XEM CLIP:
Ngay xuất hiện thông tin cầu Phú Mỹ bị nứt, có nguy cơ đổ sập...lập tức nhà chức trách đã tiến hành kiểm tra.
Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ cho biết, dựa vào bản thiết kế cầu Phú Mỹ, tại vị trí giữa phần cầu chính (cầu dây văng) và phần cầu dẫn có một khoảng hở rộng 89cm. Khoảng hở này được thiết kế để tạo sự co giãn cho kết cấu của cầu nhằm tránh gây nứt mặt bê tông do ảnh hưởng từ nhiệt độ, môi trường thay đổi, sinh ra quá trình bê tông giãn nở.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Sanh - một chuyên gia về giao thông: bức ảnh chụp vừa qua cho thấy bề rộng của khe co giãn cầu là có thật. Tuy nhiên, việc nói cầu bị nứt, có thể sụp đổ hoàn toàn vô lý. Việc suy diễn như vậy sẽ tạo tâm lý sợ hãi, hoài nghi, hiểu lầm; đặc biệt với công nghệ cầu dây văng, trên thế giới còn rất ít người biết kể cả kỹ sư không chuyên ngành.
Tiến sĩ Phạm Sanh giải thích, cầu Phú Mỹ là cầu được thiết kế chịu được động đất cấp 7, được thi công căng cáp theo công nghệ chỉnh dây từng sợi theo giai đoạn thi công, hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Thiết kế và thi công cầu dây văng vẫn đang là công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là gối và khe co giãn phải được thiết kế đảm bảo các chuyển động tịnh tiến và xoay rất lớn, có kể đến điều kiện động đất, sự thay đổi giữa các trường hợp lực đè xuống và nhổ lên nhiều lần xảy ra từng ngày. Một thiết kế thông minh và hết sức chi tiết, cẩn thận cho các bộ phận của kết cấu này vô cùng quan trọng cho thiết kế cầu, vừa an toàn vừa kinh tế nhưng cũng vừa thể hiện dấu ấn đẳng cấp.
Do cầu dây văng chiều dài lớn, không cho tạo khe co giãn trên phần cầu chính, chỉ tạo khe tại gối giữa cầu chính và phần cầu nối tiếp, khe sẽ rất rộng vì không những đảm bảo biến dạng do nhiệt độ còn phải chịu các biến dạng và dao động của kết cấu cầu chính khi chịu các tổ hợp tải trọng bất lợi nhất.
Theo VietNamNet