Bóc mẽ thầy lang chữa bệnh bằng "hút máu âm"

Không ai trong số những người bệnh đến đây cắt giác tỏ ra thắc mắc về phương pháp chữa bệnh mất vệ sinh đến kinh dị của 'thầy' Tám. Họ nằm ngoan ngoãn để 'thầy' chữa bệnh theo cách mà ai nhìn vào cũng 'sởn gai ốc'.

Không ai trong số những người bệnh đến đây cắt giác tỏ ra thắc mắc về phương pháp chữa bệnh mất vệ sinh đến kinh dị của 'thầy' Tám. Họ nằm ngoan ngoãn để 'thầy' chữa bệnh theo cách mà ai nhìn vào cũng 'sởn gai ốc'.

Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp nhưng núp dưới bóng của một người 'lương y dày dạn kinh nghiệm', ông Tám Chừng vẫn điềm nhiên hành nghề bán thuốc, chữa bệnh cho mọi người.

Với cách chữa bệnh “hút máu âm”, ông thầy lang này đã khiến nhiều người nhẹ dạ đến đây bị thất kinh hồn vía. Quá bức xúc với việc làm thiếu lương tâm của “thầy” Tám, nhiều bạn đọc đã gõ cửa các cơ quan chức năng để được hỗ trợ vạch trần những sai phạm của thầy lang này.

Gặp mặt bệnh nhân là “hút máu âm”

Thời gian qua, không ít người dân trên địa bàn quận Hóc Môn, TP.HCM đã quá ngán ngẩm khi nói về cái danh của một “thầy lang” chuyên bốc thuốc chữa bệnh, kiêm cắt giác theo cách lạ đời. Nhưng họ không biết phải làm sao để lên tiếng cảnh báo, phản ánh đến các cơ quan chức năng và nhiều hộ dân trên cùng địa bàn biết về độc chiêu chữa bệnh ghê rợn của ông Tám Chừng, còn gọi là “thầy” Tám, ngụ tổ 71, khu phố 8, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Cứ như thế, “thầy” Tám có cơ hội lộng hành mà không cần biết hậu quả khôn lường từ những hành động thiếu khoa học ấy.

Chị H.T.M, ngụ huyện Hóc Môn, cho biết: “Cách đây vài ngày, chúng tôi chở em gái bị trúng gió, lên cơn sốt, nôn ói và thường xuyên bị đau đầu đi cắt giác tại nhà thầy Tám Chừng theo lời giới thiệu của nhiều người bạn.

“Thầy” Tám Chừng đang tư vấn chữa bệnh.

Có mặt tại đây vào lúc 9h sáng, chúng tôi rất bất ngờ bởi nơi đây nhộn nhịp chẳng khác nào vào những ngày lễ Tết. Sau khi làm xong thủ tục buổi sáng, thầy Tám lần lượt mời con bệnh vào để chữa bệnh. Có mặt trong căn phòng nhỏ bé của thầy Tám, bản thân tôi không khỏi rùng rợn và hoảng sợ trước cách chữa bệnh 'trên trời' và những bài thuốc không tên của vị thầy lang này”.

Theo lời kể của chị M. thì sau khi mời người bệnh lên giường nằm, “thầy” Tám dùng dao lam rạch vào phần da lưng và bụng của người bệnh rất bài bản, rồi tiếp tục lấy ống giác úp lên những vết cắt này khiến máu tuôn ra như nước chảy. Điều đặc biệt là, trong số những người bệnh đó có không ít người là phụ nữ, trẻ em cũng được “thầy” Tám thao tác rất điêu luyện đến hãi hùng.

Cắt giác cho mỗi người bệnh xong, “thầy” Tám điềm nhiên lấy giấy vệ sinh lau qua loa máu trên các vết cắt và trong ống giác, rồi số ống giác trên tiếp tục được dùng để chữa bệnh cho người kế tiếp mà không hề được qua khử trùng. “Đây là cách chữa bệnh khủng khiếp nhất mà tôi chưa bao giờ gặp trong y học, kể cả trong sách vở”, chị M. chia sẻ.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là không ai trong số những người bệnh đến đây cắt giác tỏ ra thắc mắc về phương pháp chữa bệnh của “thầy” Tám. Họ nằm rất ngoan ngoãn để “thầy lang” chữa bệnh theo cách mà ai nhìn vào cũng phải “sởn hết gai ốc”.

Những người bệnh còn bảo, “thầy” Tám đang “hút máu âm” ra khỏi người bệnh nhân. Có một số người nghe danh “thầy” Tám cũng tìm đến tận nơi để mong chữa dứt bệnh, nhưng khi chứng kiến cảnh ông “thầy” vô tư “hút máu” của người bệnh bằng phương pháp phản khoa học đã lẳng lặng bỏ về.

… và phát ngôn như… giang hồ

Khi chúng tôi tìm đến nhà của “thầy” Tám Chừng, ấn tượng đầu tiên là tấm bảng hiệu hết sức đặc biệt in mỗi dòng chữ “Nhà Tám Chừng” to tướng đặt trước cửa nhà. Nhiều người cho hay, “thầy” Tám làm như vậy để “tiện” cho người dân tìm địa chỉ mỗi khi tới đây.

Mặc dù mới chỉ 8h sáng nhưng không khí khám chữa bệnh tại đây đã không kém phần tấp nập. Căn phòng chưa đầy 10m2 kê sẵn 2 chiếc giường đơn và rất nhiều bộ ống giác hơi được đặt trên chiếc giường nhỏ đối diện với chỗ ngồi của “thầy” Tám.

