Giật mình vì những vụ bệnh viện trao nhầm con

Có bé may mắn được gia đình phát hiện bị trao nhầm con ngay sau đó, nhưng có bé phải đợi đến 3 tháng sau mới được trở về vòng tay cha mẹ đẻ.

Có bé may mắn được gia đình phát hiện bị trao nhầm con ngay sau đó, nhưng có bé phải đợi đến 3 tháng sau mới được trở về vòng tay cha mẹ đẻ.

Nuôi con gần 3 tháng mới phát hiện bệnh viện... trao nhầm

Đầu năm 2013, chị T. (xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ) và chị T.T (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) cùng vào Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh - Đồng Nai để sinh và đều sinh mổ. Khi mổ cho chị T., các bác sĩ đưa ra được một cháu gái, còn chị T.T được mổ lấy ra một cháu trai. Tuy nhiên, khi giao con cho 2 người mẹ, nhân viên bệnh viện lại trao nhầm con của 2 bà mẹ này.

Sau khi đưa các cháu về nuôi dưỡng được gần 3 tháng, gia đình 2 bên đều nghi ngờ vì thấy cháu bé không giống con mình. Rất may, trong quá trình nằm điều trị cùng phòng sau mổ, chị T. và chị T.T có điều kiện trò chuyện và xin số điện thoại của nhau.

Giật mình vì những vụ bệnh viện trao nhầm con 1
Ảnh minh họa.

Khi nghi ngờ, chị T. đã gọi điện cho chị T.T. và biết cả 2 bên đều có những nghi ngờ, bận tâm giống nhau nên đã làm thủ tục xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy có sự nhầm lẫn đúng như 2 bên suy đoán.

Được biết, nhà chị T. sinh con gái một bề, nhà chị T.T lại sinh con trai một bề. Khi nhận con và đưa cháu bé từ bệnh viện về, dù thấy lạ khi đứa con ra đời lại có giới tính khác với giới tính khi siêu âm trong thai kỳ, nhưng cả 2 gia đình đều nghĩ có lẽ do bác sĩ siêu âm nhầm.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ 2 gia đình, ngày 23.3, Ban giám đốc BV Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai đã tổ chức buổi gặp gỡ hai gia đình để xin lỗi và trao đổi lại 2 đứa trẻ về đúng với bố mẹ của mình. 

Ngày 25.3, bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở y tế Đồng Nai, cho biết đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Long Khánh phải tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm về việc bệnh viện đã trao nhầm hai trẻ sơ sinh. Bệnh viện cũng đã chịu toàn bộ chi phí cho việc giám định ADN.

Giám đốc Sở Y tế yêu cầu bệnh viện họp kiểm điểm, rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý cấp cứu, quy trình giao con và xử lý trách nhiệm các trường hợp sai phạm.

Theo bác sĩ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Long Khánh, nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn là do hai sản phụ cùng nhập viện một lúc, ngoài ra còn nhiều ca mổ khác phức tạp nên sau khi mổ xong, các hộ sinh do áp lực công việc nên dẫn đến sai sót đáng tiếc.

Trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi

Tháng 12 năm 2011, sản phụ Trần Thị Hồng Cẩm, quê ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi được đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chuẩn bị sinh con. Trước đó, chị đi siêu âm cho kết quả thai nhi con gái. Tuy nhiên khi đẻ xong, mẹ con được đưa về phòng thì là bé trai. Gia đình thắc mắc, được các y sĩ Khoa sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi giải thích có thể siêu âm cho kết quả nhầm. 

Giật mình vì những vụ bệnh viện trao nhầm con 2
Niềm vui của chị Cẩm sau khi gặp lại con gái của mình.

Tuy nhiên, trong lúc làm thủ tục xuất viện, gia đình chị Cẩm phát hiện giấy chứng sinh ghi rõ ràng ngày, giờ và giới tính của đứa trẻ là bé gái chứ không phải bé trai. Ngay lập tức, những người thân của chị Cẩm tỏa ra, lần tìm đứa con của mình ở khu vực hậu sản, khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. 

