Chiêu lừa đảo chuyển tiền nhầm rồi đòi lại

Thời gian gần đây nhiều chiêu lừa đảo mới xuất hiện nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Một trong số đó là chiêu chuyển tiền nhầm rồi yêu cầu khách gửi lại.

Giữa tháng 5 vừa qua, chị Hồng Ngọc (23 tuổi, TP.HCM) cho biết tài khoản ngân hàng ACB của chị đột nhiên được chuyển khoản 8 triệu đồng từ người lạ. Không lâu sau, người này tiếp tục chuyển thêm 1.000 đồng vào tài khoản của chị và nói là chuyển nhầm, xin chị Ngọc chuyển trả lại kèm.

Sau khi liên lạc lại với người này, chị Ngọc được đối tượng cung cấp một số tài khoản cùng ngân hàng ACB và yêu cầu chị chuyển 8 triệu vào đó.

Bỗng nhiên tài khoản được chuyển tiền

Tuy nhiên, chị Ngọc sau đó cho biết sẽ ra chi nhánh ngân hàng để kiểm tra lại, nếu đúng là chuyển nhầm và đúng người chuẩn, chị sẽ hoàn trả số tiền theo thủ tục của ngân hàng.

Tuy nhiên, khi nhân viên ngân hàng kiểm tra lại giao dịch, chị Ngọc được biết số tiền 8 triệu kể trên được chuyển từ một ngân hàng khác, không phải tài khoản ngân hàng mà đối tượng chuyển nhầm cung cấp.


Chiêu lừa đảo chuyển tiền nhầm rồi đòi lại-1
Tài khoản ngân hàng chị Hồng Ngọc nhận được 8 triệu đồng chuyển nhầm từ người lạ. Ảnh: NVCC.


“Dưới góc độ của người được chuyển nhầm tiền thì giao dịch viên khuyên tôi nên thận trọng vì gần đây có rất nhiều trường hợp lừa đảo tương tự. Ngoài ra, phía ACB cũng cho biết nếu đã có lệnh truy đòi từ phía ngân hàng gửi, thủ tục trả tiền rất nhanh, chỉ mất khoảng 1-2 ngày”, chị Ngọc chia sẻ.

Sau khi trao đổi lại với người chuyển nhầm, đối tượng này cho biết đã ra ngân hàng (nơi mở tài khoản chuyển tiền nhầm) để làm việc nhưng được thông báo quy trình xét soát và truy đòi rất mất thời gian, nếu liên hệ được người nhận tiền (là chị Ngọc) thì chủ động thoả thuận riêng sẽ nhanh hơn.

“Anh này cũng có cho tôi xem số CMND, video quay màn hình mobile banking đã chuyển tiền và thông báo chuyển tiền mà anh này xin từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, do không chắc chắn những giấy tờ này có giá trị pháp lý nếu sau này phát sinh vấn đề, tôi đã từ chối thoả thuận cá nhân mà đề nghị làm theo thủ tục truy đòi của ngân hàng”, chị Ngọc cho biết thêm.

Đến nay, sau hơn nửa tháng xảy ra vụ việc, chị Ngọc cho biết vẫn chưa được phía ngân hàng nào gọi về vấn đề trả lại khoản tiền. Về phía người chuyển nhầm thì liên tục chất vấn và nghi ngờ chị chiếm đoạt tiền.

“Tôi thấy rất phiền vì cứ đi lại ngân hàng nhiều lần và còn bị anh kia cáo buộc cố tình chiếm đoạt tài sản, trong khi tôi cũng là nạn nhân và tất cả những gì tôi làm là đề nghị làm theo thủ tục từ ngân hàng. Đến nay, số tiền đó tôi vẫn để trong tài khoản đợi ngân hàng truy đòi”, chị Ngọc thông tin.

Thực tế, chị Ngọc không phải người duy nhất rơi vào các trường hợp tương tự. Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều chiêu trò lừa đảo của kẻ gian với thủ đoạn tương tự, thậm chí Ngân hàng Nhà nước đã phải phát đi cảnh báo gửi các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Nhiều chiêu lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền

Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết gần đây xuất hiện một số thủ đoạn lừa đảo các đối tượng tội phạm nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản, tiền của khách hàng.

Trong đó, có trường hợp khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện thông báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm).

Nếu chuyển trả lại tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo, sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ gọi điện đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay. Khi này, tiền đã được chuyển tới tài khoản của kẻ gian trước đó.


Chiêu lừa đảo chuyển tiền nhầm rồi đòi lại-2
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần có biện pháp phòng chống các phương thức lừa đảo của kẻ gian và có cảnh báo tới các khách hàng. Ảnh: Nam Khánh.

Ngoài thủ đoạn này, NHNN cho biết trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách và hướng dẫn thủ tục hoàn trả. Kẻ gian theo đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân (bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử) rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Một thủ đoạn khác tội phạm áp dụng gần đây là mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên trên thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ.

Kẻ gian sau đó thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách đọc mã OTP nhận được (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến).

Nếu khách hàng làm theo yêu cầu của kẻ gian sẽ bị mất tiền trong tài khoản.

Ngoài các thủ đoạn mới kể trên, NHNN cũng cảnh báo nhiều chiêu trò mà kẻ gian thường xuyên sử dụng gần đây để lừa đảo tiền của khách hàng như mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn, email kèm đường link (giả mạo) để đánh cắp thông tin tài khoản; giả mạo công ty tài chính mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài app trên điện thoại (như Auto Cash…); mạo danh nhân viên nhà mạng nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng…

Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật phương thức, thủ đoạn tội phạm để kịp thời cảnh báo rủi ro cho khách hàng; cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và bảo đảm an toàn tiền, tài sản của khách hàng.

Hiệp hội Ngân hàng được yêu cầu nghiên cứu biện pháp phòng, chống các phương thức, thủ đoạn tội phạm có thể xảy ra để định hướng, hỗ trợ ngân hàng thành viên.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chieu-lua-dao-chuyen-tien-nham-roi-doi-lai-post1238367.html?fbclid=IwAR3OC3mDG1jt1w6UjXM7Jfsyhw2J34fS1uNdT7FCiC63YyioAXYk4qvCgH8

lừa đảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.