Đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng?

Lễ Phật thì trọng ở lòng thành. Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất, còn lễ lạc thì có hay không cũng không quan trọng.

Lễ Phật thì trọng ở lòng thành. Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất, còn lễ lạc thì có hay không cũng không quan trọng.

Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc lễ chùa hay tìm đến những chốn tâm linh đang bị nhiều người làm lệch lạc đi nét đẹp này.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm, đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về câu chuyện đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng.

- Tiến sĩ có thể chia sẻ đôi chút về nét đẹp đi lễ chùa nói chung và đặc biệt lễ chùa đầu năm của người Việt?

Văn hóa Phật giáo đã trở thành những yếu tố không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán của người Việt, từ mâm ngũ quả, hai cây mía (gậy ông bà, ông vải), dựng cây Nêu để biểu thị lãnh thổ được đức Phật bảo vệ... 

Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục tốt đẹp, dĩ nhiên rồi. Dù đi làm ăn ở đâu xa, tết trở về làng mình, thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, viếng thăm ngôi chùa làng nhỏ bé, nhưng gần gũi và thiêng liêng. Chùa làng không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là chỗ để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành.

Một năm mới, người ta đi chùa là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng nhiều vị tổ khác đã từng nói rằng, Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều vốn đã có cái Phật tính. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở trong chính bản thân mình. Cho nên, đi lễ chùa chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

- Vậy theo ông, đi lễ chùa đầu năm, chúng ta cần chuẩn bị những gì?

Như trên đã nói, lễ Phật thì trọng ở lòng thành. Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất, còn lễ lạc thì có hay không cũng không quan trọng. Người xưa vẫn nói “ăn hương ăn hoa”, hàm ý rằng, lễ chùa, thắp nhang, khấn Phật chỉ là những hành động mang tính biểu tượng. Thắp một nén nhang với tất cả lòng thành thì gọi đó là “tâm nhang/tâm hương”. 

Hoa hay quả thì đều là những lễ vật bình dị, ai cũng có thể sắm được. Thắp nhang xong, thì hạ lễ, thụ lộc. Người ta hưởng cái lộc ấy chẳng phải vì nó cao sang gì mà vì những lễ mọn ấy được coi như là những vật phẩm thiêng. Vậy thì, tâm vẫn là yếu tố quan trọng nhất!

Đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng?
Người dân chen nhau đi lễ chùa sáng mùng 1 Tết.

Đi lễ chùa xưa và nay khác nhau như thế nào, thưa tiến sĩ?

Xưa, người ta thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ. Đó gọi là tục “thí sự”. 

Ngày nay, người Việt đến lễ chùa ngay trong đêm giao thừa và tất cả những ngày trong Tết. Không câu nệ cứ phải là ngày tốt nhất. Nhưng sự khác biệt lớn nhất, trong việc đi lễ chùa xưa nay, ấy chính là thực trạng “lễ Phật tha hương”. 

Xưa, chùa làng nào, dân làng nấy thờ (tức làng nào cũng có chùa). Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến thắp hương, còn chùa làng mình thì quên bẵng mất. Tệ thế đấy!

Những tồn tại của việc đi lễ chùa ngày nay? Một số hoạt động đi lễ đã biến tướng như thế nào? Ông nghĩ sao về hình ảnh người dân chen chúc đi lễ đầu năm?

Lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều “tệ nạn”. Người ta mang cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng), người ta hóa vàng trong chùa.  

Tiền, dù thật hay giả, cũng chỉ là để cho chúng sinh. Vào chùa lễ Phật để đi tìm sự an lạc trong tâm thái, chứ đâu phải để cầu xin đắc phúc, được lợi? Rồi xuýt xoa hít hà, sờ mó chân tay tượng để thoa lên mặt lên mũi, rồi chen chúc tranh nhau cướp mấy mảnh vải khai quang trong lễ hô thần nhập tượng,... toàn là những hành động phản văn hóa.

Người ta quan niệm càng cung tiến nhiều tiền vàng, càng thể hiện lòng thành và ước nguyện sẽ nhanh chóng được thực hiện, Liệu có phải như thế không? Bên cạnh rải tiền, anh suy nghĩ như thế nào về việc đốt vàng mã khi đi lễ chùa?

Đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng?
Đi lễ chùa quan trọng là ở tâm chứ không phải ở... tiền

Như trên tôi đã nói, càng nhét nhiều tiền thì càng tục, càng phản văn hóa. Đặt lễ bằng tiền thật đã là hỏng rồi, đặt cả tiền âm phủ nữa thì lại càng hỏng. Tiền âm phủ chỉ dùng để đốt cho người chết, ai lại đốt cho Phật?!!! Tuy nhiên, trong chùa, chỉ có thể hóa vàng một chút ở khu vực nhà vong, dùng để cúng cho các cô hồn bơ vơ chưa được siêu thoát. Chỉ có vậy thôi.

-Vậy cần giải quyết những tồn tại như thế nào để đi lễ chùa đầu năm thực sự là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng?

Để giải quyết được những “tệ nạn” trong việc đi lễ chùa, có lẽ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần phải ra những văn bản có tính định chế đối với những hành vi đi lễ Phật lễ Thánh trong chùa cũng như trong nhiều không gian di tích khác. 

Các quy định đó cần phải chi tiết cụ thể, có tính răn đe cao, và để thực thi tốt thì cần phải kết hợp với việc tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin. Còn người dân khi đi lễ Phật thì nên chịu khó tìm hiểu một chút. Quan trọng là ở tâm chứ không phải ở... tiền!

Xin cảm ơn tiến sĩ.

Theo Hà Phương/VOV



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.