Hàng xóm gây rối

Lợi dụng quyền cấp “giấy phép” theo chỉ thị 09 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều láng giềng ra sức quấy nhiễu những gia chủ có ý định sửa chữa hoặc xây nhà.

“Mấy người xây nhà kiểu gì mà làm hố ga của tôi vỡ tan tành thế kia? Làm ăn cẩu thả quá đi mất”, bà Mỹ Trưng, ngụ tại một con hẻm trên đường Hậu Giang, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, lớn tiếng quát đám thợ.

Từ xây tường đến thay hố ga

Đang ở trong nhà đếm mấy bao xi măng, anh Đinh Công Trí, chủ nhân của ngôi nhà đang xây, lật đật chạy ra. Nhìn gương mặt giận dữ của bà Trưng, anh vội xoa dịu: “Tôi sẽ làm rõ vấn đề này. Nếu thợ của tôi làm vỡ hố ga nhà anh chị, tôi sẽ bồi thường thỏa đáng”.

Bà Trưng vẫn gay gắt: “Tội đợi anh làm rõ đến lúc nào? Không lẽ cuối tháng hoặc sang năm?”. Anh Trí vội trấn an: “Dạ không đâu, ngay trong hôm nay thôi”.

Nói đoạn, anh chạy đi xem hố ga ngay. Sau khi kiểm tra, anh Trí nhận thấy hố ga nhà bà Trưng đã quá cũ kỹ, rìa nắp bị vỡ nhiều mảng. Tuy vẫn sử dụng được nhưng cũng đến lúc cần phải thay hố ga mới.

Anh vội hỏi những người thợ về việc làm bể hố ga, ai nấy đều tỏ ra ngạc nhiên. Chiều hôm trước, sau khi dọn dẹp công trình, mọi người vẫn thấy hố ga còn nguyên vẹn. Thế nhưng, sáng nay, chẳng biết nó vỡ từ khi nào.

Xâu chuỗi các sự kiện, anh Trí ngán ngẩm bảo vợ: “Lại thêm một trò yêu sách nữa đây. Chẳng còn biết phải tốn bao nhiêu tiền cho họ nữa?”.

Anh Công Trí khởi công xây lại nhà khoảng ba tháng nay. Cũng chừng ấy thời gian, anh phải khổ sở vì đủ chiêu quấy rối của hàng xóm.

Khi nhà anh Trí mới đập xong, bà Trưng, hàng xóm của anh, đã chỉ vào vách tường và bảo: “Mấy anh thợ nhà anh đục đẽo kiểu gì khiến tường nhà tôi bị vỡ một mảng rồi. Phải làm sao đây?”.

Quan sát kỹ, anh Trí nhận thấy mảng tường đã vỡ từ lâu. Tuy nhiên, vì không muốn bị gây khó dễ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, anh Trí đành “ngậm bồ hòn” xây lại mảng tường cho bà Trưng.

Tưởng thế đã yên, ai ngờ chưa đầy tháng, bà Trưng lại “đẻ” thêm chuyện vỡ hố ga. Dù biết mình đang bị lợi dụng nhưng anh Trí không còn cách nào khác là bấm bụng bồi thường.

“Làm căng với họ, tôi sợ việc xây nhà bị đình trệ. Nhờ chính quyền cũng không xong vì ban đầu để tiết kiệm thời gian và chi phí, tôi đã nhờ người đến quay phim, chụp ảnh và lập bản vẽ hiện trạng các hộ liền kề”.

“Nhà chỉ mới xây được nửa đường, tôi đã phải tốn gần 2.000.000 đồng để làm vừa lòng hàng xóm. Chẳng còn biết phải tốn thêm bao nhiêu”, anh Trí ngao ngán cho biết.

Khi hàng xóm được “cấp phép”

Những trường hợp gặp rắc rối với hàng xóm khi xây nhà như anh Trí không phải là chuyện hiếm.

Theo Chỉ thị 09 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi muốn sửa hoặc xây nhà, bạn phải thuê một số tổ thiết kế tư vấn quay phim, chụp ảnh, khảo sát, đo vẽ hiện trạng các nhà xung quanh.

