Hà Nội: Thực hư thông tin trẻ em bị bắt cóc trước tòa nhà Sông Đà

Trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về một bé trai khoảng 5 tuổi bị 1 người nước ngoài bắt cóc vào chiều ngày 2/12 trước tòa nhà Sông Đà đang gây xôn xao dư luận.

Trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về một bé trai khoảng 5 tuổi bị 1 người nước ngoài bắt cóc vào chiều ngày 2/12 trước tòa nhà Sông Đà (Mễ Trì - Nam Từ Liêm - Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận.

Cư dân mạng tới tấp cảnh báo bắt cóc
 
Trên nhiều diễn đàn, Facebook thông tin về vụ việc một bé trai khoảng 5 tuổi được cho là bị bắt cóc ngay trước tháp A  - tòa nhà Sông Đà (Mễ Trì - Nam Từ Liêm - Hà Nội) khiến nhiều người xôn xao, lo sợ.
 
Trên Facebook của thành viên có tài khoản là T.C cho biết: "Đến giờ mình vẫn chưa hoàn hồn. Mình có việc gần chỗ tòa nhà Keangnam, ngồi sát chỗ mặt đường tòa tháp A, tòa nhà Sông Đà, xong có một người đàn ông đi xe Wave chở theo một người đàn ông nữa bế một đứa trẻ khoảng 5 tuổi chạy xe ngược chiều chạy qua ngay trước mặt mình. Mình không để ý lắm nhưng chưa đầy 1 phút sau, cách chỗ mình ngồi 10 mét có 2 người phụ nữ, 1 người là mẹ cháu bé chạy hớt ha hớt hải, vứt luôn dép, khóc va hét lên: "Chạy theo cứu con tôi, con tôi bị bắt cóc rồi kìa".
 
Thành viên T.C đăng tải câu chuyện trên facebook.
 
Người đi đường chưa hiểu chuyện nên không ai đèo để chị ấy đuổi theo, mãi một lát sau chị ấy nhảy lên một chiếc xe SH do nam thanh niên điều khiển và nói anh ấy đuổi theo xe bắt cóc con, nhưng sao mà đuổi được. Lúc mình về chị ấy vẫn chưa tìm thấy con".
 
Cũng câu chuyện trên, một thành viên có tài khoản Facebook tên Anh.T tiếp tục đăng tải thông tin: "Hôm nay bạn sale đi tìm hiểu khách hàng ở chỗ The Garde ở ngoài thềm thì có 2 mẹ con cũng đang chơi ở đó. Được một lúc thì có một ông Tây ra chỗ bé chơi đùa, bà mẹ nghĩ là Tây cũng vui vẻ, hòa đồng nên cũng vui vẻ cho bé chơi đùa. Thế mà chỉ 1 giây bà mẹ không để ý cái ông Tây bế phắt đứa bé lên xe có người chờ sẵn ngay đấy và đi luôn. Bà mẹ sốc quá hô hoán mọi người xung quanh nhưng không ai giúp được, mãi sau mới có một xe máy nhờ đuổi theo nhưng khó mà hy vọng được".
 
Một thành viên khác cũng đăng tải câu chuyện được cho là bắt cóc trẻ em.
 
Ngay sau khi 2 câu chuyện trên được đăng tải lên Facebook lập tức đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của cộng đồng mạng, đặc biệt là sự hoang mang, lo lắng của các ông bố, bà mẹ có con nhỏ. Nhiều người đưa ra nhiều bình luận xung quanh vụ việc được cho là bắt cóc trên, thậm chí 2 câu chuyện trên được share trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
 
Tháp A - tòa nhà Sông Đà nơi xảy ra sự việc chiều ngày 2/12.
 
Tài khoản Facebook trên còn đưa ra cảnh báo như: "Lâu nay mình đọc trên báo thấy các trường hợp bắt cóc trẻ con, đến hôm nay trực tiếp chứng kiến khiến mình sởn cả gai ốc. Ban đầu cứ tưởng cướp giật làm mình cất vội chiếc điện thoại vào túi. Các mẹ có con nhỏ phải thật cẩn thận đấy ạ, trường hợp hôm nay có 2 người thân của đứa trẻ mà chỉ trong chốc lát bị bắt cóc đi. Mong chị ấy sớm tìm được con!".
 
