GS Ngô Bảo Châu “hỏi khó” về việc chặt cây ở HN

Giáo sư Ngô Bảo Châu bất ngờ đặt hàng loạt câu hỏi khó quanh chuyện Hà Nội chặt hạ cây xanh.

Những ngày gần đây, TP Hà Nội đã và đang thực hiện chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành Hà Nội. Ngay khi chủ trương này được ban hành và thực hiện đã tạo thành chủ đề nóng khiến dư luận hết sức quan tâm.

Rất nhiều người dân xót xa trước hàng nghìn cây xanh đang đâm chồi nảy lộc trên phố bị đốn hạ. Thậm chí cư dân mạng còn lập hẳn những fanpage đòi “cứu” cây xanh Hà Nội. Tuy nhiên lãnh đạo thành phố vẫn tiếp tục thực hiện.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu bất ngờ đặt hàng loạt câu hỏi khó quanh chuyện Hà Nội chặt hạ cây xanh.

Chúng tôi xin được đăng nguyên văn những câu hỏi của GS Ngô Bảo Châu:

1. Duy tu bảo trì cây, chặt cây mục ruỗng đề phòng nguy hiểm mùa mưa bão

Câu hỏi:

1a. Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?

1b. Tại sao nhiều cây cao, thẳng khoẻ mạnh cũng bị chặt?

1c. Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không?

GS Ngô Bảo Châu

2. Cây trồng không đồng bộ, chặt đi trồng lại đồng bộ để đảm bảo mỹ quan thành phố

Câu hỏi:

2a. Nhiều khu phố, nhà Hà Nội xây cất thiếu quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không?

2b. Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo chồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố?

2c. Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không?

2d. Nếu mỹ quan phố phường là việc quan trọng, thì việc chặt cây trồng cây mới có phải là việc cần ưu tiên hay không? Cây xanh có phải là cái làm xấu nhất bộ mặt thành phố không?

Những hàng cây xanh mát ở Hà Nội đang bị chặt phá

3.  Chặt cây để mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng

Câu hỏi:

3a. Phát triển thành phố đã có quy hoạch, tại sao bỗng dưng lại phải có chiến dịch chặt cây?

3b. Ngoài việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội, mà theo tôi là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây, những quy hoạch khác là gì, có hợp lý không?

3c. Trong trường hợp có quy hoạch hạ tầng lợi ích công cộng là lý do hợp lý để chặt cây, quy hoạch đã có tiến độ chưa, có cần chặt cây ngay bây giờ không? Có cần chặt cây nhiều nơi và đồng loạt không?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn viết thư kiến nghị Hà Nội dừng chặt bỏ 6.700 cây xanh

Trước đó, trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng viết một bức thư ngỏ cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và kiến nghị Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra.

Ông Trần Đăng Tuấn

Kính gửi: Ông Nguyễn Thế Thảo

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thông tin về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước.

Cần nói rằng người dân không phản đối chặt một số cây. Nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như:

- Cây nguy hiểm,bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn

- Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống.

- Để đảm bảo giao thông

thì chắc không ai có ý kiến khác.

Hiện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng đã khảo sát trên các tuyến phố và lọc ra 6700 cây thuộc dạng đó cần loại bỏ, cần thay.

Tôi xin kiến nghị Ông Chủ tịch:

Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?

Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể.

Đánh dấu nhận biết 6700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không.

Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.

Hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc:

- Nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.

- Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.

- Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này.

Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.

Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch.

Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này.

Trân trọng.

Trần Đăng Tuấn

(Mỹ Đình- Từ Liêm-Hà Nội)


120 cây cổ thụ trăm tuổi đang bị đốn hạ

Ông Trần Đăng Tuấn bức xúc trước hàng nghìn cây cổ thụ bị đốn hạ

Sau bức thư của nhà báo Trần Đăng Tuấn, ngày 18/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn TP, đảm bảo quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.

Người đứng đầu TP cũng yêu cầu cơ quan này phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.



Dương Thảo/Vietnamnet

Bình luận