Sau đó, các phương pháp tháo dỡ và sửa chữa nhà của bạn phải được sự đồng thuận của các nhà hàng xóm. Nếu chưa thể thỏa thuận, bạn phải mời tổ tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để giúp xem xét về phương án đó. Bạn là người sẽ phải trả chi phí cho tổ tư vấn này. Hiểu một cách nôm na, từ ngày chỉ thị này có hiệu lực (khoảng tháng 4-2007), những người láng giềng nắm trong tay quyền “cấp phép thứ hai” cho những gia chủ muốn sửa nhà.

Theo Luật sư Ngô Hoài Ái, đang công tác tại Văn phòng Luật sư Phạm Nguyễn, “giấy phép” của láng giềng là một yêu cầu mang ý nghĩa tích cực.

Trong quá trình xây, sửa nhà, bụi bặm và tiếng ồn là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, việc đào móng, tháo dỡ nhà, sử dụng giàn giáo... cót hể gây sụp lún, nứt tường, bể hố ga... Vì vậy, mâu thuẫn và tranh chấp rất dễ nảy sinh, thậm chí dẫn đến kiện tụng kéo dài.

Do đó, việc xin “giấy phép” từ hàng xóm sẽ giúp đôi bên có sự thỏa thuận trước. Nhà hàng xóm sẽ cảm thông hơn với những ảnh hưởng không mong muốn trong quá trình thi công của nhà bên cạnh.

Ngược lại, gia chủ cũng có ý thức hạn chế tối đa ảnh hưởng của bụi bẩn và tiếng ồn đến môi trường xung quanh. Đồng thời, nếu gây ra những thiệt hại vật chất lớn cho nhà bên cạnh, gia chủ phải tự giác đền bù một cách hợp lý.

1001 cách “vòi tiền” công khai

Quy định là tốt, tuy nhiên, lại có nhiều nhà hàng xóm lợi dụng quyền cấp “giấy phép” này để tư lợi riêng cho mình. Việc làm của họ gây mệt mỏi và thiệt hại tài chính không ít cho những gia chủ đang xây nhà.

Chị Mai Thị Nhã Ca, ngụ tại đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, kể lại chuyện của mình trong nỗi ấm ức: “Cách đây bốn tháng, tôi đã xin được giấy phép xây dựng nhưng nhà chỉ mới bắt đầu xây khoảng hai tháng nay. Vì trước đó, chị Hoa hàng xóm nhất định không đồng ý”.

Lý do chị Hoa gây khó dễ vì hai nhà sử dụng một vách tường chung. Dù chị Nhã Ca có đủ giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu của bức tường, chị Hoa vẫn nhất định không chịu nhượng bộ.

Chị Hoa lý sự: “Tôi mới mua nhà cách đây hơn năm, làm sao biết đây là vách tường “mượn tạm”? Bao giờ đập ra, tôi phải tốn tiền xây lại trong khi nhà vừa mới mua. Sao lại có chuyện vô lý thế được?”.

Để giải quyết, chị Nhã Ca năm lần bảy lượt chủ động sang nhà chị Hoa nhưng họ cứ viện cớ bận không tiếp. Cuối cùng, có lẽ vì chị Nhã Ca quá kiên trì, gia đình chị Hoa cũng miễn cưỡng chấp nhận với điều kiện: Chị Nhã Ca phải trám xi măng cả con đường dẫn vào hai nhà để “Sạch và đẹp lối đi chung”.

Dù có chút phật ý với đòi hỏi vô lý của nhà hàng xóm nhưng chị Nhã Ca đành đồng ý. Chị tự an ủi mình: “Thôi kệ, cứ coi như làm đường đi cho riêng nhà mình để khỏi ấm ức”.

Thế nhưng, ngôi nhà chỉ mới xong phần tháo dỡ, chị Hoa lại xuất hiện ta thán: “Thợ của chị làm gạch, tôn bay cả sang mái nhà tôi, đã vậy còn làm thủng mái nhà nữa, mưa dột ướt hết nhà”.

Leo lên tận nơi kiểm tra, chồng chị Nhã Ca nhận thấy mái nhà chị Hoa chỉ có một ít bụi bặm và vài mảnh gạch nhỏ. Lỗ thủng trên mái nhà có từ lúc nào chỉ có chủ nhà mới biết.

