Diễu binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
37 khối vũ trang và nhân dân Việt Nam rời sân vận động trung tâm tỉnh Điện Biên, diễu binh về phía con đường lịch sử vừa được gắn với tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham gia của 15.000 người, nhiều vũ khí hiện đại của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Súng trường bán tự động M1 Carbine là phiên bản thu gọn của M1 Garand, được sử dụng trong tất cả các đơn vị lính Mỹ, kể cả các đơn vị lính dù nổi tiếng trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Ưu điểm của M1 Carbine là có chất lượng tốt, dễ sử dụng lại gọn nhẹ. M1 Carbine được sản xuất với số lượng khoảng 6,5 triệu khẩu và trở thành loại vũ khí cá nhân của Mỹ được sản xuất nhiều nhất trong Chiến tranh Thế giới 2. M1 Carbine phục vụ trong Quân đội Mỹ đến tận năm 1973.
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, M1 Carbine được sử dụng rộng rãi bởi Quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nó cũng được Mỹ xuất khẩu cho nhiều quốc gia đồng minh của họ ở Đông Nam Á, trong đó quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đầu sử dụng loại súng này trước khi chuyển qua M-16, còn M1 Carbine được chuyển qua cho lực lượng tự vệ địa phương. Ta thu được một lượng không nhỏ súng M1 carbin dưới đạng chiến lợi phẩm trong và sau chiến tranh.
Thông số kỹ thuật:
Cỡ nòng: 7,62x33 mm
Khối lượng: 3 kg đầy đạn; 2,36 kg chưa đạn
Chiều dài: 904 mm
Chiều dài nòng: 458 mm
Tốc độ bắn: 120 viên/phút
Băng đạn: 15 hoặc 30 viên
Tầm bắn hiệu quả: 300m
Khối tự vệ và dân quân các dân tộc tham gia diễu binh với tiểu liên PPS-43.
Tiểu liên K-43 (cách gọi của Việt Nam với khẩu tiểu liên Sudaev PPS-43) được thiết kế nhằm đáp ứng cho yêu cầu tìm kiếm một loại vũ khí mới cơ động và gọn nhẹ hơn loại súng tiểu liên PPSh-41 cho Hồng quân Liên Xô.
Nhà thiết kế Sudaev lúc đầu ra mắt khẩu tiểu liên mới vào năm 1942, và súng đã được chấp nhận đưa vào sử dụng với tên gọi PPS-42, nhưng đến năm sau ông ta chỉnh sửa lại và ra mắt thiết kế cuối cùng với tên gọi PPS-43. Khẩu tiểu liên này sau đó đã được sản xuất với số lượng chóng mặt với khoảng 2 triệu khẩu trong giai đoạn từ 1943 đến 1946.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh PPSh-41 tiểu liên PPS-43 được trang bị với số lượng rất hạn chế.
Thông số kỹ thuật:
Cỡ nòng: 7,62x25 mm TT
Khối lượng: 3,67 kg đầy đạn, 3,04 kg chưa đạn
Chiều dài (Báng gấp/mở): 615/831 mm
Chiều dài nòng: 250 mm
Tốc độ bắn: 500-600 viên/phút
Băng đạn: 35 viên
Tầm bắn hiệu quả: 200m
Khối cảnh sát cơ động diễu binh với tiểu liên MP-5.
Súng tiểu liên 9mm MP-5 do Đức thiết kế, phát triển vào thập niên 1960 bởi nhóm kỹ sư thuộc nhánh công xưởng Tây Đức của Heckler & Koch GmbH (H&K). MP- 5 lần đầu tiên dược giới thiệu năm 1966 với tên HK54. Tên MP-5 xuất phát từ Maschinenpistole 5 (súng tiểu liên mẫu số 5).
MP5 là khẩu súng có uy lực không lớn nhưng bù lại nó có độ giật thấp khi bắn tốc độ nhanh; nhỏ gọn, nhẹ tiện lợi và có thể lắp thêm phụ kiện như ống hãm thanh, kính ngắm laser... nên khẩu tiểu liên này rất được các đội đặc nhiệm nổi tiếng trên thế giới ưa dùng. Nhưng do có sức công phá yếu nên MP5 không thể đối đầu với các khẩu súng trường tấn công như AK-47 , M-16 trên chiến trường.
Hiện nay súng tiểu liên MP-5 đang được trang bị cho các lực lượng thuộc bộ công an như cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm và lực lượng cảnh vệ.
