Cặp vợ chồng 20 năm đón giao thừa ‘đặc biệt’ trên ‘vùng đất ma’

Sống ở mảnh đất của người âm, chẳng thể mong danh phận khá hơn. Sắp tới đây khi nghĩa trang được di dời, gia đình ông cũng phải rời đi...

Giữa thời khắc trời đất giao hòa, mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình, thì một góc nhỏ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, ông Hẹn cặm cụi cầm nhang đi cắm các mộ phần, mời “người âm” về nhà ăn tết cùng

>> Tin cực vui xua tan ảm đạm những ngày "siêu rét"

“Sống nhờ phúc phần người đã khuất”

Dịp cuối năm ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa ( TP.HCM), nắng vẫn đổ gắt, xen lẫn giữa những hàng mộ thẳng tắp là dáng người nhỏ bé của cặp vợ chồng phu mộ đang cặm cụi lau dọn các mộ phần. Ông là Trần Văn Hẹn (SN 1959) và vợ bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1963).

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nơi chôn cất của hơn 100.000 ngôi mộ, được thành lập tự phát trước năm 1975, nhưng vợ chồng ông Hẹn đã sống ở đây ngót cũng hơn 20 năm. Ngần ấy thời gian sống cạnh “người âm”, ông Hẹn được xem như “thổ địa” của nghĩa trang lớn nhất nhì thành phố.

Giữa rừng mộ còn phảng phất mùi sơn mới là túp lều che chắn tạm bợ. Đây chính là “ngôi nhà” vợ chồng ông cùng hai cậu con trai tá túc những ngày đầu gia nhập cư dân phu mộ.

“Trong số các phần mộ chúng tôi nhận chăm sóc nằm ở đây còn có mộ của những người bên Công giáo. Họ có một nhà thờ để đồ lo ma chay, thấy gia đình bốn người sống chật vật quá nên mấy năm nay họ cho mượn tạm để ở”, ông Hẹn cho hay.

Túp lều những ngày đầu gia đình ông chung sống

Ông Hẹn vốn là dân Sài Gòn gốc, sau khi cha mẹ mất để lại cho 5 anh em một ngôi nhà. Chia năm xẻ bảy, mỗi người một khoản tiền nhỏ tìm cuộc sống riêng. Không có nổi mảnh đất cắm dùi, ông Hẹn dắt díu vợ con vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa sinh sống.

Những ngày đầu tới nghĩa trang, bà Cúc cần mẫn với công việc lau chùi mồ mả. Còn ông Hẹn, những lúc không xây mộ thuê thì kiêm luôn phần việc của vợ.

“Ngày tôi mới chuyển đến, nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn thuộc huyện Bình Chánh của tỉnh Long An cũ nên vốn rất phức tạp. Vợ chồng tôi tích cóp được mấy đồng mua cặp gà, tính về nuôi lấy giống. Nào ngờ, đêm đến, chờ cả nhà ngủ, trộm với mấy thằng chích xì-ke vào lấy đi mất”, ông Hẹn nhớ lại.

Cuộc sống chật vật ở nghĩa trang

Gia nhập cư dân phu mộ từ những ngày nơi đây lác đác vài trăm mộ phần. Giờ đây, hàng ngàn ngôi mộ mọc lên san sát, choáng hết cả lối đi thì những phận đời mưu sinh nhờ phúc phần “người âm” như vợ chồng ông Hẹn ngày một nhiều thêm.

Ông thật thà bảo, ngày trước có khi còn kiếm được vài trăm ngàn, đến ngày lễ tết số tiền gấp ba, gấp bốn. Vì thấy nghề phu mộ “ăn nên làm ra” cho nên nhiều người tìm đến mảnh đất “người âm” mưu sinh. Đồng nghĩa với việc, ông Hẹn phải chia sẻ thu nhập với các “đồng nghiệp” khác, cuộc sống bốn miệng ăn vì thế mà càng chật vật hơn.

Khó khăn chồng chất khi cách đây hơn hai năm có quyết định di dời, giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa để nhường đất cho một dự án xây khu đô thị. Từ đấy, không ai tìm đến nghĩa trang này để xây mồ cho người đã khuất. Những ngôi mộ cũ chôn cất từ trước đó cũng bị người sống bỏ bê. “Thất nghiệp”, tuổi cao, sức yếu, ông Hẹn chuyển hẳn qua việc dọn dẹp, trông nom mồ mả.

Gần nửa đời người gắn bó với “người âm”, nên tận mắt thấy những ngôi mộ rêu mục bắt đầu bám lên, ông Hẹn lại xót xa. Ông buồn bã: “Từ ngày có quyết định di dời, người ta không còn thiết tha gì đến nơi an nghỉ của người chết nên đến viếng mộ thưa thớt hẳn đi. Cả tuần mới có 3-4 lượt người ghé thăm”.

