Cụ thể, năm 2013, toàn thành phố thu được 55 tỷ đồng. Đến năm 2014, mặc dù trên cơ sở báo cáo của Công an thành phố về số lượng xe đăng ký trên địa bàn, UBND TP đã giao chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy cho từng quận, huyện, thị xã nhưng kết quả cả năm cũng chỉ được 36 tỷ đồng (bằng 13,28% kế hoạch giao).
Đầu năm 2015, thực hiện thông tư của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tháng 12/2014, các xã, thị trấn được để lại toàn bộ số thu phí mô tô, xe máy sau khi hoàn thành tỉ lệ nộp ngân sách để đầu tư cho giao thông nông thôn, mức thu cũng chỉ đạt gần 3 tỷ đồng….
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đạt thấp do một số nguyên nhân như: liệt kê số lượng xe máy thực hoạt động trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, biến động so với đăng ký; công tác thu của một số quận, huyện, thị xã chưa thực sự tích cực, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng thu đạt tỷ lệ thấp; chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp cố tình chây ỳ không đóng phí...
Từ thực tế trên, Sở Giao thông Hà Nội đưa ra đề xuất, thống nhất với chủ trương của Qũy Bảo trì đường bộ Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy từ 1/1/2016 để các cơ quan có phương án tổ chức thu hợp lý và thuận tiện hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/8 vừa qua, sau khi Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đề xuất tạm dừng thu phí Bảo trì đường bộ từ 1/1/2016, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu loại phí này.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao và kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đối với xe máy từ ngày 1/1/2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí này với xe máy.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực tế việc triển khai thu phí đối với xe máy gặp nhiều khó khăn do đây là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng.
Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.
Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với xe máy kể từ ngày 1/1 /2016 và giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định 18/2012/NĐ-CP và nghị định số 56/2014/NĐ- CP về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Còn theo Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, qua số liệu thu phí thực tế, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô có thể thấy công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Năm 2013 và 2014, số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm. Theo thống kê, riêng địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng hơn 4 triệu xe máy các loại.