Thông số kỹ thuật:
Cỡ nòng: 9x19mm Parabellum
Khối lượng: 2,0 - 3,6kg chưa đạn (tùy phiên bản)
Chiều dài: 320 - 805mm (tùy phiên bản)
Tốc độ bắn: 800 viên/phút
Băng đạn: 15 hoặc 30 viên
Tầm bắn hiệu quả: đến 200m
Các khối diễu binh diễu qua lễ đài. Khối lục quân, đặc công.. với tiểu liên M-18
Súng tiểu liên M-18 xuất hiện lần đầu trong Lễ diễu binh chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Súng được cho là phiên bản cải tiến từ khẩu XM-177E2 trang bị cho lực lượng biệt kích Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Khẩu M-18 do Việt Nam sản xuất vẫn sử dụng báng rút, nòng có chiều dài 11,5 inch như XM-177E2 nhưng đã sử dụng loa che lửa kiểu M-16 thay cho loa che lửa dài của XM-177E2. M-18 cũng được cho là sử dụng loại đạn 5,56mm NATO M855 thay cho đạn 5,56mm .233 Remington dùng cho súng M-16A1 cũ.
Hiện súng M-18 được trang bị hạn chế cho một số đơn vị đặc công, trinh sát. Cho đến nay vẫn chưa có thông số kỹ thuật rõ ràng của khẩu súng này.
Hình ảnh những người lính Điện Biên xưa được tái hiện với tiểu liên PPSh-41(K-50).
PPSh-41 (Súng tiểu liên Shpagin kiểu 1941) được Georgi Shpagin phát triển từ năm 1940. Súng được chấp nhận trang bị năm 1941 và là súng tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân Xô Viết trong thế chiến thứ hai . Trong 5 năm, trên 5 triệu khẩu PPSh-41 đã được sản xuất để phục vụ trong quân đội Liên Xô và viện trợ cho các nước đồng minh.
Tại Việt Nam, súng còn được gọi là tiểu liên K-50 do phần lớn loại súng này ở Việt Nam là phiên bản K-50 được Trung Quốc sản xuất. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh được trang bị một lượng rất nhỏ K-50 nhưng loại súng này đã trở nên phổ biến hơn trong những năm đầu của cuộc KCCM đến khi bị AK-47 thay thế vào năm 1964.
Thông số kỹ thuật:
Cỡ nòng: 7,62x25 mm TT
Khối lượng: 5,45 kg với băng đạn tròn 71 viên; 4,3 kg với băng đạn cong 35 viên; 3,63 kg chưa đạn
Chiều dài: 843 mm
Chiều dài nòng: 269 mm
Tốc độ bắn: 900 viên/phút
Băng đạn: băng tròn 71 viên hoặc băng cong 35 viên
Tầm bắn hiệu quả: 200m
8h10: Các khối diễu binh, diễu hành lần lượt tiến qua lễ đài. Đi đầu là Quốc huy nước CHXH Chủ nghĩa VN. 54 thanh niên hộ tống Quốc huy đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tiếp đó là quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khối quân kỳ do Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dẫn đầu diễu qua lễ đài.
8h00: Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu, đại diện cựu chiến binh Điện Biên Phủ phát biểu.
7h45 phút: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn, ca ngợi thành tựu chiến thắng Điện Biên Phủ.
7h30 phút: Lễ chào cờ bắt đầu.
Sáng nay, 7/5/2014, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong khuôn khổ mít tinh, sẽ có lễ diễu binh, diễu hành sự tham gia của 15.000 người đại diện các thành phần lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc... Lá quân kỳ tượng trưng cho 5 đại đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ được rước đầu tiên, ngay sau là đoàn quân chiến thắng.
Sau màn chào mừng trong sân vận động trung tâm, các đoàn diễu binh và diễu hành đã tiến ra các tuyến đường chính của thành phố. Đường diễu hành bắt đầu từ cửa số 4 của sân vận động, rẽ ra đường Hoàng Văn Thái, qua chân đồi A1, cạnh Nghĩa trang A1 sau đó rẽ ra đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Lãnh đạo đảng và nhà nước viếng nghĩa trang A1.
Từ đây, các khối diễu binh, diễu hành sẽ đi qua trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Quảng trường 7/5 và trở về tập kết tại Nhà thi đấu tỉnh Điện Biên (phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ).
Toàn bộ chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được chúng tôi tường thuật trực tiếp. Bên cạnh đó là những thông tin chi tiết, thú vị về các lực lượng, vũ khí tham gia sự kiện này.
Video Màn múa súng độc đáo chưa từng có của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Theo Soha