Sau 20 phút gặng hỏi, tìm khắp nơi, bà Võ Thị Thuận (mẹ đẻ của Cẩm) vui mừng phát hiện cháu của mình đang nằm bên mẹ người dân tộc H're ở phòng 14. Bé đeo tất, mặc quần áo hệt những thứ bà đã chuẩn bị trước đó. 

Gia đình liền cấp báo vụ việc với bệnh viện. Căn cứ vào kết quả chụp phim, siêu âm và hồ sơ, giấy chứng sinh, các y bác sĩ khoa Sản gặp sản phụ Đinh Thị Vái quê ở xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà, đang nằm bên bé gái nghi là con chị Cẩm để giải thích sự cố nhầm lẫn. Song gia đình chị Vái nhất định không chịu tin vì lo sợ bị đánh tráo con. Bệnh viện đề nghị xét nghiệm nhóm máu của hai em bé sơ sinh và người nhà. Kết quả cho thấy bé gái đúng là con của chị Cẩm và bé trai là con của chị Vái. Hai em bé được trao trả về cho hai bà mẹ của mình.

Giật mình vì những vụ bệnh viện trao nhầm con 3
Chị Đinh Thị Vái xúc động nhận lại con trai của mình. 

Giải thích sự nhầm lẫn của vụ trao nhầm con, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi thừa nhận đây là khuyết điểm của nữ hộ sinh đã ôm trẻ đưa nhầm cho sản phụ.

Trao nhầm trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Vào tháng 1/2012, vụ trao nhầm trẻ sơ sinh đã xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khiến người nhà sản phụ Trần Thị Thủy (SN 1978, ở Tây Mỗ, Từ Liêm) rất bức xúc. 

Sáng 7/1, chị Thủy nhập viện và được chỉ định mổ đẻ. Đến 8h45 cùng ngày, chị Thủy sinh được một cháu trai nặng 3,4 kg, được gắn số 550. Các bác sỹ hẹn gia đình đến 15h cùng ngày sẽ được nhận lại con. Tuy nhiên, khi anh Trần Mạnh Hùng, chồng chị Thủy, đến nhận con thì tá hỏa vì không thấy cháu bé nào có số 550.

Cả gia đình và các bác sỹ sỹ, nhân viên trực tá đổ dồn đi tìm cháu bé. May mắn, mọi người phát hiện bé bị trao nhầm cho gia đình một sản phụ khác có cháu mới sinh được đánh số 585.

Gia đình sản phụ đã rất bức xúc trước sai sót này của bệnh viện, thậm chí còn đặt nghi vấn có sự sắp xếp, cố tình đánh tráo trẻ.

Giật mình vì những vụ bệnh viện trao nhầm con 4
Cháu bé con chị Thủy trong vòng tay bà nội.


Ngày 10/1, đại diện BV Phụ sản Hà Nội đã có buổi làm việc với người nhà sản phụ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Trí - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của BV - thừa nhận, để xảy ra sự việc này, bản thân các nhân viên y tá đã sai trong quy trình giao nhận trẻ cho gia đình. Ông Trí cũng khẳng định, chắc chắn không có chuyện đánh tráo trẻ.

Về quy trình giao nhận trẻ, ông Trí cho hay, khi sản phụ sinh, mẹ và bé đều đeo chung một số. Cả trên hồ sơ cũng có số, tổng cộng là phải có bốn số. Khi đi nhận bé, BV phải kiểm tra đầy đủ cả 4 số, đảm bảo trùng nhau thì mới cho nhận.

Ông Trí cũng cho biết thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra, BV đã yêu cầu các cá nhân liên quan làm kiểm điểm và kiên quyết xử lý những sai phạm theo đúng quy định để tránh xảy ra sự việc lần thứ hai.

Theo TTVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.