Như đã đưa tin vụ việcthai nhi tử vongngười nhà tố bệnh viện tắc trách xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Ngày 23/8, sau khi con chị Gấm tử vong, chị Lê Thị Thu Hường (em dâu chị Gấm) đã thay mặt gia đình viết thư khẩn cầu gửi Bộ Y tế.
Nhận được thông tin tố cáo, Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế và bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk thành lập Hội đồng y khoa để đánh giá nguyên nhân và trả lời thỏa đáng cho gia đình chị Gấm.
Ngày 14/9, ban lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk đã yêu cầu Khoa sản và Khoa hồi sức cấp cứu nhi sơ sinh tổ chức họp, làm báo cáo cụ thể về quá trình hội chẩn, cấp cứu trong vụ việc thai nhi sinh tử vong.
Qua làm việc, bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk đã có báo cáo ban đầu gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết luận trong vụ việc thai nhi tử vong, bệnh viện đã làm đúng quy trình, hướng dẫn đầy đủ cho người nhà sản phụ Gấm từ lúc nhập viện sinh đến khi chuyển xuống bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh viện cũng chưa phát hiện thái độ y bác sĩ không đúng dẫn tới sự việc ngoài ý muốn là con sản phụ Gấm tử vong ngày 23/8.
Về tố cáo của chị Hường là tại bệnh viện, chị Gấm sau khi được làm xét nghiệm, siêu âm thì đưa vào phòng chờ sinh 3 lần nhưng bác sĩ nói chờ, bệnh viện đưa ra kết luận rằng do lúc đó tử cung của sản phụ Gấm chưa đủ độ mở nên bác sĩ mới yêu cầu ra phòng chờ.
Chị Hường tố cáo gia đình yêu cầu được sinh mổ do quá đau nhưng bệnh viện bắt sinh thường, bệnh viện cho rằng nội dung tố cáo này không đúng. Lý do là lúc đó bác sĩ xác định chị Gấm đang chuyển dạ, tình trạng thai nhi và mẹ chưa có dấu hiệu bất thường, chưa có chỉ định mổ.
Bác sĩ sau đó cũng đã tư vấn chọn lựa giữa việc sinh thường hay sinh mổ khi người nhà có yêu cầu chứ không có việc dửng dưng, tắc trách.
Nội dung chị Hường tố cáo rằng sáng ngày 19/8 chị Gấm quá đau và có dấu hiệu kiệt sức nên gia đình yêu cầu mổ cấp cứu cho chị. Lúc này, bác sĩ mới chuyển chị Gấm vào phòng mổ và phải đợi thêm hơn 2 tiếng nữa vì ekip trực cho biết là bác sỹ Trưởng Khoa sản hiện không có trong bệnh viện nên không ký giấy mổ được.
Bệnh viện trả lời rằng không có chuyện đó, bởi Trưởng Khoa sản và điều dưỡng trưởng có mặt túc trực khi sản phụ Gấm được chuyển lên bàn mổ. Không bao giờ có việc đợi lãnh đạo Khoa sản ký giấy sản phụ mới mổ trễ.
Về nội dung gia đình chị Gấm sau đó có yêu cầu chuyển bé lên bệnh viện Nhi đồng 2 tại TP. HCM, tuy nhiên bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk nói bệnh viện Nhi đồng 2 hết bình thở ô-xi, nếu chuyển thì người nhà tự thuê xe cấp cứu có máy thở.
Tình trạng bé sau đó xấu đi, gia đình chị Gấm tiếp tục yêu cầu chuyển bé lên bệnh viện Nhi đồng 2 lần nữa, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk lại không đồng ý. Sau đó, gia đình đã gọi vào số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện phản ánh mới được cho chuyển đi. Tuy nhiên, gia đình chị Hường phải tự thuê xe, bệnh viện chỉ cử một y tá đi cùng.
Trả lời nội dung tố cáo trên, bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk đã làm văn bản đề nghị bệnh viện Nhi đồng 2 xác nhận việc bệnh viện có gọi báo chuyển con sản phụ Gấm xuống, bệnh viện Nhi đồng 2 nói hết bình thở ô-xi.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đề nghị là không chuyển bé trong lúc đang hôn mê và cần có xe chuyên dụng, tuy nhiên bệnh viện Đắk Lắk không có xe chuyên dụng. Người nhà sản phụ Gấm sau đó tự thuê xe đưa xuống bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk có cử y tá đi cùng.
Kết luận ban đầu của bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến việc con sản phụ Gấm tử vong có thể do hít phân su nên suy hô hấp. Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân bệnh lý khác có thể mắc phải.
>> Nổ bóng bay đêm Trung thu, 9 người bỏng nặng: Giật mình sợ hãi những “quả bom di động”