Bồi thường 122 triệu vụ bé trai tử vong trong hồ bơi

Bác yêu cầu ghi nhận quyền khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án khác đòi chi phí can thiệp y học để thụ thai, sinh con.

Bác yêu cầu ghi nhận quyền khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án khác đòi chi phí can thiệp y học để thụ thai, sinh con.

Chiều 11-10, TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên án vụ kiện liên quan đến cái chết của cháu bé trong hồ bơi Cung Văn hóa Lao động TP.HCM sau thời gian nghị án kéo dài. Tòa tuyên buộc Cung Văn hóa Lao động phải bồi thường hơn 122 triệu đồng cho gia đình cháu QVT.

Câu chuyện đau lòng xảy ra vào chiều 6-8-2015, khi đó cháu QVT (11 tuổi) cùng nhóm bạn vào bơi trong Cung Văn hóa Lao động trên đường Huyền Trân Công Chúa ở phường Bến Thành, quận 1. Hồ bơi này dài khoảng 50 m, sâu hơn 2 m và chỉ dành cho người lớn. Một lúc sau, không thấy cháu T. đâu, mọi người đi tìm và phát hiện cháu dưới đáy hồ nhưng không cứu kịp.

Sau tai nạn, gia đình nạn nhân không yêu cầu giám định tử thi cháu T. Đại diện cung văn hóa có đến thăm viếng và hỗ trợ gia đình nạn nhân 40 triệu đồng. Do hai bên không thống nhất được các khoản bồi thường nên cha mẹ cháu T. khởi kiện yêu cầu cung văn hóa bồi thường 270 triệu đồng, gồm các khoản mai táng phí (30 triệu đồng), chi phí làm mồ mả (30 triệu đồng) và bù đắp tổn thất tinh thần 210 triệu đồng (60 tháng lương tối thiểu vùng, mỗi tháng 3,5 triệu đồng).

Bồi thường 122 triệu vụ bé trai tử vong trong hồ bơi  - ảnh 1
Hai vợ chồng nguyên đơn - cha và mẹ của cháu bé tử vong trong hồ bơi đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: LỆ TRINH

Ngoài ra, nguyên đơn còn đề nghị tòa dành quyền khởi kiện cho nguyên đơn trong một vụ án khác để yêu cầu cung văn hóa bồi thường chi phí can thiệp y học nhằm hỗ trợ để chị O. (mẹ cháu T.) thụ thai và sinh con. Theo nguyên đơn, cháu T. là đứa con duy nhất của anh chị, cả hai đã lớn tuổi nên rất khó có con, trước đây phải nhờ y học can thiệp mới sinh được cháu T.

Tuy nhiên, phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường và tự nguyện hỗ trợ tổng cộng 120 triệu đồng. Với số tiền 40 triệu đồng đã trao cho gia đình nạn nhân, bị đơn đề nghị cấn trừ tính vào tiền bồi thường.

HĐXX TAND quận 1 cho rằng Nghị định 122/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động bằng hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ. Theo đó, 3,5 triệu đồng/tháng là mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (vùng I có một số quận/huyện thuộc địa bàn TP.HCM). Đây không phải mức lương làm cơ sở để giải quyết yêu cầu bù đắp tổn thất về tinh thần. Từ đó tòa áp dụng mức lương 1.210.000 đồng làm mức lương căn bản để giải quyết vụ án.

Đối với khoản tiền 40 triệu đồng, xét ngay thời điểm nạn nhân vừa mất, bị đơn đến viếng, chia buồn và gửi tiền hỗ trợ được hai bên thừa nhận,vì vậy đề nghị khấu trừ của bị đơn là không có cơ sở. Tổng cộng các khoản, tòa buộc cung văn hóa chỉ phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 122 triệu đồng.

Theo HĐXX, căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại. Trong vụ án này, sự tắc trách của bị đơn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu T. Người bị xâm hại là cháu T. Tuy nhiên, cái chết của cháu T. không phải là nguyên nhân gây nên sự hiếm muộn để phía nguyên đơn phải nhờ y học can thiệp cho mẹ cháu bé. Từ đó HĐXX bác yêu cầu ghi nhận quyền khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án khác đòi chi phí y học phát sinh.

Mong một sự sẻ chia nhiều hơn nữa!

Khi HĐXX đọc bản án, chị O. (mẹ cháu T.) đứng nghe và khóc nức nở. Tâm sự sau phiên tòa, chị nói: “Tôi cần một sự thấu hiểu từ Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Tôi chỉ muốn có điều kiện để được thêm một lần làm mẹ…”. Rồi chị lại khóc.

HĐXX dù đã rất thấu hiểu cho nỗi đau của bậc làm cha mẹ nhưng cũng không thể làm khác hơn. Bởi pháp luật chỉ trao cho họ một giới hạn quyền lực nhất định.

Xin phép nhắc về vài tình tiết đau lòng liên quan đến cái chết của cháu T. mà PV ghi nhận được tại phiên tòa.

Tại thời điểm xảy ra án mạng, nhân viên hồ bơi có tám người thì có đến bốn người không đủ tiêu chuẩn làm công việc cứu hộ theo quy định. Trong cùng năm đó, hồ bơi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh.

Đây là khu vực dành cho người lớn và thời điểm đó có rất nhiều cháu trạc tuổi T. đang bơi nhưng không ai có trách nhiệm ngăn cản. Địa điểm phát hiện cháu T. dưới đáy hồ là vị trí trực của một nhân viên cứu hộ - người này đã rời vị trí đi uống nước…

Cũng cần nhắc lại rằng vụ tai nạn thương tâm này đã không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự, dù rằng sự tắc trách là khá rõ ràng. Vì vậy thiết nghĩ trong điều kiện có thể, có lẽ phía bị đơn cũng cần thể hiện trách nhiệm và sự sẻ chia nhiều hơn những gì mà luật pháp đã ấn định.

 
Theo Lệ Trinh (Pháp Luật TPHCM)

bé trai tử vong trong hồ bơi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.