Sáng 3/6, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, ngụ đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP HCM), người mua ve chai vừa được nhận lại 5 triệu yen, tất bật bởi những cuộc điện thoại. Chị đặt mua gạo, sữa, amply… để chuẩn bị đi từ thiện tại những cơ sở nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ em mồ côi.
Niềm vui của chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng sau khi được thông báo nhận lại hơn 5 triệu yen. Ảnh: Trường Nguyên. |
Chị Hồng cười tươi: “Cuối cùng thì tôi cũng đã thực hiện được dự định của mình. Tuy không nhiều nhưng đây là tấm lòng, cùng chia sẻ may mắn của mình với mọi người”.
“Lộc trời” đến với vợ chồng ve chai
Tháng 11/2013, chị Hồng mua thùng loa cũ của một người đàn ông trên đường Trần Văn Quang, sau đó đem về nhà cất giữ. Đến tháng 3/2014, vợ chồng chị cùng tháo dỡ loa thì thấy số tiền "lạ".
Chị Hồng nhớ lại: “Lúc dỡ thùng loa, mùi hôi xộc ra khiến hai vợ chồng sợ xanh mặt, nghĩ bên trong có xác chết gì đó bị giấu vào. Nhưng khi kiểm tra kỹ thì thấy một hộp nhỏ, chứa nhiều tiền lạ. Rồi người ta đồn tôi lượm kho báu, kéo đến rất đông để xin”.
Chỉ một giờ sau, nhiều thanh niên bặm trợn xuất hiện nói đó là số tiền của mình rồi đe dọa vợ chồng chị Hồng. Một số người khác hiếu kỳ đến theo dõi khiến con hẻm nhỏ trở nên ồn ào, ngột ngạt.
Nhân viên bảo vệ ngân hàng "hộ tống" chị Hồng sau khi nhận tiền. Ảnh: Trường Nguyên. |
Quá hoảng sợ, vợ chồng chị ve chai cùng đồng nghiệp vào nhà cố thủ, nhờ công an đến giải vây.
“Thấy đông người thì hai vợ chồng sợ lắm phải trốn vào nhà. Có người xông vào, lớn tiếng dọa nạt khiến hồn vía tôi như lên mây. Họ nói tiền của họ nhưng tôi có biết gì đâu", chị Hồng kể lại.
Ngay trong đêm 21/3/2014, chị Hồng giao số tiền cho Công an phường 10 quản lý để tránh nguy hiểm. Số tiền này sau đó được bàn giao cho Công an quận Tân Bình bảo quản và tìm chủ sở hữu.
Sau khi bàn giao tiền, chị ve chai vẫn tiếp tục hành nghề mưu sinh. “Lúc đó tôi nghĩ, tiền giao công an, người ta tìm được chủ thì sẽ trả lại hết nên không còn bận tâm nghĩ về nó (5 triệu yen) nữa. Gần đây, nghe nói nếu không có chủ nhân đến nhận, công an sẽ trả lại cho người tìm được thì mới biết”, chị Hồng kể.
Và thế là hy vọng cứ lớn dần trong chị ve chai bởi gần hết thời hạn một năm vẫn không tìm thấy chủ nhân thật sự.
Anh Trịnh Minh Vương (chồng chị Hồng) cho biết, lúc đó, hai vợ chồng chẳng biết như thế nào. Gia đình hai bên rất nghèo nên ít học, chỉ biết lao động chân tay.
"Những vấn đề pháp lý gì đó chúng tôi mù tịt. Vào Sài Gòn mưu sinh nên chữ nghĩa cũng quên dần, đến cả ký tên mình cũng phải nhờ người ta bày lại cách viết”, anh nói.
Những ngày lo lắng
Hy vọng đan xen những lo lắng khiến anh Vương cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Đến tháng 4/2014, anh chuyển về quê nhà Quảng Ngãi sinh sống và lo cho 2 đứa con. Một mình chị Hồng ở lại Sài Gòn tiếp tục mưu sinh và thấp thỏm chờ đợi kết quả từ ông an quận Tân Bình.
Cùng thời điểm này, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) nhận tư vấn pháp lý miễn phí và hỗ trợ để chị Hồng ve chai nhận lại số tiền.
