Lễ
hội Chém lợn được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, tại thôn Ném
Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh. Trong lễ hội, những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Lễ hội này thu hút sự
chú ý của hàng ngàn người dân, bao gồm rất nhiều trẻ em, từ các xã xung
quanh tập trung tại địa điểm này để quết máu lợn lên tiền rồi mang về
nhà với niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ cả năm. Tổ
chức Động vật Châu Á cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam,
gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt. Bao gồm những ảnh
hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế
xã hội, cụ thể ở đây là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt
Nam.
Tổ
chức này cũng cho rằng việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp
rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng
thay vì là những sinh mệnh sống. Và đặt câu hỏi: liệu rằng việc giết
những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có
nên được tiếp tục cho phép? “Văn hóa, truyền thống cũng thay
đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên
được sửa đổi. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa
phương và văn hóa của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ
sau. Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong
đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý
của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người.
Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo
và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy. Những lễ hội sử dụng động
vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống
biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang
làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam”, Tổ chức
Động vật Châu Á nhận xét.
|
Theo PLVN