Hạn chế xe cá nhân: Vì sao thất bại?

Khi nào xe buýt không phải cạnh tranh với xe máy, kinh doanh xe buýt có lãi thì sẽ có nhiều người đầu tư. Cứ chờ nhà nước đầu tư tàu điện và xe buýt đủ thay thế xe máy thì còn rất lâu, thậm chí không bao giờ

Các cơ quan quản lý giao thông vận tải (GTVT) nước ta đã và đang thất bại trong việc giải thích cho người dân hiểu và chia sẻ một chủ trương rất lớn và vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một nền giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh với một lộ trình, cách thức thực hiện hợp lý. Giao thông công cộng là điều kiện không thể thiếu để hình thành đô thị hiện đại, văn minh, có môi trường sống đáng sống. Họ không có hành động nào để đông đảo người dân biết sự thật về trên dưới 30 thành phố ở Trung Quốc đã cấm hoàn toàn xe máy. Xe máy cũng bị cấm hoàn toàn tại TP Yangon (Myanmar), các đường phố lớn ở Jakarta (Indonesia). Họ biết nhiều nơi trên thế giới làm nhưng không hiểu cặn kẽ lý do tại sao và làm bằng cách nào, để thẳng thắn trao đổi với dân nước ta, tạo sự đồng thuận với chương trình hành động chung.

Do thiếu thông tin, nhiều người nghĩ một cách sai lầm rằng nếu cấm xe máy thì các đô thị nước ta thiếu đường cho xe buýt.

Bình quân, số ô tô của các tổ chức, cá nhân trên 1 km đường ở TP HCM và Hà Nội là khoảng 45-50, ở Singapore là hơn 200 xe và Hồng Kông hơn 300. Hồng Kông có 10.000 xe buýt lớn, nhỏ đảm nhiệm một nửa vận tải công cộng, nửa còn lại do tàu điện và các phương tiện khác. Nếu “thả” 20.000 xe buýt lớn, nhỏ vào TP HCM và Hà Nội để thừa giao thông công cộng thì mật độ ô tô bình quân ở 2 đô thị này tăng thêm chưa tới 10 xe/km đường, chưa là gì so với Singapore và Hồng Kông.

Tình trạng kẹt đường khiến giao thông hỗn loạn là hình ảnh thường gặp trong các đô thị ở nước taẢnh: TẤN THẠNH


Mặt đường ở các đô thị nước ta đang “gánh” xe máy là chính (hơn 1.500 xe/km ở TP HCM và hơn 500 xe/km đường ở Hà Nội). Nếu thay hết bằng xe buýt, đường phố ở TP HCM và Hà Nội sẽ rất thoáng.

Vấn đề là ai dám mạnh dạn đầu tư vốn vào xe buýt để cạnh tranh với xe máy và tâm lý ra khỏi nhà là lên xe máy, lười đi bộ của người dân ta? Khi nào xe buýt không phải cạnh tranh với xe máy, kinh doanh xe buýt có lãi thì sẽ có nhiều người đầu tư. Chờ nhà nước đầu tư tàu điện và xe buýt đủ thay thế xe máy ở các đô thị lớn thì còn rất lâu, thậm chí là không bao giờ.

Trong lĩnh vực dịch vụ (kể cả giao thông đô thị), không có nhà nước nào cung cấp được đủ nhiều và tốt. Nhà nước thiếu vốn thì càng phải dựa vào các nguồn vốn trong dân để giải bài toán giao thông công cộng. Ở Trung Quốc, Myanmar hay Indonesia cũng vậy, họ cấm xe máy theo lộ trình chính là để tạo môi trường, điều kiện thu hút vốn tư nhân vào giao thông công cộng. Có lộ trình cấm xe máy thì sau 10, 15 hay 20 năm, các giải pháp phát triển giao thông công cộng đồng bộ sẽ xuất hiện bằng những nỗ lực chung của cả nhà nước, các nhà đầu tư và người dân.

Tham gia giao thông công cộng ví như “lấy sắt bọc thịt”, tính mạng người được bảo vệ tốt hơn nhiều so với “lấy thịt bọc sắt” khi đi xe máy. Trong khi chưa thoát được và buộc phải sử dụng nó thì cần biết sợ để cùng đồng thuận vì một nền giao thông công cộng hiện đại, an toàn và văn minh. Không sợ sao được khi mỗi giờ ở nước ta bình quân có 1 người chết và 2 người bị thương do tai nạn giao thông mà nạn nhân phổ biến là đang đi xe máy. Đó là sự “ổn định” từ năm này qua năm khác nhưng là sự “ổn định” rợn người. Có không ít vụ cả vợ chồng, con cái đều chết khi đang đi xe máy. Nếu đi bằng giao thông công cộng thì họ đã không chết oan nghiệt.

Hạn chế và từng bước tiến tới loại bỏ xe máy, phát triển giao thông công cộng là một việc rất quan trọng để phát triển các đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt và an toàn cho mọi người dân. Đó là những điều dễ nhìn thấy ở Singapore, Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, thậm chí là Yangon. Cơ quan quản lý hãy đặt ra và quyết tâm giải quyết vấn đề mang tính tầm nhìn chiến lược như vậy, thay vì làm những việc mà người dân không biết lợi ích lâu dài là gì, chỉ thấy trước mắt phải chi nhiều tiền hơn.

Người dân sẵn sàng đóng góp sự ủng hộ và tiền nhưng hãy chỉ ra một tương lai mà họ thấy đáng để đầu tư, vì quyền lợi của mình và các thế hệ con cháu. Hãy chỉ ra một cuộc sống văn minh và an toàn ở các đô thị tương lai mà nhà nước và người dân cần cùng đầu tư ngay từ hôm nay thay vì đưa ra các chính sách, giải pháp không rõ mục tiêu, chỉ tốn tiền dân. Những đô thị đó dứt khoát phải là đô thị của nền giao thông công cộng, không phải là đô thị của nền giao thông xe máy, chợ cóc và quán xá vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác, bẩn thỉu, đày đọa con người, uy hiếp tính mạng người trực tiếp và gián tiếp.

Theo NLĐ


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.