Khi Công an quận Tân Bình gọi lên làm việc, chị cũng e ngại, dù biết việc được gọi lên đồng nghĩa khả năng nhận lại số tiền càng lớn.
"Sau khi về, tôi lại tiếp tục đợi gọi lên làm việc tiếp chứ không hề biết ngày nào mình sẽ nhận lại", chị kể.
Chị Hồng đổi 4 triệu yen, được gần 700 triệu. Còn hơn một triệu yen bị rách nát, đang chờ ngân hàng giải quyết. Ảnh: Trường Nguyên. |
Những ngày cuối tháng 4/2015, khi chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn một năm, ai cũng mong chị Hồng sẽ nhận được tiền thì bất ngờ bà Phạm Thị Ngọt xuất hiện. Người phụ nữ này cho rằng, số tiền hơn 5 triệu yen là của "chồng mình" (ông Afolayan Caleb) nên đã làm đơn xin hoãn giao tiền cho chị Hồng để chứng minh nguồn gốc số tài sản này.
Trước tình huống bất ngờ ở "phút 89" này, ngày 27/4/2015, Công an quận Tân Bình thông báo tạm hoãn trao tiền cho chị Hồng với lý do có người làm đơn nhận chủ sở hữu, phải điều tra làm rõ. Thời gian hoãn khoảng 1-2 tháng.
Nhận được tin, chị ve chai có phần hụt hẫng nhưng vẫn thật thà chia sẻ, nếu phía công an tìm được chủ nhân hợp pháp, chị sẽ vui vẻ giao trả lại số tiền cho họ. “Nếu không có số tiền đó, vợ chồng tôi vẫn tiếp tục mưu sinh như trước tới giờ. Có thể cuộc sống gia đình sẽ khó khăn, nhưng nếu người mất tìm lại được tài sản của mình thì tôi vẫn chúc mừng cho họ”, chị nói.
Dù bà Ngọt không đủ cơ sở pháp lý để nộp đơn xin nhận lại số tiền, song vụ việc cũng vì thế mà kéo dài.
Được sự tư vấn của luật sư Hà Hải, chị Hồng làm đơn khiếu nại Công an quận Tân Bình.Ngày đưa đơn, chị Hồng bồi hồi, lo lắng hỏi nhiều người: "Mình nộp đơn khiếu nại là… chửi công an hả em? Nếu vậy thì chị không dám nộp đâu. Họ có làm gì đâu mà chị chửi”.
Sau khi được sự động viên, chị ve chai mới yên tâm vào trụ sở nộp đơn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngày 19/5, Công an quận Tân Bình ra quyết định bác đơn của bà Ngọt và quyết định trao lại hơn 5 triệu yen cho chị Hồng, thời hạn trao trả là 10 ngày.
Trong thời gian này, nhiều người nghĩ vợ chồng chị ve chai đã nhận được tiền nên đến gạ gẫm vay tiền, lừa đảo. Nhiều người dân cùng các đồng nghiệp chung nhà đứng ra bảo vệ chị Hồng.
Chi ve chai kể: “Người ta nghĩ tôi nhận tiền nên đến xin. Có người đem sổ đỏ tới, kể lể làm ăn thất bại nên đến cầm cố vay. Họ nói năng nhẹ nhàng và cũng tội nghiệp lắm, tôi không biết làm sao. Lúc đó tôi cũng đã có tiền đâu. May nhờ mọi người cảnh giác giúp tôi từ chối”.
Đến ngày 29/5, thời hạn bàn giao tiền đã hết, người phụ nữ 36 tuổi vẫn không nhận được thông tin nào từ phía công an. Chị cùng những người ủng hộ kiên nhẫn chờ đợi. Anh Vương cùng hai con cũng từ quê vào Sài Gòn chờ ngày chung vui với vợ
Niềm vui ngày trở thành “triệu phú ve chai”
Ngày 1/6, Công an Tân Bình gọi chị đến làm việc, thông báo chậm nhất vào sáng 2/6 sẽ có quyết định nhận tiền. Trở về nhà, chị vui mừng đến không nói được gì. Hỏi chị, chị nói chỉ nhớ được là công an sẽ giao tiền thôi bởi nghe câu trước quên câu sau.
