BV Bạch Mai nói gì về vụ rác thải y tế "chạy thẳng" tới làng tái chế?

“Việc rác thải y tế nguy hại được xử lý tại bệnh viện đúng theo phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 hoạt động nghiên cứu thử nghiệm của khoa”

“Việc rác thải y tế nguy hại được xử lý tại bệnh viện đúng theo phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 hoạt động nghiên cứu thử nghiệm của khoa”, ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Bạch Mai) khẳng định tại buổi họp báo chiều 8.1.
 
Ông Hùng cho biết, mỗi ngày, bệnh viện Bạch Mai thu gom được từ 5 - 7 tấn rác thải các loại. Trong đó, có khoảng 800 kg chất thải độc hại, truyền nhiễm. Số chất thải này bình thường vẫn được giao cả cho công ty Urenco 8 và Urenco 10 xử lý theo hợp đồng. Tuy nhiên, gần đây Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn giữ lại một phần để thử nghiệm quá trình xử lý diệt khuẩn tại bệnh viện để nó trở thành rác thải bình thường trước khi giao lại cho bên công ty xử lý rác thải.
 

Hình ảnh nhân viên cắt các ống tiêm đầy máu (ảnh Laodong.com.vn)

 
Cũng theo ông Hùng, những hình ảnh mà báo chí ghi lại được là một số quy trình trong giai đoạn xử lý đó. Trong đó, nhân viên phải phân loại rác thải, dùng kéo để cắt dây truyền máu. Sau đó đưa các loại rác thải này vào làm biến dạng đi và đưa vào lò hấp để diệt khuẩn:
 
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận cán bộ đã làm sai quy trình xử lý rác thải. “Các xilanh phải bị làm vỡ, dây truyền phải được cắt đi để diện tích tiếp xúc với nhiệt lớn nhất mới có hiệu quả diệt khuẩn cao. Chủ trương của khoa là tất cả quy trình đều được kiểm soát nghiêm túc đảm bảo an toàn tuy nhiên cũng có 1 số công nhân không thực hiện đúng quy trình này. Tôi xin nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, nếu người nào làm sai, cố tình đưa rác thải nguy hại ra môi trường sẽ phải nhận hình thức kỷ luật cao nhất là nghỉ việc” – ông Hùng nói.
 

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Mỵ Lương

 
Có mặt tại buổi họp báo ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí, Ban giám đốc bệnh viện đã cho ngừng lập tức các hoạt động xử lý rác thải này lại để kiểm tra: “Đề tài nghiên cứu của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được thông qua hội đồng bệnh viện mà đã thực hiện là đã sai. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.  Riêng công việc kiểm soát chất thải này cũng đã có quy trình cụ thể từ thu gom phân loại.... Tôi là người trực tiếp hàng tháng đều có họp để kiểm định vấn đề này. Đơn vị nào phân loại sai, chỉ cần để lẫn chất thải là bị phạt tiền” - ông Hiền nói.
 
Cũng theo ông Hiền, bệnh viện đã có nhiều biện pháp kiểm soát việc “thất thoát” chất thải nguy hại như gắn camera, kiểm soát bệnh nhân, người nhà, đồng nát: “Nhiều bệnh nhân chạy thận bòn góp từng đồng từ những phế thải cũng được các bác sĩ giám sát, bắt thu gọn ngay tại nguồn” - ông Hiền nói.
 
Còn ông Nguyễn Quý Châu  - Phó giám đốc Bệnh viện khẳng định: ”Đây là bài học rất lớn, ban lãnh đạo nghiêm túc kiểm điểm, những việc gì chưa thật sát sao thì phải sát sao hơn, giáo dục nhân viên hợp đồng cũng phải kỹ hơn. Chúng tôi cố gắng tuyệt đối để không có rác thải truyền nhiễm lọt ra môi trường”.
 
Trước đó, báo Lao Động có bài phản ánh về việc hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép lại đang được “âm thầm” sơ chế ngay tại Bệnh viện Bạch Mai. Điều này gây lên nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cho sức khỏe cộng đồng.

Theo Tùng Anh (Dân Việt)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.