Người hàng xóm đấu lưng với nhà chị Hoa rỉ tai chị Nhã Ca: “Tối qua, tôi thấy chồng bà ấy tự mang gạch vứt lên mái nhà mình đấy!”. Tuy nhiên, người này không chịu ra làm chứng vì sợ mích lòng. Cuối cùng, chị Nhã Ca đành bấm bụng thay mái tôn nhà hàng xóm cho yên chuyện.

Được nước làm tới, khi thợ bắt đầu xây nhà, chị Hoa yêu cầu phải tránh những chậu hoa kiểng để sát tường. Thế nhưng, khi thợ dời cây đi, chị Hoa lại không cho vì sợ cây chết.

Sự việc cứ thế dây dưa cả tuần liền. Nản quá, chị Nhã Ca đành nhờ chính quyền địa phương xuống giải quyết. Sau khi hòa giải nhiều lần, chị Hoa mới miễn cưỡng đồng ý cho dời cây sang chỗ khác. Đồng thời, chị Nhã Ca phải ký cam kết kê tất cả các chậu hoa lại chỗ cũ sau khi xây nhà hoàn tất.

Hãy thỏa thuận bằng văn bản

Có thể thấy, những người hàng xóm như bà Trưng, chị Hoa đã quên mất câu “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì tư lợi riêng, họ lợi dụng Chỉ thị 09 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để làm khó dễ láng giềng của mình.

Không chỉ ích kỷ, nhận thức kém và thiếu sự cảm thông, những cá nhân này còn làm sai lệch ý nghĩa tích cực của Chỉ thị 09. Những gia chủ muốn xây nhà, bên cạnh những chi phí thông thường, giờ phải dự trù luôn cả khoản tiền để làm vui lòng hàng xóm.

Sự “quấy rối” này không dễ đối phó. Vì vậy, để hạn chế, trước khi bắt tay khởi công, bạn nên thỏa thuận rõ ràng với hàng xóm xung quanh bằng văn bản.

Khi không có giấy tờ, bằng chứng cụ thể, chuyện mâu thuẫn, xích mích dẫn đến tranh cãi, kiện tụng là điều khó tránh khỏi. Do đó, tất cả thỏa hiệp, dù lớn hay nhỏ, phải được trình bày trên giấy tờ rõ ràng, có chữ ký của đôi bên và cơ quan có thẩm quyền làm chứng như Ủy ban Nhân dân xã, quận hoặc huyện nơi cư trú.

Trước khi tháo dỡ công trình cũ để xây dựng mới, bạn nên thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện việc chụp ảnh, quay phim, khảo sát và đo vẽ hiện trạng các căn nhà bên cạnh.

Kết quả khảo sát sẽ được thể hiện bằng bản vẽ. Bản báo cáo hiện trạng và biên bản được lập tại hiện trường có chữ ký xác nhận của các hộ có liên quan. Bạn không nên tiết kiệm chi phí này vì những chứng từ trên sẽ giúp hạn chế tối đa sự “quấy nhiễu” của những người láng giềng.

Tuy nhiên, một vài hàng xóm lại không dễ dàng đồng thuận để bạn chụp, vẽ nhà của họ vì lo sợ quyền lợi của mình bị hạn chế. Bạn nên dành thời gian thuyết phục họ đồng ý.

Nếu các chủ hộ liền kề vẫn không chịu hợp tác hoặc cố tình “làm khó”, bạn nên nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Đối với nhà thầu, trước khi khởi công, bạn nên “cảnh cáo” trước về những người hàng xóm khó tính. Điều này giúp họ cẩn thận hơn trong quá trình xây dựng và sửa chữa.

Đồng thời, bạn và nhà thầu cũng nên quan sát thường xuyên hiện trạng của các nhà hàng xóm, tránh để bị bắt lỗi và phải chịu trách nhiệm một cách vô cớ về những thiệt hại của họ.

Khi hàng xóm “quấy nhiễu”,bạn nên đối chứng với bản khảo sát để phản bác yêu cầu của họ. Nếu nhân nhượng bồi thường cho xong, bạn sẽ còn bị yêu sách trong suốt quá trình thi công, khiến chi phí xây nhà bị đội lên một cách không thỏa đáng.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.