Người phụ nữ thật thà tâm sự: “Vào công an bây giờ vẫn còn sợ, nhưng có phần đỡ run hơn trước rồi do chú công an hiền lành và giải thích cho tôi nhiệt tình lắm. Họ cũng muốn nhanh chóng kết thúc vụ việc như mình thôi”.
Sáng 2/6, chị Hồng vẫn đẩy xe đi mua ve chai nhưng không dám đi quá xa, sợ công an gọi đến lại không về kịp. Đợi đến trưa, chị vẫn không thấy “động tĩnh” gì.
Khoảng 15h cùng ngày, trong lúc đang mua ve chai giữa đường, chị nhận được điện thoại của Công an quận Tân Bình, thông báo đến làm thủ tục nhận lại 5 triệu yen. Nghe cuộc gọi, chị mừng đến nỗi bắt xe ôm chạy đi, để quên cả xe phế liệu. "Đến giữa đường, tôi mới nhớ gọi chị đồng nghiệp ra đẩy xe đi bán giúp”, chị Hồng nói vui.
Lúc này, đông đảo phóng viên nắm được thông tin đã có mặt tại Công an quận Tân Bình. Ai cũng hồi hộp, mong một cái kết đẹp cho chị ve chai hiền lành. Hai mươi phút sau, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải rời trụ sở công an. Gương mặt chị hơi tái, hồi hộp gọi điện thoại cho gia đình ở quê thông báo đã có quyết định nhận tiền.
Giọng chị Hồng lắp bắp bởi cảm giác vui mừng đến nghẹn ngào, gần như sắp khóc. Đến khi luật sư Hải gọi chị lên xe để qua ngân hàng lãnh tiền thì chị mới nhớ.
Đến ngân hàng trên đường Võ Văn Kiệt, hai người được nhân viên mời vào phòng làm thủ tục, kiểm đếm. Nhận xong, chị ve chai ôm bọc tiền, vẻ mặt hồi hộp trong vòng vây của nhiều người chia vui.
Trong giờ phút vui mừng, người ve chai may mắn nói: “Thật sự lúc trước tôi không nghĩ sẽ nhận lại số tiền này. Vợ chồng tôi không biết gì. Tôi chân thành cảm ơn chú Hải (luật sư Hà Hải) cùng các bạn phóng viên đã giúp đỡ tôi tận tình". Người phụ nữ cũng đưa ra lời hứa, điều đầu tiên chị thực hiện là mua gạo ủng hộ những nơi nuôi dưỡng người tàn tật và trẻ mồ côi.
Sau đó, chị Hồng cùng luật sư đến một ngân hàng tại quận Phú Nhuận đổi được gần 700 triệu đồng. Còn 1.160.000 yen bị hư hỏng, đang chờ ngân hàng có biện pháp giải quyết.
Chị cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời bước vào ngân hàng nên cái gì cũng lạ lẫm, ánh đèn soáng choang cũng khiến người phụ nữ này hồi hộp. Mọi thủ tục giấy tờ đều nhờ vào luật sư Hải tư vấn.
Một ngày sau khi nhận được tiền, chị Hồng ve chai đi từ thiện tại hội người mù và nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Ảnh: Trường Nguyên. |
Lúc này, con hẻm nơi gia đình chị ve chai cư ngụ tại quận Tân Bình trở nên sôi động hơn ngày thường. Câu chuyện chị ve chai may mắn nhặt “lộc trời” và cái kết có hậu sau một năm được mọi người bàn tán rôm rả. Ai cũng mừng cho chị ve chai hiền lành chăm chỉ.
“Gia đình hai bên nội ngoại của tôi đều nghèo nên ai cũng cố gắng mưu sinh chắt chiu từng đồng. Có hai đứa con nhưng phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc, buồn lắm nhưng không thể làm khác, chỉ mong kiếm được nhiều tiền để lo cho chúng được ăn học đầy đủ, sau này không phải cực khổ như cha mẹ", chị Hồng tâm sự.