Bộ Y tế không ghi nhóm máu lên thẻ căn cước vì sợ tốn kém

“Khi xây dựng cơ sở dữ liệu, nhiều người đã đề nghị ghi nhóm máu vào nhưng Bộ Y tế không đồng tình, họ nói đưa nhóm máu vào rất tốn kém”, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho hay.

“Khi xây dựng cơ sở dữ liệu, nhiều người đã đề nghị ghi nhóm máu vào nhưng Bộ Y tế không đồng tình, họ nói đưa nhóm máu vào rất tốn kém”, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho hay.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo về dự án Luật căn cước công dân sáng 26/9.

- Trong khi chuẩn bị triển khai để làm thẻ căn cước thì nhiều ý kiến đề nghị nên sử dụng tiếp CMND 9 số, không cấp mẫu mới nữa cho đỡ lãng phí. Ông nghĩ sao về điều này?

- Mẫu 12 số là đảm bảo cấp cho mỗi công dân một số duy nhất, không được trùng, không được 1 người dùng 2-3 số. Bộ Công an đã tổng kết, mẫu 9 số không đảm bảo đủ cho trên 80 triệu dân ở trong nước cũng như các công dân sinh ra ở nước ngoài.

Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, ví như việc cấp biển số xe 4 số, sau đó đã phải chuyển sang 5 số vì mỗi seri chỉ được 10 triệu số, nếu chia cho 27 huyện quận ở Hà Nội sẽ dẫn đến trùng số sau này.

Về việc này, chúng tôi đã tham khảo 30 nước trên thế giới, tổ chức rất nhiều hội thảo, ý kiến của các chuyên gia hàng đầu CNTT, nhà khoa học, các Bộ ngành… họ đều khẳng định cấp mẫu 12 số là hợp lý, dễ nhớ, đảm bảo công tác quản lý và không bị trùng nhau.

- Vậy tiến độ cấp mẫu CMND 12 số hiện được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Hiện chúng tôi đã hoàn thiện được ở TP Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình. Trong năm nay sẽ cấp hoàn thiện ở TP.HCM, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Bức Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ.

 
- Vừa rồi có thông tin ở Hà Nội xảy ra lỗi khi cấp mẫu mới nên phải tạm dừng?

- Hoàn toàn không có lỗi, vì chủ trương thí điểm chúng tôi làm rất kỹ. Sau 1 năm chúng tôi tổ chức đánh giá, sơ kết lại tính ưu việt của nó. Hiện các tỉnh thành đã triển khai và không có trục trặc gì. Hiện chúng tôi đã cấp được trên 400 nghìn mẫu CMND mới.

- Vậy khi có thẻ căn cước công dân, mẫu CMND mới và cũ có bỏ không hay vẫn sử dụng song song?

- Theo lộ trình CMND cũ sẽ có hiệu lực 15 năm. Khi luật căn cước ra đời, mẫu cũ vẫn sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp, hết thời hạn sẽ chuyển sang thẻ căn cước. Như vậy nếu luật thông qua ta vẫn tồn tại 3 loại: CMND 9 và 12 số và thẻ căn cước công dân.

- Việc triển khai mẫu mới có những ưu điểm gì thưa ông?

- CMND 9 số toàn bộ lăn tay bằng thủ công. Nhưng mẫu 12 số lăn bằng máy và máy sẽ tự phân loại vân tay của từng người. Nếu bị mất CMND thì chúng ta có thể nhờ người đi xin và cấp lại chứ không phải tự đến để lăn tay nữa.

Thứ 2, mẫu cũ có sinh ra hiện tượng tràn số, ví dụ tôi ở Thái Bình, lên Hà Nội công tác và lại làm chứng minh ở đó, nhưng lại không trả CMND cũ ở Thái Bình. Thực tế đó dẫn tới tình trạng có người dùng tới 4 số CMND, nhất là các loại tội phạm hay áp dụng hình thức này. Thứ nữa nếu công nghệ cũ thì dễ làm giả, còn mẫu mới thì không.

- Nhưng có thực trạng dùng mẫu CMND mới thì phía Ngân hàng lại đòi thêm một loại giấy tờ nữa khi giao dịch, như vậy lại gây phiền hà cho người dân?

- Đúng là có chuyện đó, và chúng tôi đã có 2 công văn đề nghị việc này, yêu cầu phía Công an xác nhận khi cấp mẫu mới. Vừa rồi Bộ Công an đã đưa ra giải pháp cắt góc CMND 9 số, trả lại cho người dân rồi ra Ngân hàng giao dịch bình thường.

Nhiều người cũng thắc mắc không biết phải cắm thẻ căn cước vào đâu để sử - dụng?

- Thẻ này không cắm vào đâu được. Nhiều người cứ bảo cắm vào cây ATM nhưng không phải như vậy. Cái này là phục vụ cho công tác quản lý, sau này khi có đủ cơ sở dữ liệu số định danh thì khi đến cơ quan tư pháp, hay đến ngân hàng người ta chỉ cần bấm số sẽ ra thông tin của mình.

- Mức chi phí thực hiện đề án này thế nào thưa ông?

- Nếu như ở nước ngoài làm mỗi thẻ căn cước từ 2 – 3 USD, còn của ta hơn 400 tỷ đồng như trong đề án sẽ làm được khoảng 25 tỉnh, thành.

- Nhiều ĐBQH cũng đề nghị quy định nhóm máu trên thẻ căn cước. Việc này có được ban soạn thảo tiếp thu không?

- Khi xây dựng cơ sở dữ liệu, nhiều người đã đề nghị cho nhóm máu vào nhưng Bộ Y tế không đồng tình. Họ nói đưa nhóm máu vào rất tốn kém, vì ở cấp xã thì không dễ xét nghiệm máu được, mà căn cước công dân là liên quan đến toàn dân, trong đó tỷ lệ nông thôn chiếm khá nhiều. Nếu nhà nước tự làm thì lấy kinh phí đâu ra thực hiện.

Vì thế trong dự thảo luật chúng tôi có đưa quy định, sau này khi có điều kiện, Chính phủ sẽ khuyến khích, hoặc do người dân tự nguyện, còn nếu bắt buộc rất tốn kém, dù thực tế cho thấy nếu quy định nhóm máu sẽ rất thuận tiện.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Bình luận