Đêm 20/8, anh Nguyễn Thành Tuyển (37 tuổi, ngụ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) ngồi khóc một mình trước hiên của căn nhà cấp 4 gần bến phà Hàm Luông. Láng giềng và họ hàng đã ra về sau khi đến chia buồn với người chồng vừa mất đi "một nửa" gắn bó với anh Tuyển suốt 8 năm.
Gia đình hai bên đều nghèo, không có đất để chôn cất chị Phượng. Sau khi bàn tính với mẹ và cha vợ, anh Tuyển quyết định hỏa táng vợ và ngày 21/8 mới quay lại lò thiêu lấy tro cốt.
Chị Phượng khi chưa phát bệnh. Ảnh gia đình cung cấp. |
Lớn lên trong gia đình đông anh em, cha của Tuyển làm tài xế xe đò, mẹ anh nội trợ. Học hết lớp 9, cậu con út có nhà ven sông Hàm Luông không muốn đến trường vì sợ trở thành gánh nặng cho cha mẹ.
Sau khi học xong nghề thợ mộc và sửa bàn, tủ cho hàng xóm được vài năm, anh Tuyển chuyển sang làm cho một công ty hóa mỹ phẩm ở TP HCM. Công việc của anh khi đó là tiếp thị sản phẩm ở huyện Mỏ Cày.
Những buổi trưa không về nhà, anh Tuyển tìm quán cà phê võng ngả lưng và làm quen với Phượng - cô gái 21 tuổi đang phụ việc cho quán cách nhà Tuyển 10 km. Gần một năm quen nhau, thanh niên này đưa cô gái về nhà ra mắt mẹ và nhờ bà qua huyện Giồng Trôm xin phép cha của Phượng cho hai người được đến với nhau.
Chưa tích cóp được nhiều tiền, hai người thống nhất sống như vợ chồng, chờ lúc khá giả sẽ tổ chức đám cưới rồi đến UBND xã làm giấy đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, về nhà chồng không bao lâu, da mặt chị Phượng trở nên sần sùi, nổi nhiều chấm đỏ và ngứa rất khó chịu.
"Lúc đó, tôi tập trung đưa Phượng đi tìm bác sĩ trị bệnh, không còn tâm trí đâu để nghĩ đến đám cưới. Ban đầu, mọi người nói vợ tôi bị viêm da dị ứng nhưng sau đó, bác sĩ ở TP HCM xét nghiệm và kết luận Phượng bị nhão da sau bệnh lý 'tế bào vón' khiến da lão hóa nhanh", người chồng chia sẻ.
Được một bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM chữa trị, gần 4 năm qua, tháng nào vợ chồng anh Tuyển cũng đón xe đò lên Sài Gòn tái khám, lấy thuốc cho chị Phượng. Hiểu được hoàn cảnh của vợ chồng nghèo, hàng xóm và bạn bè thường thuê anh Tuyển sửa hoặc đóng mới bàn ghế, giường tủ...
Vợ chồng chị Phượng tại nhà ga
sân bay khi chuẩn bị sang Nga tham dự một chương trình của đài truyền
hình nước sở tại, liên quan đến y khoa quốc tế về bệnh lão hóa. Ảnh gia đình cung cấp. |
"Không phải ngày nào cũng có việc làm nhưng nhờ được nhiều người giúp đỡ nên mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Chi xài tiết kiệm, số tiền này đủ để nuôi mẹ già, mua thuốc cho vợ và đồ ăn uống trong nhà", người đàn ông 37 tuổi nói với giọng buồn.
Do sử dụng nhiều tân dược (theo anh Tuyển là 3 liều/ngày), vài tháng nay chị Phượng bị đau dạ dày. Ba tuần qua, anh Tuyển 3 lần đưa vợ lên Sài Gòn khám bệnh và chị Phượng ăn uống ít dần, sụt cân còn dưới 40 kg.
Dù rất đau dạ dày nhưng chị Phượng luôn uống thuốc điều trị lão hóa đúng liều. So với bốn năm trước, bệnh đã giảm khoảng 60%, da mặt không còn chảy xệ, gò má căng và trắng hồng trở lại.
Thấy bệnh giảm dần nên gần đây chị Phượng lạc quan, yêu đời hơn trước. Chị đã giảm mặc cảm, mong một ngày gần nhất sẽ tổ chức đám cưới và sinh con cho người đàn ông gắn bó với mình gần 10 năm.
"Phượng còn ước làm thợ may, đi làm công ty để có tiền giúp tôi nuôi dưỡng đấng sinh thành. Giờ thì mọi mong muốn của vợ tôi đã vụt tắt vì cô ấy đã bỏ tôi mà ra đi vĩnh viễn", anh Tuyển khóc nức nở.
Sáng 19/8, người chồng đi làm khi vợ đã thức. Lúc đó, không có mẹ chồng chị Phượng ở nhà vì cụ bà 72 tuổi bị bệnh, đang nghỉ dưỡng tại nhà một người anh của Tuyển.
Gần 11h cùng ngày, người vợ lên cơn mệt và gọi điện cho chồng. Anh Tuyển chạy về nhà nấu cháo, chị Phượng ăn, uống thuốc rồi nằm võng ngủ đến xế chiều.
Lúc vợ thức, anh Tuyển hâm nóng cháo để chị Phượng ăn thêm, chuẩn bị đón xe lên Sài Gòn tái khám nhưng không kịp. "Vợ tôi ra đi mà không trăng trối lời nào, Phượng chỉ kịp nhìn tôi lần cuối", anh Tuyển kể.
Anh Tuyển buồn rầu vì "một nửa" gắn bó với mình 8 năm đã ra đi. Ảnh: Việt Tường. |
Hay tin con gái mất, người đàn ông nghèo ở ấp 6, thị trấn Giồng Trôm cho các cậu với dì của chị Phượng hay. Do việc đi lại không thuận tiện vào ban đêm, sáng 20/8, cha vợ của anh Tuyển đến thắp hương cho con gái khi thiếu phụ đã được tẩm liệm.
"Mẹ vợ tôi mất lúc Phượng còn nhỏ. Nhà bên đó khó khăn lắm, ai thuê gì thì cha vợ làm đó để kiếm tiền sống đắp đổi qua ngày. Tôi không ngờ vợ mình lại quá vắn số. Chúng tôi chưa cưới nhau, không biết bên vợ có cho tôi nhận tro cốt mang về đây để thờ Phượng hay không", anh thở dài.
Theo láng giềng ở ấp Thanh Sơn (xã Thanh Tân), thấy anh Tuyển nhiều năm chung thủy với người vợ có khuôn mặt như bà lão 70 tuổi khiến mọi người càng quý mến cặp đôi. Dù hai người chưa cưới nhưng người dân ấp Thanh Sơn 2 và họ hàng hai bên xem anh Tuyển - chị Phượng là vợ chồng.
"Gần đây, có thể Phượng bị bệnh dạ dày nhiều nên Tuyển buồn rầu, thường đi nhậu. Nhậu thì nhậu chứ về đến nhà là thấy nó nấu cháo đút cho vợ ăn. Hai đứa nó hiền, chia sẻ yêu thương và không thấy cãi nhau", một người dân gần bến phà Hàm Luông nói.