Trên bức tường treo tấm bảng ghi rất rõ dòng chữ lưu ý người bệnh sau khi cắt giác: “Nước không được dính da. Không ăn uống các chất chua, béo, lạnh, nước ngọt. Nếu bệnh sốt có nôn ói nên ăn khoai lang nướng và uống trà gừng. Nên kiêng cữ thì bệnh nhanh khỏi. Nếu trúng lại, bệnh sẽ nặng hơn lúc trước khi cắt giác”.


Khủng khiếp hơn, chúng tôi còn phát hiện ra một cái thùng sơn cũ chất đầy những giấy vệ sinh lau máu cắt giác cho người bệnh được đặt ngay trên đầu giường.

Vừa bước vào khu vực làm việc của “thầy” Tám, chúng tôi có dịp chứng kiến câu chuyện của người đàn ông đến nhờ chỉ cách cúng vái chuẩn bị cho việc cất nhà. Chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe “thầy” Tám thốt lên rằng: “Nếu không có bộ Tam Sên thì về nấu cháo rồi mua con gà luộc cúng ông thổ địa. Cúng xong vợ chồng rủ nhau ngồi ăn. Nhưng đến khuya mà không ngủ được thì ráng chịu nha”.

Buồn cười trước thái độ nửa thật, nửa giả của “thầy” Tám, người đàn ông tiếp tục hỏi việc chữa căn bệnh rối loạn tiêu hóa của con gái mình. Theo lời kể thì cháu bé bị bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thường xuyên. Mặc dù cháu đã được đi bệnh viện khám và uống thuốc tây theo đơn thuốc nhiều lần nhưng chứng tiêu chảy vẫn không thuyên giảm. Sau đó, gia đình đưa cháu bé đến xin thuốc chữa bệnh của “thầy” Tám.

Tuy nhiên, theo lời tâm sự của người đàn ông này thì sau khi uống thuốc của “thầy” Tám, con ông bị “mát quá, không tiêu hóa kịp nên cháu đi ngoài càng nhiều hơn”. Nghe xong những lời giãi bày của người bố trẻ, “thầy” Tám nói: “Nếu nhà còn thuốc của tao cho thì cứ cho uống. Còn nếu nó khỏe mạnh rồi thì thôi”.

Sau khi nghe “thầy” Tám phán, người người phụ nữ đi cùng người đàn ông đặt tiền nhang đèn lên bàn thờ. “Thầy” Tám không ngần ngại nói: “Mày để đâu cũng được. Mày bỏ nhiều nhiều nha”.

Kết thúc câu chuyện với người đàn ông, “thầy” Tám quay sang hỏi chúng tôi: “Mày ở đâu? Con của mày hay con của chồng mày? Mày đẻ hay chồng mày đẻ?”. Sau hàng loạt câu hỏi liên tiếp, “thầy” Tám dừng lại và hỏi: “Năm nay mày bao nhiêu tuổi?”, tôi giả vờ đáp: “Con gái của con 6 tuổi, tuổi con chuột. Còn con tuổi con trâu”.

Lúc này, “thầy” Tám phán: “Mày tuổi con trâu mà đẻ con chuột. Nó có thứ bệnh viêm phổi, cứ nóng là ho, sổ mũi. Mày tắm nó trong thau nước lâu, nước rút trong da, vi trùng trong nước vô trong máu, dẫn đến tình trạng sốt mà uống thuốc hoài không hết, gọi là sốt ngã nước. Đi bác sĩ, nó nói bị sốt siêu vi cho uống thuốc hoài, mai mốt nó ỉa chảy giống như con khỉ”.

Tiếp theo lời phán này, ông “thầy” quyết liệt buông ra những lời chợ búa: “Có phải tại mày ngu không? Đụng cái là nó la, nó hét. Nó nói chuyện khôn, mày nghe dữ dằn lắm. Nó ở dơ không được. Mày không tắm, nó không ngủ. Nó là con ông trời, con Phật đầu thai xuống. Mày đẻ ra Phật mà không biết. Mày sốt ruột, thương con nên ép nó ăn thịt, ăn cá nhưng nó đâu có chịu ăn. Muốn con mày được tao chữa bệnh, mày mua một cái lễ gồm trái cây, nhang đèn cúng tổ, mày cứ mang theo tiền tới đây gần chợ muốn mua gì cũng có.

Nó là con trời, phải có thầy nuôi chứ không nó ốm vặt hoài. Không tin, mày cứ đưa nó đến chùa. Tự động nó sẽ chạy lại và vái Phật tổ. Ngoài ra, mày về bảo chồng mày đi ra đường thấy gái thì đừng có nhìn ngó. Nếu không con mày ngày càng bị bệnh nặng hơn”.

Thấy ông ta “hăng máu” chửi, chúng tôi hỏi có phải cắt giác không, “thầy” Tám thẳng thắn nói: “Tao làm gì tao làm, không chết con mày đâu mà sợ. Mày đưa nó tới tao, về tới nhà là nó hết liền…”.

Dù “thầy” Tám Chừng ăn nói bỗ bã và hành nghề thiếu khoa học như thế nhưng có rất nhiều người tìm đến xếp hàng, chờ được chữa bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi từ Công an huyện Hóc Môn, “thầy” Tám Chừng tên thật là Lê Văn Gio (SN 1941). Từ sau năm 1975, “thầy” Tám Chừng hành nghề thuốc Nam chữa bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân của “thầy” Tám không phải là dân ở đây mà là người ở xứ lạ tìm đến sau khi nghe những lời đồn thổi. 

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.