Chó vẫn chạy rông trên phố

Nhiều người dân chưa hay biết chuyện nuôi chó phải đến phường đăng ký. Tình trạng chó chạy rông phóng uế bừa bãi, thậm chí cắn người vẫn còn diễn ra trên nhiều tuyến đường. Nhiều phường chưa thực hiện công tác quản lý vì phải chờ hướng dẫn, vì thiếu cán bộ và thiếu cả chỗ nhốt chó.

Thông tư 48/2009 hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 19-9 nhưng đến nay, một số địa phương tại TP.HCM vẫn án binh bất động.

“Tổ dân phố bị mắng vốn hoài”

“Cứ 5 giờ sáng, cô đi rảo một vòng sẽ thấy chó vẫn chạy lăng quăng đầy đường, đi không khéo là đạp phải “mìn” như chơi. Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng để sẵn gạch để đuổi tụi nó. Vậy mà đi tập thể dục một vòng về lại thấy cửa nhà bị “đánh dấu” rồi”, ông Nguyễn Văn Nhất, tổ phó tổ dân phố 78, khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh kể.

Giống ông Nhất, sáng nào bà Trần Ngọc Vang (phường Phước Long B, quận 9) cũng phải dậy sớm để vừa tập thể dục, vừa canh chừng mấy chú chó nhà hàng xóm hay sang ị bậy dưới chân bờ tường nhà bà. Có lần bà bắt tại trận được kẻ “gài mìn” nhưng rồi cũng chẳng làm gì được vì chủ con chó chối bay chối biến. “Nói nhiều sợ ảnh hưởng tới tình cảm lối xóm nên tôi chỉ còn cách canh chừng. Cứ thấy con nào mon men đến gần cổng là vác gậy đuổi luôn” - bà Vang cho biết. Cũng theo bà Vang, đến nay người dân khu này chẳng mấy ai nhốt chó mà vẫn thả rông như từ trước đến nay.

Không chỉ phóng uế làm mất vệ sinh, mỹ quan phố phường, các chú chó chạy rông còn gây ra nhiều mối nguy hiểm cho người đi đường. Ông Võ Đức Cơ (phường Thảo Điền, quận 2) cho hay cách nay nửa tháng ông đã đâm phải một con chó chạy rông trên đường. Xe bị vỡ đèn pha, người bị ngã trầy chân tay... nhưng bà chủ con chó chỉ biết lao ra ôm lấy chú chó cưng rồi mắng ông xối xả vì đã làm gãy chân con chó. “Khi nghe tôi trách vì đã thả chó chạy rông gây tai nạn, tức thì bà ấy tru tréo rằng tôi có giỏi thì... bắt đền con chó ấy. Bó tay!” - ông Cơ lắc đầu kể.

“Cứ mỗi lần họp tổ dân phố, chúng tôi lại bị người dân than phiền chuyện chó mèo, nhức đầu lắm. Lần họp nào chúng tôi cũng nhắc các hộ nuôi chó phải giữ gìn vệ sinh chung nhưng được vài bữa lại nghe mắng vốn: Chó ông này, bà kia qua nhà tôi ị...” - ông Nhất than.

Chưa thực hiện vì còn chờ hướng dẫn

Hầu hết người dân đều lắc đầu và tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi đã đến UBND phường đăng ký cho chó hay chưa. Thậm chí có người còn xem việc nuôi chó thả rông là đương nhiên. Bà Nguyễn Thị Diệm ở số nhà 318/102 đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình cho hay: “Con chó nhà tôi ngoan lắm. Ban ngày tôi thả nó chạy quanh quẩn trong hẻm chơi, đến bữa kêu về ăn, tối nhốt trong nhà. Cô hỏi tôi mới biết chuyện nuôi chó phải đăng ký chứ có nghe phường nói gì đâu”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, quận 9 Nguyễn Viết Hiếu cho biết phường chưa triển khai việc đăng ký nuôi chó đến từng hộ dân vì đang chờ hướng dẫn của quận. “Cán bộ phường số lượng có hạn, công việc lại quá nhiều nên khó có thể kiêm nhiệm thêm mảng này. Cái khó nữa là không tìm ra được chỗ nhốt chó vi phạm. Vậy nên tôi thấy giao về cho trạm thú y quận là hay nhất” - ông Hiếu nhận xét. Chủ tịch UBND phường 6, quận 5 Lê Tấn Tài cũng cho biết phường chưa nhận được hướng dẫn của quận. Hiện phường đang tổng hợp số liệu về các hộ nuôi chó trên địa bàn để khi có hướng dẫn sẽ thực hiện ngay.

Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Phan Xuân Thảo cho biết trong tháng 10-2009, chi cục đã hướng dẫn thực hiện Thông tư 48 cho các quận, huyện, còn việc triển khai cụ thể là thẩm quyền của các quận, huyện.

“Chúng tôi rất mừng khi nghe nói từ tháng 9-2009 việc nuôi chó sẽ đi vào khuôn phép nhưng rồi đợi mãi chẳng thấy triển khai” - ông Bạch Hồng Phúc ở phường 12, quận 11 nói. Như vậy, chủ trương đã có, người dân cũng đồng lòng ủng hộ, mọi việc chỉ chờ sự chủ động của địa phương. Còn trong lúc này thì chó vẫn cứ chạy rông trên phố!

Theo Thu Hằng - Thu Hương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.