Kẻ giả danh công an gặp ngay công an thật, 2 vợ chồng già thoát bẫy lừa 3 tỷ

Chiến sĩ trinh sát hình sự nói qua điện thoại: “Anh ở đâu gọi đấy, tôi là Công an phường Đức Giang đây…". Đối tượng lập tức tắt máy.

Chiều 22/6, Công an phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, vào sáng cùng ngày, nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Thành Đô – chi nhánh Việt Hưng cùng Công an phường đã chặn vụ lừa đảo của đối tượng giả danh công an. Đối tượng gọi điện uy hiếp ông Trần (SN 1948) và vợ là bà Phạm (SN 1950), ở phường Đức Giang; yêu cầu chuyển khoản hơn 3 tỷ đồng để “chứng minh vô tội”.

Kẻ giả danh công an gặp ngay công an thật, 2 vợ chồng già thoát bẫy lừa 3 tỷ-1
Vợ chồng ông bà Trần (ngoài cùng bên phải) xúc động cảm ơn nhân viên ngân hàng và Công an phường Đức Giang đã giúp họ thoát "bẫy lừa" hơn 3 tỷ đồng. Ảnh CACC.

Khi đó, công an trực ban phường nhận được phản ánh từ phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Thành Đô – chi nhánh Việt Hưng, về việc đang có 2 khách hàng cao tuổi làm thủ tục mở tài khoản để chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Nhân viên ngân hàng đã khéo léo hỏi mục đích mở tài khoản và chuyển tiền, nhưng 2 vị khách nhất định không nói. Thậm chí, vị khách nữ còn lo lắng: “Có nói các cô cũng không giúp minh oan được cho chúng tôi”.

Ngay lập tức, lãnh đạo Công an phường Đức Giang phân công 1 cảnh sát khu vực và 1 trinh sát hình sự đến phòng giao dịch. Lúc này, hai vị khách cao tuổi sắp hoàn tất thủ tục mở tài khoản, còn điện thoại của ông Trần thì liên tục bị 1 đối tượng nam giới gọi, giục đẩy nhanh thủ tục chuyển tiền.

Ngay sau đó, chiến sĩ trinh sát hình sự nói qua điện thoại: “Anh ở đâu gọi đấy, tôi là Công an phường Đức Giang đây…". Đối tượng lập tức tắt máy. Không lâu sau, điện thoại của bà Phạm đổ chuông, đầu bên kia vẫn là kẻ tự xưng công an. Khi chiến sĩ trinh sát hình sự nghe máy, đối tượng…văng tục, rồi tắt máy. Chứng kiến sự việc, vợ chồng ông bà Trần như bừng tỉnh và thuật lại nguyên nhân đến phòng giao dịch ngân hàng.

Trước đó, khi đang ở nhà, bà Phạm nhận được điện thoại của 1 nam giới, tự xưng là “công an chống ma túy” của quận Long Biên. Người này nói đang điều tra đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, thậm chí có cả công an tham gia.

Sau một hồi đe dọa, công an giả danh hướng dẫn vợ chồng ông Trần phải chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản, bằng cách mở một tài khoản khác và cung cấp cho “cơ quan công an” do anh ta làm đại diện, để giám sát việc luân chuyển dòng tiền.

Đến khi điều tra xong, “cơ quan công an” thông báo và sẽ trả lại quyền kiểm soát tài khoản cho ông bà Trần… Lúc đầu còn phân vân, nhưng nghe vị “Công an” giả danh nhắc đến số tiền tương đối trùng khớp với tiền đang gửi ngân hàng, vợ chồng ông bà Trần tin là thật, lập tức cùng ra ngân hàng để làm các thủ tục theo hướng dẫn của vị “công an” giả danh.

Nhưng rất may, nhân viên ngân hàng do từng được Công an Đức Giang, tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo giả danh công an, nên đã báo tin.

Lãnh đạo Công an phường Đức Giang cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Công an Hà Nội và Công an Long Biên, đơn vị đã tham mưu Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo, huy động các ban ngành tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

Đặc biệt, công an phường qua nhiều kênh, nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, đã thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhận biết phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm “nóng”, như trộm cắp, cướp giật, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao… Việc ngăn chặn ý định chuyển tiền của vợ chồng ông Trần là kết quả cụ thể của biện pháp tuyên truyền.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ke-gia-danh-cong-an-gap-ngay-cong-an-that-2-vo-chong-gia-thoat-bay-lua-3-ty-2157429.html?fbclid=IwAR0zAbAp76ecWpE01OlsNFSCGJdpdaI8z2qElf8gEzLihYxDvh8ySQio0t8

lừa đảo


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.