Hà Nội ‘tuyên chiến’ với nói tục chửi bậy bằng cách nào?

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở GD-ĐT và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở GD-ĐT và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây TP tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.

Thế nhưng chỉ đạo “tuyên chiến” này liệu có quá khó để thực hiện và nếu làm cần tiến hành những bước như thế nào.

VietNamNet ghi lại ý kiến một số học sinh, nhà giáo, nhà quản lí và chuyên gia xung quanh câu chuyện này.

Thanh Hải học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội: "Tạo sân chơi nhiều hơn cho người trẻ"

Các bạn trẻ, học sinh nhiều khi buông một câu nói tục nói bậy không nghĩ câu nói đó có ảnh hưởng xấu mà chỉ nói cho vui.

Môi trường nào cũng sẽ có những lời nói ấy, chỉ là nó xuất hiện ít hay nhiều và từng cá nhân có bị ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hay không.

Em thấy một số bạn nói như vậy như một cách để giải tỏa tâm trạng cho bản thân. Cuộc sống của học sinh, giới trẻ bây giờ có khá nhiều áp lực. Ví dụ khi bạn không làm được bài kiểm tra, bị trêu đùa,… khiến họ khó chịu. Người trẻ khi đó cần phương tiện nào đó giải tỏa tâm trạng đó. Và lời nói tục giúp các bạn bộc lộ hết tâm trạng khi ấy.

Ngoài sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, em cho rằng cần có nhiều sân chơi để học sinh và người trẻ được tự tranh luận, đưa ý tưởng, giải pháp sẽ hiệu quả lời rao giảng lý thuyết.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội: "Hành chính là giải pháp cuối cùng"

Hiện nay, sở đã có bộ tài liệu dạy nếp sống văn minh thanh lịch từ cách đi đứng, ăn mặc, hành vi, lời nói cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11. Bộ tài liệu được các bậc cha mẹ đón nhận phấn khởi như một cẩm nang nuôi dạy con.

Hà Nội, tuyên chiến, nói tục, chửi bậy
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến. (Ảnh: Văn Chung).

Nhưng chỉ bộ tài liệu là chưa đủ. Các biện pháp quản lí về hành chính cũng chỉ là giải pháp cuối cùng.

Muốn thay đổi, hạn chế nói tục chửi bậy thì người lớn phải gương mẫu để con trẻ noi theo. Nhiều khi các em học theo bố mẹ rồi nói tục chửi bậy như phản xạ tự nhiên.

Với học sinh có thể thông qua các cách tuyên truyền sinh động hấp dẫn như tranh ảnh, phim truyện, các tiểu phẩm do chính các em tạo ra từ góc nhìn riêng về cuộc sống của người trẻ. Những cái đó gần với cuộc sống hàng ngày với các em hơn nên dễ ngấm, dễ thực hiện hơn.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):"Người lớn phải thay đổi trước tiên"

Kế hoạch năm học nào chúng tôi cũng có hướng dẫn chỉ đạo lối sống văn hóa, cư xử nơi công cộng, trong gia đình, bạn bè cho học sinh. Giáo trình nếp sống văn minh thanh lịch cũng có nhiều bài học thực tế. Và mỗi giáo viên, đoàn thanh niên trong trường đều ý thức đến lời ăn tiếng nói với học sinh.

Hà Nội, tuyên chiến, nói tục, chửi bậy
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình. (Ảnh: Học học trò).

Từ những quan sát, trò chuyện vô tình với học sinh, các thầy cô,…tôi thấy những năm qua số lượng học sinh nói tục chửi bậy của trường đã giảm nhiều dù chưa được như mong muốn.

Để thay đổi không thể làm đột ngột mà phải có quá trình, sự phối hợp từ nhà trường đến gia đình và xã hội.

Mạng xã hội giờ đang trở nên gần gũi với từng người trẻ. Nhưng những ngôn từ có phần quá tự do, thoải mái đã phần nào tác động không tốt tới các em. Nếu đổi mới cách tuyên truyền, mạng xã hội sẽ quay trở lại giúp chúng ta truyền thông điệp giáo dục nhanh, mạnh tới từng em. Cần có những diễn đàn để các em được nói nhiều hơn, bộc lộ chính mình nhiều hơn. Thông qua đó, người lớn có thể định hướng chia sẻ để các em dần thay đổi ngôn từ, lời nói của mình.

Tất nhiên, muốn thay đổi, người lớn từ các công chức viên chức, nhà giáo, người lãnh đạo trong chính quyền phải thay đổi đầu tiên.

PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN):"Kích thích lòng tự trọng"

Nói tục, chửi bậy là biểu hiện từ sự đảo lộn của hệ thống giá trị dẫn đến tình trạng hỗn loạn về giao tiếp trong môi trường công cộng.

Hà Nội, tuyên chiến, nói tục, chửi bậy
PGS.TS Bùi Quang Thắng. (Ảnh: VOV.vn)

Muốn thay đổi điều này không chỉ thể bằng biện pháp là phê phán tầng lớp dưới mà phải đồng bộ, đặc biệt thay đổi từ trên xuống.

Chuyện chửi bậy liên quan việc đối nhân xử thế khác trong xã hội chứ không đứng riêng một chỗ.

Việc chúng ta làm đương nhiên lãnh đạo xã hội bất kỳ nào phải làm, bất kể lúc nào và thường xuyên. Đừng chỉ thực hiện theo kiểu một chiến dịch rồi thôi.

Nhiều người trẻ đang nghĩ rằng nói bậy đang có xu hướng trở thành “mốt”. Vì thế, biện pháp bằng văn bản hành chính sẽ có tác dụng trong cơ quan hành chính, nhưng trong cơ quan hành chính thì ít khi nói tục, chửi bậy.

Ở các nước, để khắc phục tình trạng nói tục, chửi bậy, họ thường kích thích lòng tự trọng của mỗi cá nhân.Ví dụ ở Nhật Bản, tại một khu phố làm vệ sinh môi trường kém, hay vứt rác bừa bãi thì họ treo khẩu hiệu “Ai vứt rác là người nhà quê!”. Và cách làm đó ở Nhật Bản có hiệu quả.

Tuy nhiên áp dụng điều đó ở VN khó khăn vô cùng. Người VN đã từ lâu bị mất đi lòng tự trọng quá nhiều, nhưng lại sinh ra lòng tự ái quá lớn. Hẳn bạn còn nhớ câu “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” ở một tỉnh nọ.Thực ra đây cũng là cách tỉnh định bắt chước tác động như ví dụ tôi vừa nêu. Nhưng rốt cục họ bị phản ứng không kém người nói tục nói bậy. Vì vậy cần bình tĩnh nghiên cứu, không thể vội vàng.

Hà Nội hiện cũng có giáo trình dạy văn minh thanh lịch cho học sinh. Nhưng thay vì việc dựng lên nền đạo đức soi bóng quá khứ thì ta nên làm ngược lại, bắt đầu từ thực trạng tệ hại hiện nay để tìm hướng chỉnh sửa dần dần.

Và cũng đừng quan niệm làm chính trị, văn hóa, kinh tế,…không có liên quan trong chuyện này. Có những bức xúc nhiều khi bị đè nén, dồn ép vào một con người quá lâu sẽ chỉ chờ lúc để buột ra thành như câu nói tục.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.