“Cái ngày tôi chết, chỉ mong nó được vào ở… bệnh viện tâm thần”

Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn rong ruổi khắp mọi nẻo đường tìm lượm ve chai với hy vọng kiếm được chút tiền nuôi đứa con tội nghiệp.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra bà phải được nghỉ ngơi an nhàn thì ngày ngày chiếc nón cời, đôi dép nhựa và chiếc bao bố vẫn rong ruổi cùng bà trên khắp mọi nẻo đường tìm lượm ve chai với hy vọng kiếm được chút tiền nuôi đứa con tội nghiệp. 

Chúng tôi đang nhắc tới hoàn cảnh éo le của cụ bà Trần Thị Đình, SN 1931, trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông.

Nơi tá túc tuềnh toàng tránh mưa tránh nắng của hai mẹ con bà Đình
Nơi tá túc tuềnh toàng tránh mưa tránh nắng của hai mẹ con bà Đình

Sau nhiều lần phải dừng trú mưa và hỏi đường, băng qua rừng cao su rộng mênh mông heo hút, chúng tôi cũng tìm được đến nhà bà Đình. Mang tiếng là ở thị trấn nhưng đường sá, nhà cửa, cuộc sống của nhiều người dân ở đây chẳng hơn gì những người đồng bào thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa mà chúng tôi đã từng có dịp ghé qua.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi vừa tới nhà là một cụ bà thân hình nhỏ bé gầy còm, đầu đội chiếc nón cời theo bà những ngày mưa nắng đang phân loại ve chai bên hông nhà. Thấy có khách, bà ngước lên, đưa tay vuốt đi mái tóc bạc xuề xòa trên gương mặt đầy vẻ khắc khổ rồi mời nước.

Tất cả mọi việc trong nhà đều đến tay bà
Tất cả mọi việc trong nhà đều đến tay bà

Bà kể, chồng mất sớm, một mình bà tay bồng tay bế ba đứa con thơ dại từ huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) lên chốn đại ngàn Tây Nguyên đi kinh tế mới từ những năm 1995. Quanh năm chỉ làm thuê cuốc mướn nên mãi chẳng cất nổi căn nhà đàng hoàng che mưa che nắng. Hai cô con gái đầu đi lấy chồng thì cũng gia cảnh nghèo túng không kém gì bà. Cậu con trai duy nhất năm nay cũng đã ngoài 40 nhưng đầu óc không được bình thường nên cũng chỉ ở nhà sống nhờ vào bà.

Căn nhà hiện tại bà đang ở vừa được một doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh lên xây tặng nhưng cũng dã xuống cấp, mái nhà đầy lỗ thủng, tường thạch cao bong thành lớp bám đầy khói đen nham nhở. Ít ai biết rằng, giữa thế kỷ 21, giữa một trong những thị trấn sầm uất nhất của tỉnh Đắk Nông nhưng 2 con người ấy vẫn sống trong cảnh không điện, không nước. “Nếu muốn bắt điện thì phải nộp cho người ta 5 triệu nhưng ăn còn không có thì tiền đâu ra mà bắt điện bây giờ!”, bà nói bằng cái giọng run run của con người nghèo khổ

Đã 85 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi bộ khắp nơi lượm ve chai
Đã 85 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi bộ khắp nơi lượm ve chai

Trong căn nhà tuềnh toàng độc chỉ có chiếc bàn và 2 chiếc giường. Dăm ba cái áo cũ sờn rách được bà gói gém kỹ ở đầu giường, vài cái xoong nồi dính nhọ đen kịt, mấy cái can, cái chai cắt ngang hứng nước mưa vứt ngổn ngang trước cửa khiến ngôi nhà càng thêm nhếch nhác.

Năm nay đã 85 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn đi khắp nơi lượm lặt ve chai. Đi suốt ngày nhưng chưa ngày nào kiếm được hơn 20 nghìn đồng. Cái vóc dáng gầy còm của bà trải qua năm tháng dầm mưa dãi nắng khiến cơ thể tiều tụy đi rất nhiều.

Con trai bà đã ngoài 40 nhưng đầu óc không được bình thường nên bà luôn phải lo lắng
Con trai bà đã ngoài 40 nhưng đầu óc không được bình thường nên bà luôn phải lo lắng

Nỗi lo đau đáu của bà vẫn là ở cậu con trai, tất cả đều phải dựa vào bà, khi không có bà ở nhà thì thường xuyên phá phách cộng thêm hay đau hay yếu khiến lắm lúc bà chỉ biết khóc nghẹn bất lực. “Bà có gắng lắm cũng chỉ được vài năm nữa thôi, rồi khi chết đi không biết nó sẽ ra sao đây? Cái ngày bà chết, chỉ mong con bà được vào ở bệnh viện tâm thần điều trị hay một trung tâm xã hội nào đó cưu mang””, bà nói trong nước mắt.

Hai con người bất hạnh đấy vẫn bữa no bữa đói sống qua ngày. Ngày đói nhiều hơn ngày no nhưng bà vẫn phải gắng mà sống vì con. Đau ốm cũng cố chịu đựng, cũng cố xách bì bóng đi gắng lượm cái chai, cái lon người ta vứt đi vì nếu ở nhà thì cả 2 sẽ lại đói. Bữa ăn chủ đạo vẫn chỉ là rau rừng, dăm bữa nửa tháng thì có thêm con cá, miếng đậu chòm xóm biếu cho thì còn được đổi vị.

Mấy cái áo sờn cũ dường như là quý giá với bà vì được gói gém cẩn thận
Mấy cái áo sờn cũ dường như là quý giá với bà vì được gói gém cẩn thận

Với người dân ở thị trấn Kiến Đức, hình ảnh bà già lưng đã còm với dáng đi liêu xiêu ngày ngày đi lượm ve chai đã trở nên quen thuộc. “Người ta thương nên người ta hay cho giấy vụn, lon bia về bán kiếm thêm được chút tiền”, bà nói thêm.

Ông Trần Ngọc Hảo, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Đức cho biết, hộ bà Đình thuộc diện hộ nghèo và cũng là một trong những gia đình còn khó khăn nhất của thị trấn nên hằng năm, địa phương luôn cố gắng huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho bà. Vừa rồi cũng cấp cho gia đình bà gạo để ăn, tận dụng, kêu gọi nguồn lực, các chính sách để sửa sang lại căn nhà và cố gắng kéo đường dây điện về cho các hộ dân ở thôn 7.

Trời nổi gió to, chúng tôi chào ra về bà cũng tất tưởi với lấy chiếc nón rách tơi tả, tay xách bì tay mang áo đi làm cái việc quen thuộc hằng ngày của bà. Hình ảnh người mẹ già vẫn tần tảo đến những năm tháng cuối đời vì đứa con khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 1990:Trần Thị Đình (ngụ tại tổ dân phố 7, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 045 100 194 4487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

Theo Dân trí




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.