Hé lộ những mối tình ngọt ngào của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Chân lý đó đã được minh chứng một cách cực kỳ rõ rệt qua cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 2 người phụ nữ đã đi theo ông suốt cả cuộc đời.

Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Chân lý đó đã được minh chứng một cách cực kỳ rõ rệt qua cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 2 người phụ nữ đã đi theo ông suốt cả cuộc đời.

Người vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp là liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái của nữ sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai). Nhiều năm sau khi Quang Thái hy sinh khi bị bắt giam, Đại tướng lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con của cố Giáo sư Đặng Thai Mai – một người anh em, đồng chí thân thiết của Võ Nguyên Giáp thời trẻ).

Vào năm 1931, khi Võ Nguyên Giáp vừa tròn 20 tuổi, trên tuyến xe lửa từ Vinh (Nghệ An) đi Huế, “anh Văn” gặp một thiếu nữ có đôi mắt “thăm thẳm, mênh mang như nước mặt hồ", người đó chính là Quang Thái. Cũng trong năm đó, ông gặp lại người thiếu nữ trên chuyến xe lửa ngày nào tại nhà giam (khi ấy cả Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai, Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân pháp bắt, bà Quang Thái khi ấy mới 16 tuổi).

Sau khi được thả, trong lần ra Vinh cùng người anh, người bạn Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp gặp lại Quang Thái. Tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy nở. Thế nhưng, khi vừa yêu nhau, cả hai lại phải xa cách. Những cánh thư như là cầu nối nuôi dưỡng tình cảm giữa hai người. Lần Võ Nguyên Giáp lên tàu ra Hà Nội, trong một bức thư, bà Quang Thái bộc lộ sự nhớ mong và tình cảm chưa nói thành lời: “... trăm nghìn điều chưa nói. Những chuyện muốn nói với G trước khi G ra Hà Nội cũng chưa nói, viết chưa xong được... Mỗi lần đọc được lại thơ của G là TH lại phải nghĩ, phải áy náy, xốn xang lạ lùng...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.

Dù vậy, khi ở Hà Nội, công việc và học hành bận bịu nên Võ Nguyên Giáp ít có thời gian viết thư cho Quang Thái. Ở quê, lúc này có một số người lời ra tiếng vào không hay nên Quang Thái đã viết thư cho người thương. Bức thư đề ngày 1/5/1934 nói về sự tin tưởng tuyệt đối dành cho người yêu: “Liễu (một người bạn của Thái – Giáp) nghi ngờ về tư cách của G. Than ôi, Liễu ơi, có biết rằng nói ra như vậy sẽ làm cho G đau lòng. G yêu Th, Th yêu G; yêu nhau tức là hiểu nhau, tin nhau... Th không biết G ngày nay có khác G ngày xưa hay không, chỉ biết G yêu Th mà Th yêu G được thì Th yêu mà thôi...”.

Trong một bức thư khác, nữ liệt sĩ có viết: “...Th nhớ G lắm... ngồi đây, Th nhớ về một độ G mới về Vinh, Th với G nói chuyện rất lâu từ hơn 7 giờ đến 12 giờ đêm ở chỗ bàn tròn này bên mấy tập thơ G có nhớ không? Nhớ lại xem nào! Đêm ấy thật đáng ghi vào “thiên tình sử” của chúng ta...”.

Sau thời gian yêu nhau, vào tháng 9/1935 Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái nên duyên vợ chồng. Lễ cưới diễn ra khá gấp bởi lúc này bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh, khó lòng qua khỏi. Mỗi khi người yêu – người chồng đi xa, người vợ trẻ lúc ấy lại bồi hồi lo lắng: “Giáp đi phen này, Thái ở nhà nỗi nhớ nhung khó lòng khuây khỏa lắm...”. Có lúc tình cảm dâng lên mãnh liệt: “Nhờ 6 ngày nay mà Thái hiểu Giáp hơn và có ái tình mật thiết hơn xưa. Bây giờ mới đúng là ái tình chứ không phải ái tình 6 tháng trước kia...”.

Khi sinh con đầu lòng là Hồng Anh, bức thư gửi chồng của bà còn kể thêm những câu chuyện về con. Song mỗi bức thư bà gửi luôn chất chứa những nỗi buồn thương: “... Con anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn... Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, vừa đi như đi “trong mộng”. Thái không biết ai đi chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”.

