Cậy thế làm càn

Được coi là quan trọng đối với Khánh “trắng” và cũng liên quan khá nhiều đến các hoạt động tội phạm của băng nhóm Khánh “trắng” chính là Nguyễn Tiến Thắng (tức Thắng “trố”), đứa em cùng mẹ khác cha của Khánh.

>> Kỳ 3: Nỗi ám ảnh mang tên Khánh "trắng": Giết người chỉ bị... phạt cảnh cáo

>> Kỳ 2: Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”: Hốt trọn ổ

>> Kỳ 1: Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”

Không hiểu sao, Khánh thương Thắng “trố” vô cùng, dù thằng em này không ít lần gây phiền toái cho y. Thắng mê cờ bạc, lấy tiền của Khánh bao gái, thậm chí gây ra vụ giết người trong trại tạm giam, vậy mà Khánh vẫn thương và cho tiền ăn chơi trác táng, thậm chí còn che giấu, can thiệp để Thắng “trố” thoát tội trong vụ giết người ở buồng giam 15A Trại tạm giam Công an Hà Nội.

Cho đến khi vụ án này được phục hồi điều tra, dư luận mới biết tới một sự thật đau lòng: hồ sơ vụ án đã bị điều tra viên làm sai lệch ngay từ đầu.

Quen cũng giết

Buồng giam 15A thuộc dãy 11 - 15 Trại tạm giam Hà Nội có 22 bị can đều thuộc loại đầu gấu. Các bị can gọi buồng này là buồng “trung ương”. Đứng đầu dãy 11 - 15 là Trần Đức (Đức “béo”), Nguyễn Tiến Thắng (Thắng “trố”) là trách nhiệm, trưởng buồng 15A Thòng Trấn Lâm là trách nhiệm, “tự giác” giúp cán bộ quản giáo, sau đó là các tên Thắng “điếc”, Thắng “ngựa”... đều là những tên đầu gấu trong buồng.

Bọn chúng được ăn cơm riêng, có người hầu hạ riêng. Tất cả những bị can khác đều phải nghe theo lệnh của chúng. Các bị can mới vào nhập buồng đều bị đánh để “dạy luật”, phải viết thư về gia đình xin tiền để nộp cho chúng, không có cũng bị chúng đánh. Khi đánh “dạy luật”, chúng phân công nhau: tên trông cán bộ (soi cán bộ), tên cầm chân, tên cầm tay, tên bịt mồm, tên dùng khăn, dây trói...

Bị can Nguyễn Thanh Hà cũng nằm trong trường hợp bị đánh “dạy luật” nêu trên. Khoảng 16 giờ ngày 5-10-1994, Hà được đưa vào buồng 15A. Đức “béo” tiếp nhận và chỉ chỗ cho Hà ngồi cạnh nhà vệ sinh. Hà đỏ mặt và có ý không vâng lời Đức. Đức cho rằng Hà “bật” lại nên bàn với Thắng “trố” sẽ cho Hà một bài học. Thắng “trố” bảo Đức và một số tên khác: “Thằng này nó gần nhà tao nhưng nó bướng, đánh bỏ mẹ nó đi”. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, cán bộ quản giáo ra khỏi buồng. Chúng chuẩn bị đánh thì Hà phát hiện và nhảy lên bể nước.

Thắng “trố” ra hiệu cho tên Hào đi vòng ra sau lấy áo may ô chịt cổ Hà lôi xuống. Cả bọn xông vào đánh, sau đó lôi Hà ra phía sau bể nước giấu khi phát hiện cán bộ quản giáo đi tới. Cán bộ đi khỏi, chúng lại tiếp tục lôi Hà ra đánh cho đến khi người này không còn phản ứng gì nữa.

Sau đó, Thắng “trố” bắt các bị can trong buồng không được khai hắn đánh chết Hà. Vì sợ Thắng “trố” có ông anh Khánh “trắng” đang tự do tung hoành ngoài xã hội, các nhân chứng khi ấy không dám hé răng nửa câu, vả lại, có người khai về Thắng “trố” đều bị điều tra viên gạt đi.

Thắng “trố” sinh năm 1968, có năm tiền án tiền sự, 14 tuổi đã bị tập trung vào trường giống như trường giáo dưỡng bây giờ, lại có anh là trùm giang hồ Hà Nội, thế nên chất lưu manh đã ngấm vào máu Thắng. Hắn không biết sợ là gì vì cứ nghĩ đã có “anh Khánh” lo. Khánh “trắng” không từ một tội ác nào nhưng lại ghét nhất cờ bạc và cũng chưa bao giờ là kẻ mê gái.

Thế nhưng, đứa em được Khánh thương nhất thì khác hoàn toàn. Thắng “trố” suốt ngày chơi bời, cờ bạc và tán gái. Với túi tiền lúc nào cũng đầy và cái danh em trai Khánh “trắng”, Thắng “trố” dễ dàng “cưa” được rất nhiều gái đẹp trong đó có nhiều người con nhà tử tế, được học hành, có công ăn việc làm đàng hoàng. Sau khi cùng đồng bọn đánh chết anh Hà, Thắng “trố” thật sự lo sợ và đã cầu cứu anh. Giận thằng em tím mặt nhưng Khánh không nỡ để nó chết. Sẵn mối quan hệ khá thân thiết với một số người có trách nhiệm, ngay sau khi nhận được lá thư cầu cứu của Thắng với nội dung: “Bọn chúng (tức là các bị can khác) đang có ý định đổ tội cho em”, Khánh đã lên kế hoạch giải cứu em trai. Bằng quan hệ và tiền bạc của Khánh, Thắng “trố” đã thoát án tử hình một cách ngoạn mục.