Thế nên, vài ba ngày ông lại đảo một vòng quanh mấy khu mộ, thấy ngôi mộ nào nứt, ông mua xi măng rồi huy động cả vợ và con ra phụ để ông trám lại. Những người nằm dưới mộ phần, lúc sinh thời ông nào có quen. Mồ mả của người dưng, nhưng tỉ mẩn từng miếng hồ.

Riêng bà Cúc, vẫn đều đặn mấy chục năm nay đi mua mấy chậu hoa và hương nhang về đặt trước các mộ phần. Năm thì mười họa, người ta có lên thăm, thấy nơi an nghỉ của người thân tường quét sơn tinh tươm, cỏ được nhổ sạch, hương khói chưa nguội thì “thưởng” cho đôi vợ chồng ông hẹn dăm ba chục đến vài trăm ngàn.

Đêm giao thừa trên “vùng đất ma”

Cả năm chăm sóc mồ mả cho người dưng, nên dịp Tết là khoảng thời gian hai vợ chồng ông tất bật nhất. Bà Cúc nói: “Những ngày này rất nhiều người lên thăm mộ. Nhà có hai thằng con trai, thằng thứ 2 làm nghề lái taxi, còn thằng cả phụ hai vợ chồng tôi quét vôi, chùi rửa mộ làm liên tục mà không hết việc”.

Mặc dù số tiền người ta cho không xứng với công sức và những khoản bỏ ra nhưng ông bà vẫn không nề hà, chê ít nhiều.

Ông Hẹn bảo, sống ở mảnh đất “người âm”, cuộc sống dường như chậm lại, khiến con người ta cảm nhận được nhân tình thế thái nhiều hơn. Lúc sống giàu hay nghèo, thì tới lúc chết nào ai đem theo được gì đâu.

Những phần mộ khang trang được vợ chồng ông Hẹn chăm sóc chu đáo

Ngoài chăm sóc những ngôi mộ có chủ, ông Hẹn còn tận tay vun vén nấm mộ dành cho các hài nhi vô thừa nhận.

Ông kể: “Gần chục năm về trước, tình trạng nạo phá thai xảy ra nhiều. Cứ sáng ra, lại thấy có vài ba chỗ đất mới được xới lên. Thực ra dưới lớp đất mỏng đó là một hình hài chưa vẹn toàn. Tôi và vợ cứ vun đất cho cao, để người ta khỏi dẫm đạp lên”. Xong xuôi, cứ đến ngày rằm, mồng một, hai vợ chồng ông lại ra thắp nhang.

Khi được hỏi sống ở “vùng đất ma” có thâm niên, đã bao giờ thấy sợ như người ta thường đồn đoán?. Ông phá lên cười, thừa nhận những ngày đầu mới về đây, không ít lần trải qua cảm giác…lạnh sống lưng.

“Trước đây, cạnh nghĩa trang chỉ mọc thưa thớt mấy ngôi nhà. Có gia đình đêm nào cũng mở đài cat-set. Nơi hoang vu, đêm đến nghe tiếng đì đẹt xuyên qua tiếng gió, thấy cũng nổi da gà. Về sau mới hay đó là âm của đài cat-set. Chuyện ma quỷ về dọa người toàn là bịa đặt”.

Vợ chồng ông Hẹn giờ đã già yếu

Đêm giao thừa ở nghĩa trang đối với ông Hẹn cũng rất đặc biệt. Đêm cuối cùng của năm cũ, khi trời đất dần chuyển mình qua năm mới, ai nấy đều quây quần bên mâm cơm ấm cúng gia đình. Để những ngôi mộ bớt lãnh lẽo, suốt hơn 20 năm ở đây, đêm giao thừa nào ông cũng cầm nhang đi cắm hết tất cả các mộ phần. Ở đây còn có những mộ phần vô chủ, kể từ lúc chôn cất người thân không một lần đến thăm, thì ông lại cắm nhang rồi mời họ về nhà… ăn Tết cùng ông.

Qua sáng mồng một Tết, người ta đi chúc Tết, thì vợ chồng ông lại đứng trực để chờ các thân chủ lên thăm mộ trả tiền thù lao. “Ngày đó là ngày tôi thu lại những thành quả lao động của mình trong suốt một năm lao động mà”, ông bộc bạch.

Sống ở mảnh đất của người âm, chẳng thể mong danh phận khá hơn. Sắp tới đây khi nghĩa trang được di dời, gia đình ông cũng phải rời đi, sức già đã thấy rõ.

Đứa lớn đã có gia đình, ít năm nữa già trẻ cũng phải đi ra ngoài sống. Vợ tôi yếu lắm, có bệnh trong người, ai tới thăm mộ nhìn bà ấy da xanh nhợt nhạt, mắt đục vàng bảo gan có vấn đề. Nhưng không có tiền, bà ấy sợ đi khám lại ra bệnh. Tốn kém quá nên thôi”, ông buồn bã nói.

Theo Phununews



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.