Không có chuyện bắt cóc như trên Facebook đưa
 
Để tìm hiểu thực hư vụ việc 1 trẻ 5 tuổi bị bắt cóc tại tháp A tòa nhà Sông Đà, chiều ngày 3/12 chúng tôi đã có mặt tại vị trí mà cả 2 tài khoản facebook cho rằng đã xảy ra vụ bắt cóc để tìm hiểu sự việc.
 
Xác nhận với chúng tôi, anh Trần Quang Ánh - bảo vệ của tòa tháp A cho biết: "Vào chiều ngày 2/12 có xảy ra một vụ việc sát đường Mễ Trì, tuy nhiên theo nhận định của cá nhân tôi thì đó không phải là một vụ bắt cóc trẻ con".
 

Các bảo vệ tòa nhà đều xác nhận không có chuyện bắt cóc trẻ con.

 
Theo anh Ánh thì vào khoảng 15 giờ 30 phút có 2 người phụ nữ hốt hoảng chạy theo một chiếc xe máy kẹp một đứa bé ở giữa. Chiếc xe máy mang nhãn hiệu Honda Wave (không biển số) chạy ngược chiều theo hướng đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ. Lúc này người phụ nữ hốt hoảng chạy theo, đồng thời hô hoán mọi người. "Sau đó có 1 người đi xe chở theo chị ta nhưng không được, một lát sau chị ấy lại quay lại đây", anh cho hay.
 
Vị trí vỉa hè nơi xảy ra vụ việc chiều ngày 2/12.
 
Cùng làm bảo vệ với anh Ánh, một đồng nghiệp cũng xác nhận: "Không có chuyện bắt cóc đâu, vì nếu bắt cóc thật thì đã làm um lên rồi, hơn nữa ở khu này nhiều anh em bảo vệ lắm nên có chuyện gì thì chúng tôi đã vây lại chứ không để chuyện bắt cóc trẻ em xảy ra".
 
Bảo vệ, xe ôm làm việc tại khu vực này đều xác nhận vụ việc không phải bắt cóc.
 
"Bắt cóc đâu mà bắt cóc, ông Tây đó theo tôi nhận định là có quan hệ với chị kia, hai người li thân hay li hôn gì đó, có thể trong quá trình hòa giải người chồng nhớ con quá nên xin cô ta mang về nuôi, cô ta không đồng ý nên ông ấy mới bắt đứa bé đi. Hơn nữa, người kia chạy xe máy không biển số, lại chạy ngược chiều nên có thể xảy ra sự hiểu nhầm", một vị bảo vệ nói xen vào.
 
Đôi guốc của 1 trong 2 người phụ nữ được cho là người thân của cháu bé, anh TH. làm xe ôm đã cất vào lề vỉa hè chờ người phụ nữ đến nhận lại.
 
Chỉ vào vị trí xảy ra vụ việc chiều ngày 2/12, anh TH. lái xe ôm cho biết: "Chiều qua đúng có xảy ra sự việc, nhưng nói bắt cóc là không đúng mà chỉ là tranh chấp con cái, ông chồng liều mình bế đứa con đi thôi. Có 2 người phụ nữ đuổi theo, bỏ cả dép với guốc lại, tôi lượm được, hi vọng cô ta quay lại lấy nhưng mãi giờ vẫn không thấy đâu".
 
Theo anh TH. thì cả 2 người phụ nữ khi đuổi theo đều bỏ guốc lại, một đôi màu xanh và một đôi màu đen. Đôi màu xanh thì không thấy đâu, có thể một trong 2 người phụ nữ đã quay lại lấy, riêng đôi màu đen vẫn còn tại hiện trường, anh TH. đã đưa lại một góc và chờ người đến nhận nhưng vẫn chưa thấy ai đến.
 
Chiều ngày 3/12, đại diện Công an quận Nam Từ Liêm xác nhận: "Chiều qua có một vụ việc lùm xùm ở đường Mễ Trì, nhưng không phải là một vụ bắt cóc như trên mạng xã hội xôn xao. Chúng tôi đang điều tra và làm rõ thêm".
 
Theo Lê Bảo (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.