĩ giáo dục phát biểu.

Ngược lại, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực Giới - Tình dục -Quyền) cho rằng, nhiều cuộc khảo sát ghi nhận tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên Việt Nam đã bắt đầu sớm hơn một tuổi so với trước đây (tức là 18 tuổi so với trước kia 19 tuổi). Hơn nữa giới trẻ ngày nay cũng dậy thì sớm hơn, ở tuổi tuổi học so với trước kia diễn ra ở thời học cấp 2, cấp 3.

Bà Tú Anh nói rằng: "Vì thế, theo tôi việc đề xuất hạ tuổi kết hôn xuống là hợp lý. Điều quan trọng là cần quan tâm đẩy mạnh giáo dục giới tính, tư vấn tiền hôn nhân hiện chưa phổ biến ở Việt Nam".

Trước ý kiến cho rằng trẻ kết hôn ở tuổi 16, 17 là không phù hợp vì chưa học xong, chưa thể tự chăm cho mình, bà Tú Anh cho rằng không nên lấy việc sinh con, lập gia đình làm cái cớ ảnh hưởng đến học tập. Ở đây điều quan trọng là có sự hỗ trợ của gia đình, xã hội, lấy chồng, sinh con xong các em vẫn có thể đến trường như bao bạn khác. Việt Nam cũng chưa phổ cập hết cấp 3, có nhiều em chỉ học hết cấp 2 đã bỏ học.

"Chưa hề có nghiên cứu nào chứng tỏ hạ độ tuổi kết hôn thì làm tăng tỷ lệ kết hôn sớm. Thực tế đang có xu thế là phụ nữ kết hôn muộn, nhiều gia đình thúc giục mà con chịu lập gia đình đâu", bà Tú Anh phản bác.

Theo bà, kết hôn khi nào thì phụ thuộc nhiều yếu tố, kết hôn là tự nguyện, bản thân thấy đã thích hợp chưa. Tuổi không phải là yếu tố quyết định chuyện kết hôn. Thực tế, từ năm 2000, Việt Nam quy định tuổi kết hôn của nữ là 18, nam là 20 nhưng ở một số dân tộc vẫn xảy ra hiện tượng tảo hôn.

"Điều quan trọng không phải là quy định bao nhiêu tuổi để được kết hôn mà làm thế nào để có thể hạn chế được những hệ lụy do quan hệ tình dục. Mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục… đang là thực trạng đáng báo động tại Việt Nam", bà Tú Anh nói.

Theo VNE

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.