Công nghệ "thổi" tạp chất cho gà, vịt

“Ở đây họ bơm công khai dù có cán bộ thú y. Mỗi con gà bơm 1 lạng, vịt 2 lạng bã đậu, chỉ tội tụi tui, mua bị họ bơm thì về cũng bơm thêm để bù không thì lỗ...", một lái buôn nói.

“Ở đây họ bơm công khai dù có cán bộ thú y. Mỗi con gà bơm 1 lạng, vịt 2 lạng bã đậu, chỉ tội tụi tui, mua bị họ bơm thì về cũng bơm thêm để bù không thì lỗ...", một lái buôn nói.

Công nghệ "thổi" tạp chất cho gà, vịt 1
Cắm ống sâu tận diều vịt rồi múc tạp chất đổ vào phễu.

Nhiều năm nay, những lái buôn bán lẻ gia cầm, thủy cầm ở TP HCM kháo nhau về chợ “thổi” trọng lượng cho gà, vịt ở Long An. Tên đầy đủ của chợ này là “Xưởng giết mổ gia cầm, thủy cầm Ngọc Sương”, địa chỉ ở ấp Phú Thành, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc. Ở đây người bán vô tư bơm tạp chất gồm nước và bã đậu vào diều của gà, vịt rất công khai, mặc dù luôn có hai cán bộ thú y túc trực 24/24.

Cũng theo các lái buôn, chợ gà, vịt ở đây được chia hai khu rõ rệt, khu giết mổ và khu bán gà, vịt sống. Khu bán gà, vịt sống đa phần dành cho lái buôn lẻ đến từ TP HCM và vùng lân cận. Còn khu giết mổ dây chuyền chủ yếu của Công ty Ngọc Sương, sau khi giết mổ xong sẽ được đóng vào bịch, cho lên ô tô của công ty mang đi giao sỉ tại các chợ.

Chợ này hoạt động suốt 24/24 giờ, là nơi tập kết gà vịt của dân quanh vùng được các lái buôn cấp 1 vận chuyển đến bán cho người trong chợ. Sau đó các lái buôn lẻ khác từ TP HCM và những huyện thuộc Long An tới lấy sỉ gà sống bằng xe máy về tiếp tục “thổi” thêm lần nữa mới mang ra chợ bán lẻ cho người tiêu dùng.

“Ở đây họ bơm công khai, mặc dù có cán bộ thú y. Mỗi con gà sẽ bơm 1 lạng, vịt 2 lạng bã đậu, chỉ tội cho tụi tui, mua bị họ bơm thì về trước khi ra chợ chúng tôi cũng bơm thêm để bù vào không thì lỗ...”, một lái buôn ở quận Bình Tân kể.

Trước khi thâm nhập, chúng tôi được lái buôn nhỏ lẻ kể vanh vách về những thủ thuật “thổi” trọng lượng cho gà, vịt. Thời gian bơm phụ thuộc vào các lái buôn gà cấp 1 tới giao sỉ. Trước khi chuyển gà (hoặc vịt) từ lồng của lái buôn cấp 1 vào lồng của lái buôn ở chợ Ngọc Sương, mỗi con gà (vịt) sẽ được công nhân bơm tạp chất như sau: Lúc bắt gà (hoặc vịt) từ xe của đại lý bỏ qua lồng của mình, một công nhân vạch mỏ con gà, một người khác cầm sẵn dụng cụ (được chế bằng chai nước rửa chén, hoặc chế từ ống nhựa thành một cái bơm như bơm xe đạp) nhét sâu ống nhựa vào miệng gà và bóp mạnh (hoặc nhấn bơm), lập tức tạp chất sẽ vào thẳng diều gà.

Riêng vịt có cổ họng lớn thì dụng cụ “thổi” là cái phễu, phần đầu được gắn ống nhựa to bằng ngón tay cái. Mỗi khi “thổi”, ống nhựa cắm sâu vào diều vịt, cứ thế từng ca tạp chất múc đổ vào phễu, chảy thẳng vào diều vịt với thời gian chỉ vài giây.

Theo giá bán hiện tại, gà khoảng 75 - 80.000đ/kg, vịt đồng giá với gà, nhưng vịt trắng chưa đến 40.000đ/kg. Trong chợ có khoảng 20 người bán sỉ gà vịt, mỗi người bán hàng trăm con mỗi ngày. Tính bình quân một ngày (chỉ tính riêng tạp chất là bã đậu và nước), họ cũng kiếm bạc triệu.

Công nghệ "thổi" tạp chất cho gà, vịt 2

Khu bán gà sống rộng cả ngàn mét vuông, chia thành từng quầy để nhốt gà vịt. Tiếng kêu inh ỏi của gà vịt, cảnh mặc cả giá của người bán kẻ mua, tiếng giục “nhanh lên khách đang chờ” vang khắp chợ.

Đảo quanh một vòng, chỗ nào chúng tôi cũng bắt gặp cảnh bơm tạp chất vào gà vịt bằng những dụng cụ tự chế rẻ tiền nhưng hiệu quả. Có những chỗ có hai thanh niên một bắt gà từ lồng của đại lý vừa chuyển tới để người kia cầm sẵn đồ “bơm”. Cứ như vậy, hết con này đến con khác, chưa đầy 10 phút cả trăm con gà đã được bơm hết mấy xô nước bã đậu hòa loãng vào diều.

Thấy chúng tôi kinh ngạc, thanh niên cầm dụng cụ bơm vừa bơm vừa cất lời: “Nếu vòi bơm cắm quá sâu là chết vài con coi như lỗ vốn đấy. Mỗi con gà chứa được hai lạng, ở đây bơm một lạng thôi, nhường một lạng nữa để đồng nghiệp về còn bơm chứ...”.

Không chỉ “bơm” trọng lượng cho gà, vịt, ở đây còn có kiểu kỳ lạ là “chỗ thì bơm vào chỗ lại nặn ra”. Thắc mắc, chúng tôi được một lái buôn giải thích, vì khi bơm đầy vào diều vịt, người mua sợ vận chuyển xa vịt bị chết. Vì thế khi mua xong, người mua sẽ dùng tay bóp mạnh vào diều vịt đang căng phồng, vừa bóp vừa vẩy xuống đất tạp chất trong diều vịt tự động tống hết ra ngoài.

“Để an toàn phải làm cách này thôi. Về tới nhà trước khi mang ra chợ bán tôi lại bơm thêm lần nữa có sao đâu. Ngày đầu tiên đi buôn không biết cách, khi mua xong vận chuyển về nhà có ít nhất một con bị chết. Được đàn anh chỉ nặn ra, từ đó chả có con nào chết nữa”, một lái buôn kể.

Chúng tôi hỏi thêm, sao gà không nặn ra được? “Gà cổ họng nó bé, nặn ra thế này có mà chết toi à...”, lái buôn này trả lời rất rành.

Sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm

Ngày 13/1 chúng tôi chuyển chứng cứ bơm tạp chất vào gia súc gia cầm ở xưởng giết mổ Ngọc Sương đến Chi cục Thú y Long An. Bà Lê Thị Mai Khanh (Phó chi cục trường) cho biết sẽ xử lý nghiêm tập thể và cá nhân vi phạm. “Điều khó khăn là việc tiêu hủy sản phẩm, bởi theo quy định thì gia cầm, thủy cầm đã bị bơm tạp chất đều phải xử lý làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại không quy định rõ cơ quan nào xử lý tang vật...”, bà Khanh cho biết.

Theo Công an TP.HCM


Bình luận