Suốt gần mười năm tình nghĩa vợ chồng nhưng khoảng thời gian họ bên nhau thường ngắn ngủi. Tuy vậy, sự xa cách không làm cho tình cảm giữa hai người mờ nhạt mà họ càng trân trọng nhau hơn. Quang Thái vẫn một lòng chung thủy, hướng về chồng: “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”.

Có một điều đặc biệt là hầu như các bức thư gửi người người yêu, sau này là chồng, bà Quang Thái đều xưng tên “Giáp” và “Thái”. Chỉ một số ít bức thư bà xưng “anh”, “em” nhưng tình cảm vẫn mặn nồng, son sắt qua từng con chữ.

Hơn 100 bức thư của nữ liệt sĩ gửi chồng đều được Đại tá Nguyễn Huy Văn (Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân) lưu giữ cẩn thận, bản gốc được gửi cho Giáo sư Hồng Anh (con gái đầu của Đại tướng và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, đã qua đời năm 2009).

Mối tình gắn suốt đời Đại tướng

Mối tình thứ hai, gắn với đại tướng Võ Nguyên Giáp tới cuối đời, là với người vợ sau, bà Đặng Bích Hà - con gái giáo sư Đặng Thai Mai - người phụ nữ đã  đồng hành ông từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.

Nguyên Giáp biết Bích Hà từ lúc còn là cô bé tóc để chỏm, hay nghịch đất với em ngay trước sân nhà ông ngoại.  Trong suốt thời gian hoạt động và làm việc từ 1931 đến 1941 tại Vinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai. Lúc nào ông cũng xem cô bé Bích Hà như một người em nhỏ nên rất cưng chiều và chăm bẵm.

Khi mới ra Hà Nội, ngày nào đi luyện tập thể thao, ông cũng cho Hà đi cùng. Trên đường đi, thi thoảng ông cũng kể cho cô bé nghe về cô Quang Thái (khi đó là người yêu và sau này là vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cô lắng nghe rất chăm chú.

Ngày ấy, cả gia đình cô, nhất là cụ Đặng Thai Mai, rất quý cô Quang Thái và mọi người đều xem cô như người thân trong nhà. Sau khi cưới, Võ Nguyên Giáp ra ở riêng và tiếp tục hoạt động ở Hà Nội rồi sang Trung Quốc, còn cô Bích Hà học ở Hà Nội một thời gian. Đến năm 1943 cô theo trường tản cư về Thanh Hóa cho đến 1945 mới quay về Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân, bà Đặng Bích Hà.

Bà Bích Hà từng kể, khi 6-7 tuổi, bà hay được ông Giáp đèo đi chơi đến sân vận động Hàng Đẫy (khi ấy gọi là Septo) tập thể thao. Một hôm bỗng dưng ông nói: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Không ai ngờ câu nói đùa ấy hơn mười năm sau lại trở thành sự thật. Năm 1945, khi hai người gặp lại nhau, Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu mất mát lớn, khi biết tin người vợ - người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã bị bắt và mất trong nhà tù Hỏa Lò từ đầu năm 1944. Từ sự kính phục và ngưỡng mộ, Bích Hà lại càng muốn được cùng ông chia sẻ mọi gian khó trên con đường cách mạng và đường đời.

Vào cuối năm 1946, gia đình cụ Đặng Thai Mai đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị. Suốt mấy chục năm làm bạn đời, Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên chồng với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan. Bà Bích Hà từng kể lại, trước đây, trong vườn có một cây bơ rất ngon, một loại quả mà Đại tướng rất thích ăn. Đặc biệt cây bơ ấy thường ra quả rất muộn, đúng vào dịp sinh nhật Đại tướng, nên năm nào bà cũng hái những quả to nhất, ngon nhất để dành cho ông.

Về phần mình, dù hay vắng nhà, Đại tướng chưa bao giờ để vợ con phải có cảm giác lo lắng, hụt hẫng vì bị “lãng quên”, mà ông vẫn cố dành thời gian mấy phút để viết những dòng thư ngắn gọn gửi ra cho bà và các con để hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần học tập, công tác.

Với cương vị là Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân, là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, từ khi đang còn đương chức cho đến khi về nghỉ hưu, ngày nào Đại tướng cũng rất bận rộn. Dù vậy, chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới của hai người. Hàng năm, cứ đến ngày 27/11, Đại tướng lại nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung - một loài hoa mà bà Bích Hà rất thích để tặng bà.

Theo Docbao.vn




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.