Đưa 2 cô gái uống cafe quên giấy tờ vào trung tâm xã hội: Công an nói gì?

Công an phường luôn tạo điều kiện để cho 2 người này liên hệ gia đình, mang giấy tờ liên quan tới để bảo lãnh.

Liên quan đến vụ 2 cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội trong lúc ngồi uống cà phê, lãnh đạo UBND phường và công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM đã thông tin về sự việc.

Hai cô gái bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi ngồi trong quán cà phê.

Hai cô gái bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi ngồi trong quán cà phê.

Chiều 28/9, Trung tá Huỳnh Văn Dư- Trưởng Công an phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, nơi chị Nhung và Kiều bị kiểm tra giấy tờ là quán cà phê MU, địa chỉ A42, đường D, khu dân cư Chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Thực hiện chỉ đạo của chỉ huy quận Thủ Đức và việc chủ động phòng ngừa các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, xảy ra các tệ nạn cờ bạc qua mạng liên tiếp được Công an TPHCM, Đồng Nai triệt phá do người Trung Quốc làm chủ. Trong khi đó khu vực này có nhiều thương nhân là người Trung Quốc. Qua nắm tình hình của Cảnh sát khu vực, của người dân, quán cà phê MU nghi ngờ có hiện tượng, biểu hiện kinh doanh cà phê nhưng núp bóng hoạt động cờ bạc qua mạng.

Lúc 16h ngày 18/9, tổ công tác của công an phường gồm 3 công an phường, 4 bảo vệ tổ dân số, 1 dân quân và cán bộ chuyên trách văn hóa xã hội tiến hành kiểm tra khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, khu phố 5, phường Tam Bình.

Thời điểm kiểm tra, quán MU chỉ có đại diện chủ quán và 3 người (trong đó có chị Tuyết Nhung và chị Kiều). Tổ công tác yêu cầu 2 người này xuất trình các giấy tờ tùy thân nhưng không có. Sau đó, công an phường mời 2 cô gái này về phường để làm việc, xác minh làm rõ, cũng như mời đại diện chủ quán để tới làm rõ vấn đề liên quan.

Trung tá Dư cho rằng, công an phường luôn tạo điều kiện để cho 2 người này liên hệ gia đình, mang giấy tờ liên quan tới để bảo lãnh. Đồng thời, yêu cầu 2 cô này cung cấp thông tin nơi thường trú, tạm trú. Tuy nhiền, chị Nhung và Kiều không liên hệ với gia đình trong khi có điện thoại cá nhân. Đồng thời, cả hai người không cung cấp địa chỉ nơi thường trú và tạm trú để công an xác minh làm rõ. “Có thể 2 cô này sợ, khi xác minh thì công an gọi gia đình biết nên không cung cấp…”, trung tá Dư nói.

Còn việc lập hồ sơ đưa 2 cô gái vào trung tâm hỗ trợ xã hội trong thời gian ngắn (khoảng 2h), ông Dư lý giải vì không đủ cơ sở để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính… Tuy nhiên, ông Dư thừa nhận: “Chưa đúng ở chỗ, mình còn nóng vội dẫn tới xử lý chưa có đúng”.

Còn ông Lê Nguyễn Trọng Quốc-Chủ tịch UBND phường Tam Bình cho rằng, trong suốt quá trình làm việc, hai đương sự không trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Mặc dù công an phường yêu cầu cả hai gọi điện nhờ người thân mang giấy tờ đến để làm thủ tục bão lãnh về, nhưng hai cô gái không hợp tác và không gọi cho ai.

Trong khi đó, dù đã được về nhà nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) và bạn là Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) không tin những gì đã xảy ra trong 1 tuần vừa qua. “Chúng em rất sợ, ra ngoài mà vẫn còn run”…, Tuyết Nhung nói.

Chị Nhung kể, khoảng 15h chiều 18/9, chị cùng Kiều xuống quán cà phê trên ngồi thì bị công an đến kiểm tra. Nhung nói: “Tụi em uống cà phê chứ có làm gì đâu mà kiểm tra”. Khi lục tìm CMND, cả 2 đều không mang đi thì bị công an mời về phường xử lý.

Khi về phường cả 2 có nói với công an về việc để quên giấy tờ và sau đó có gọi cho mẹ mang giấy tờ tới. Tuy nhiên, do mẹ Nhung đang đi làm nên không mang lên ngay được. Anh Nghĩa (chủ quán cà phê nơi Nhung và Kiều uống) đã tới công an phường xin bảo lãnh nhưng cũng không được công an đồng ý. “Nếu bọn em không hợp tác gọi cho mẹ em thì tại sao mẹ em lại biết em mà lên xin bảo lãnh về”, chị Nhung nói.

Theo Ngô Bình (Tiền Phong)


thẻ căn cước

Chứng minh nhân dân

vô gia cư

trung tâm hỗ trợ xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.