Đề xuất giải pháp cách ly xã hội sau 15/4

Nếu dịch ngắn thì cả nước xung trận, đánh xong về cày ruộng. Nhưng nếu dịch kéo dài thì phải “tay cày, tay súng” và các địa phương sẽ có “tiền tuyến, hậu phương”.

Nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT chủ trì đã rà lại các kết quả nghiên cứu của Nhóm để giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.


Đề xuất giải pháp cách ly xã hội sau 15/4-1

Hôm nay chính phủ sẽ quyết định các giải pháp cách ly xã hội sau ngày 15/4 ảnh: Hồng Vĩnh

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ đầu tháng 3, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố.

Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện nới lỏng. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày hôm nay, 15/4.

Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí…

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng. Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm và năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.

Phân mức độ nguy cơ để kiểm soát dịch phù hợp

Tại cuộc họp các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, đơn cử như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị, các địa phương cần sớm phân công đầu mối (cán bộ thuộc Sở Y tế) để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện kết nối, hướng dẫn, tập huấn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Khi dữ liệu được cập nhật các tỉnh thành phố có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và ngày càng nhỏ để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên tổ tư vấn Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ, Giám đốc Đề án Tri thức Việt số hóa cho biết: “Khi nhận các đầu bài của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, anh em rất hào hứng nhưng khi triển khai thấy thực sự đó đều là những bài toán rất khó. Với bài toán dự báo nguy cơ theo địa phương, từ gần 2 tháng trước Phó Thủ tướng đã nói vui là sẽ phải “trường kỳ kháng chiến”.

Nếu dịch ngắn thì cả nước xung trận, đánh xong về cày ruộng. Nhưng nếu dịch kéo dài thì phải “tay cày, tay súng” và các địa phương sẽ có “tiền tuyến, hậu phương”. Lúc đó anh em cũng có hiểu nhưng tới hôm nay càng thấy thấm, vì thế càng quyết tâm, cố gắng tập hợp thêm anh em không kể ngày đêm để đáp ứng yêu cầu”.

Đề xuất giải pháp cách ly xã hội sau 15/4-2

Theo TIỀN PHONG

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-giai-phap-cach-ly-xa-hoi-sau-154-1642013.tpo

cách ly xã hội

Covid-19

virus corona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.