Gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố

Chiều 17/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, năm 2021, trong bối cảnh Thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp của Thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra và đạt kết quả tốt. Quá trình thực hiện luôn gắn với chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở Thành phố đánh giá, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được các cấp chính quyền, cơ quan tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đã phát huy đầy đủ quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân. Nhận thức và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được nâng lên. 

Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt cao; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai tại 579/579 xã, phường, thị trấn. Ý thức trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản được nâng lên. 

Sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay, Hà Nội có 579 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn). Thành phố cũng thực hiện sắp xếp 7.968 thôn, tổ dân phố và sau sắp xếp còn 5.393 thôn, tổ dân phố (giảm 2.575 thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ 32%). Sau sắp xếp, 100% địa phương, cơ sở xây dựng, phê duyệt Quy ước các thôn, tổ dân phố đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình 04-CTr/TU tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được chú trọng. Trong năm qua, các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 4.956 vụ việc, phát hiện 648 vụ có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 586 vụ việc...

Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, Thành phố về việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, phát huy sức mạnh của hệ thống thông tin cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Thành phố; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, kế thừa những kết quả các năm trước, trong năm 2021, công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai bài bản, khoa học, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Nổi bật là, đã phát huy dân chủ trong việc tham mưu, cụ thể hóa Nghị quyết đại hội đảng các cấp, xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; phát huy dân chủ trong thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; đặc biệt là trong vận động nhân dân chung sức, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19...

Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố Hà Nội đề nghị, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo cần bám sát tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII và chủ đề năm 2022 là “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Đặc biệt, công tác QCDC ở cơ sở cần bám sát, triển khai hiệu quả các quy định của Trung ương và Thành phố về công tác dân vận, các quy định mới của Trung ương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tham mưu, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy; gắn thực hiện QCDC với các nhiệm vụ chính trị của Thành phố, đặc biệt là “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả; vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Ban Chỉ đạo Thành phố cần đưa vào kế hoạch kiểm tra năm 2022 nội dung này tại khối phường để đánh giá toàn diện, kịp thời bổ khuyết những vấn đề còn bất cập. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp cùng cơ quan thường trực là Ban Dân vận Thành ủy để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022.

Theo hanoi.gov.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2850196/gan-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-voi-cac-nhiem-vu-chinh-tri-trong-tam-cua-thanh-pho.html?fbclid=IwAR0DD2llHM8qNeNXGixnalgzLcSoTZtQioI5PWuRVOLqdb3V8tsXdyNpmuU

họp giao ban


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.