Bới tung rừng tìm sâm đất

Mỗi ngày, hàng trăm lượt người đổ xô vào các khu rừng phòng hộ ở Bạc Liêu để đào bới, săn lùng sâm đất làm chết nhiều vạt rừng. Đối với họ, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại không quan trọng bằng việc tìm sâm đất.

Bạc Liêu có trên 4.000 ha rừng phòng hộ, tạo nên những cánh rừng ngập mặn chạy xuyên suốt từ thị xã Bạc Liêu đến huyện Đông Hải với chiều dài trên 50 km.

Ngoài chức năng phòng hộ, những vạt rừng này hiện đang nuôi sống hàng ngàn người. Họ là dân nghèo, không đất, không tư liệu sản xuất. Nghề duy nhất mà họ biết là vào rừng, bới tung tất cả lên để tìm sâm đất đổi gạo.

Nguồn sống dưới... gốc cây rừng

Hiện nay, rừng đang mùa sinh trưởng, phát triển mạnh. Nhìn từ bên ngoài, những vạt rừng phòng hộ xung yếu kéo dài từ thị xã Bạc Liêu đến huyện Hòa Bình, Đông Hải (thuộc tỉnh Bạc Liêu) tạo thành một thảm xanh.

Thế nhưng khi vào tận bên trong mới phát hiện thảm xanh này đang bị tàn phá. Từng bãi đất trống đã bị người dân cày nát. Những gốc cây rừng bị bật tung rễ nằm ngổn ngang chờ chết.

Đó là hậu quả của việc khai thác sâm đất trái phép kéo dài, làm cho rừng phòng hộ ven biển của Bạc Liêu bị tàn phá cục bộ, gây tổn hại nghiêm trọng đến việc bảo vệ môi trường, sinh thái.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt người đổ xô vào các khu rừng này để đào bới, săn lùng sâm đất. Đối với họ, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại không quan trọng bằng việc tìm sâm đất. Vì vậy, họ phải lật tung những gốc cây này lên để tìm... nguồn sống cho bản thân và gia đình.

Trong vai người tìm mua sâm đất, chúng tôi hòa vào dòng người săn loại đặc sản này tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Em Thạch Sơn, 13 tuổi, hăng hái dắt tôi len lỏi qua những tán rừng mỏng manh, vào sâu bên trong để chứng kiến cảnh săn lùng sâm đất.

Hàng chục người đang hì hục dùng leng bới những gốc cây mắm đang trưởng thành. Khi gốc cây đã bị lật tung lên, họ xúm vào săm soi, tìm từng con sâm đất ẩn mình trong rễ cây.

Thạch Sơn cho biết muốn tìm được một ký sâm đất, họ phải đào tung khoảng 10 gốc cây rừng. Một người đào giỏi, mỗi ngày, có thể kiếm được trên 10 kg.

Nghe em Thạch Sơn hồn nhiên kể về việc đi tìm sâm đất để đổi gạo mà tôi nghe mặn đắng trong lòng. Phần thương cho mảnh đời cơ cực, phần thương cho những cây rừng này sẽ không còn được bám sâu vào lòng đất để vươn mình nghe tiếng sóng biển vỗ về.

Khó xử lý

Đó là nhận định của đa số người có trách nhiệm tại Bạc Liêu khi nói đến nạn phá rừng để tìm sâm đất. Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, bức xúc cho biết: “Mỗi năm, có hàng trăm lượt người vào rừng để tìm sâm đất. Điều này ai cũng biết nhưng không thể quản lý và xử phạt được vì đa số họ là dân nghèo. Nếu phát hiện, chỉ có thể tịch thu dụng cụ rồi cũng cho người vi phạm về vì họ không có tiền đóng phạt”.

Hình thức duy nhất được áp dụng là nhắc nhở, tuyên truyền nhưng xem ra biện pháp này không hiệu quả vì tìm sâm đất gần như là nguồn sống duy nhất đối với họ. Hiện giá sâm đất được các thương lái thu mua từ 8.000-10.000 đồng/kg, mức giá hấp dẫn này đã thôi thúc người nghèo rủ nhau rầm rộ đi tìm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận việc khai thác trái phép, vô tội vạ sâm đất đã dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chết. Hiện tại, rừng ở khu vực phường Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu); xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, đã chết rất nhiều.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng chỉ truy bắt các đối tượng thu mua và xử lý mạnh tay để ngăn chặn đầu mối tiêu thụ. Có đợt, chỉ trong vài ngày, cơ quan chức năng đã bắt quả tang đến 10 vụ vận chuyển, mua bán gần 1.000 kg sâm đất.

Gần đây, chỉ trong một ngày, Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu bắt quả tang nhiều đối tượng đào trộm sâm đất trong khu vực rừng phòng hộ phường Nhà Mát đang giao dịch với thương lái, thu giữ gần 500 kg sâm đất.

Ông Phúc nhấn mạnh: “Muốn ngăn chặn được tình trạng này, lực lượng kiểm lâm phải kết hợp chặt với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng để họ ngừng ngay việc khai thác trái phép sâm đất trong rừng phòng hộ, tránh gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Đặc biệt, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng vào rừng, nhất là xử lý nghiêm, triệt để các tụ điểm, đầu mối thu mua sâm đất”.

Theo các ngành chức năng, muốn người dân không vào rừng săn sâm đất thì địa phương phải giải quyết tốt bài toán thoát nghèo cho họ. Một khi họ đã được tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định thì nạn vào rừng săn sâm đất mới hy vọng được giải quyết.

Giải pháp này đã được đưa ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Và cây rừng cứ bị bật tung theo từng nhát đào của cái vòng luẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền của dân nghèo!

Theo Kim Nguyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.