Đồng tình nhưng lo mất vỉa hè

Liên sở Tài chính và Giao thông vận tải TP.HCM trình phương án 160 tuyến đường được để xe trên vỉa hè, 110 tuyến đường được kinh doanh buôn bán và 72 tuyến đường được đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

>> TP.HCM: 217 tuyến đường phải nộp phí sử dụng vỉa hè

Đa số ý kiến đại diện của các khu phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) các cấp của TP.HCM đồng tình với phương án thu phí sử dụng một phần vỉa hè, lề đường. Nhưng cũng còn không ít người băn khoăn sợ đường phố sẽ bị chiếm dụng.

Đó là những ý kiến được nêu ra tại hội nghị do Ủy ban MTTQVN TP.HCM tổ chức ngày 8-10 để lấy ý kiến đóng góp cho phương án do liên sở Tài chính - Giao thông vận tải soạn thảo.

Không thu phí cũng bị chiếm dụng

Theo ông Nguyễn Hoàng (P.14, Q.5), thực tế vỉa hè, lề đường ở TP.HCM hiện nay nhỏ nhưng đều bị chiếm dụng hết, hàng ngàn người đi bộ phải xuống lòng đường để đi. Không thu phí thì người ta vẫn sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cảnh báo khi thu phí phải có một cơ quan đứng ra phân chia lề đường, vỉa hè, nếu không có thể bị lạm dụng, chiếm dụng nhiều hơn. Phải có chế tài các trường hợp lấn chiếm chứ hiện nay một số hộ sẵn sàng chấp nhận mức phạt vài trăm ngàn đồng để chiếm lề đường buôn bán.

Ông Nguyễn Đình Khoa - bí thư chi bộ khu phố 4, P.19, Q.Bình Thạnh - cho rằng: “Chỗ nào có chợ thì chỗ đó có nhu cầu sử dụng vỉa hè để buôn bán, thậm chí người ta sẵn sàng bỏ tiền ra thuê cả tuyến đường để buôn bán”. Do đó trên các đường cần phải quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè, không phải chỗ nào cũng được buôn bán, cần dành phần đường cho người đi bộ.

Đừng thu “cào bằng”

Hầu hết ý kiến đều đồng tình với giải pháp thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Bởi thu phí không những tạo điều kiện hợp pháp cho nhu cầu có thật của người dân, góp phần kiểm soát trật tự đường phố mà còn thu được một phần kinh phí hỗ trợ duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, đối với các mức thu phí theo đề xuất của liên sở Tài chính - Giao thông vận tải, ông Nguyễn Công Danh - phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN Q.8 - cho rằng nếu thu phí theo kiểu “cào bằng” sẽ không công bằng, mỗi tuyến đường có đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn đường Phạm Thế Hiển (Q.8), những đoạn đầu buôn bán kinh doanh xôm tụ nhưng đoạn cuối đìu hiu, áp dụng mức phí như nhau sẽ thiệt cho những người ở vị trí buôn bán ế ẩm.

Nhiều ý kiến khác đề nghị nên tăng gấp 5-10 lần mức thu phí bình thường đối với những trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích đặt biển quảng cáo, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa công trình hay trung chuyển vật liệu xây dựng kéo dài, làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Ông Nguyễn Thành Cứ - đại diện Ủy ban MTTQVN P.6, Q.3 - nói một số công trình thi công chiếm vỉa hè cứ dây dưa kéo dài vài tháng gây nhiều khó khăn cho người đi bộ, cần tăng mức phí đối với các trường hợp này.

Theo ông Cứ, phí sử dụng vỉa hè để giữ ôtô cũng nên tăng gấp đôi so với mức hiện nay. Theo ông Âu Dương Kim - chuyên viên Ban an toàn giao thông TP.HCM, ở khu Nam - Phú Mỹ Hưng hiện có tình trạng hàng loạt ôtô đáng lý ra phải gửi trong hầm để xe nhưng người ta đã đưa xe đậu đầy ở các đường nội bộ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - đại diện Ủy ban MTTQVN Q.1, nên xem lại quy định không thu phí đối với trường hợp sử dụng vỉa hè giữ xe tự quản. Phải thu phí để xe trên vỉa hè đối với các nhà hàng, đơn vị kinh doanh... vì thực chất các đơn vị này ít hay nhiều đã tính chi phí giữ xe trong hóa đơn thanh toán với khách hàng.

Ngược lại, theo ông Nguyễn Hoàng, nhiều người cho rằng mức phí dự kiến sẽ thu là “khá căng đối với những hộ nghèo buôn bán lề đường”. Ông Nguyễn Công Danh đề nghị giao cho cấp quận khảo sát, tính toán đưa ra mức thu phí hợp lý đối với từng tuyến đường và chỉ ở mức từ 7.000 đồng/m2/tháng trở xuống. Bà Lương Thị Bạch - đại diện Ủy ban MTTQVN Q.5 - đề xuất: “Nên ban hành mức thu phí giá sàn và giá trần, sau đó phân cấp cho các quận, huyện xem xét điều kiện cụ thể mỗi tuyến đường ở địa phương để tính toán mức thu”.

Ông Tạ Quang Vinh - phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - giải thích cơ quan chức năng đã đưa phương án thu phí theo doanh thu của từng loại hình kinh doanh. Nhưng khảo sát từ các quận huyện thấy quá phức tạp vì phương án này phải tính đến đối tượng kinh doanh, nhiều người kinh doanh chỉ đặt xe thuốc hay một cái bàn nhỏ thì rất khó tính. Thậm chí, phương án mức thu căn cứ theo bảng giá đất của từng tuyến đường cũng được tính toán nhưng mức phí quá chi tiết, gây khó khăn cho công tác cấp phép và thu phí. Từ đó, liên sở đề xuất theo phương án như đã trình bày.

Theo Ngọc Hậu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.