Sau khi Khánh “trắng” bị bắt, gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Hà mới có đơn tố cáo trong vụ án còn để lọt Thắng “trố”. Một số người từng bị giam chung với Thắng ở Trại tạm giam Hà Nội cũng cung cấp cho Ban chuyên án tin tức, tài liệu nêu trên. Vì vậy, Ban chuyên án quyết định điều tra lại hành vi của Nguyễn Tiến Thắng trong vụ án. Cơ quan điều tra đã đồng loạt cử điều tra viên đi sáu trại cải tạo, trại tạm giam như: Trại tạm giam Hà Nội; Trại Văn Hòa, Hà Nội; Trại Tân Lập, Vĩnh Phúc; Trại cải tạo số 5; Trại Thanh Lâm, Thanh Phong - Thanh Hóa và cả ở ngoài xã hội để thu thập chứng cứ.

Hai mươi phạm nhân từng bị giam cùng buồng với Thắng “trố” tại thời điểm vụ án xảy ra đã được ghi lời khai. Biết Khánh “trắng” đã bị bắt, lại được sự động viên, giải thích của điều tra viên, 12/20 phạm nhân khai đã trực tiếp chứng kiến Thắng “trố” bàn bạc, chủ mưu và trực tiếp đánh chết anh Hà. Bốn người khai không nhìn thấy Thắng đánh, nhưng có nghe Hà nói với Thắng trước khi chết: “Thắng trố! Mày là bạn tao, mày đánh tao, tao mà đi tao hận mày suốt đời”.

Trong quá trình bị giam giữ, Thắng “trố” còn viết thư cho người yêu và bức thư này đã bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Thắng viết: “Qua hai chị Hằng, Tuyết gặp ngay anh Khánh, nói gặp anh ngay lập tức, qua thụ lý vụ án này, anh sẽ nói rõ... Nếu không anh không có ngày về đâu...”, “...Cuộc đời anh phụ thuộc cả vào anh Khánh, cho nên tốt hay xấu, số phận sẽ ra sao phụ thuộc ở cả người anh”, “Chúng nó về hết, anh phải xử, anh hận chúng nó lắm, thôi anh dại anh phải chịu, anh Khánh đang lo cho anh...”.

Hồ sơ bị làm sai lệch

Quá trình điều tra về hành vi phạm tội của Nguyễn Tiến Thắng và Đặng Đức Thắng, Ban chuyên án đã xem xét đến nguyên nhân tại sao hai tên Thắng lại bị bỏ lọt tội. Kết quả điều tra đã có đủ cơ sở để kết luận: sở dĩ Thắng “trố” và Thắng “ngựa” bị bỏ lọt tội là do có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của điều tra viên Ngô Duy Ân. Khi cơ quan điều tra hỏi cung các nhân chứng là bị án, có rất nhiều người khai về việc Thắng “trố” tham gia đánh anh Hà. Họ đã khai với điều tra viên Ngô Duy Ân nhưng Ân không ghi vào biên bản mà còn nói với các bị can là “khai bớt thằng nào hay thằng ấy”.

Ngày 25-10-1994, Ngô Duy Ân ký sổ cung trích xuất hai bị can Hào và Thắng “trố” ra làm việc. Ân hỏi cung Hào, Thắng “trố” viết bản tự khai. Trong bản tường trình, Thắng “trố” thừa nhận sau khi Hà bị đánh, hắn có lại gần đá nhẹ vào người Hà mấy cái xem có việc gì không, nhưng tài liệu này Ân đã không đưa vào hồ sơ vụ án.

Như vậy, chỉ cần căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu mà Ân đã thu thập được đến thời điểm tháng 10-1994 đã có thể xác định Thắng “trố” có liên quan trực tiếp đến vụ án và có dấu hiệu đồng phạm với Đức và đồng bọn trong việc đánh chết Hà, nhưng Ân đã bỏ qua những tài liệu này, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt Thắng “trố” ngay từ đầu.

Không chỉ thế, trong khi hỏi cung, Ân còn cho người nhà gặp Thắng “trố” tại buồng hỏi cung, dùng bản thân Thắng “trố” đe dọa các bị can khác để họ không khai về Thắng. Ngoài ra, Ân còn tự ghi nội dung lời khai của một số bị can vào bản cung rồi bắt họ ký mà không cho họ đọc lại, mục đích cũng là muốn để lọt Thắng “trố”.

Bởi vậy mới có các trường hợp cùng một lúc Ân gọi nhiều bị can ra làm việc, nhiều bản cung của các bị can trùng nhau về ngày giờ làm việc. Để khách quan, Ban chuyên án đã cho kiểm tra lại sổ đi cung thì đúng ngày giờ đã ghi trong bản cung các bị can trên, Ngô Duy Ân đã ký sổ trích xuất các bị can để hỏi cung cùng một lúc.

Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Ân đã cố tình che giấu mối quan hệ với Khánh “trắng”. Nhưng bản thân Khánh “trắng” và một số tên là đồng bọn đã thừa nhận Ân và Khánh “trắng” có quan hệ với nhau. Ân từng nhờ Khánh trông giữ đất đai cho gia đình mình. Trong sổ tay của Ân có ghi một số điện thoại (nhưng đã xóa), kết quả giám định cho thấy đó chính là số điện thoại của Khánh “trắng”. Điều đó chứng tỏ khi Ban chuyên án bắt đầu điều tra các vụ liên quan đến Khánh thì Ân đã tính đến việc xóa các dấu vết quan hệ với Khánh “trắng”.

Từ những chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra có đủ cơ sở kết luận: Ngô Duy Ân có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt hai tên tội phạm nguy hiểm. Với hành vi này và hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, Ân đã bị truy tố và phạt tám năm tù giam.

(Còn tiếp)

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.