Khi hiến tạng sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình

Một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác, bởi vậy việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.

Sau sự kiện Bệnh viện Việt Đức ghép thành công tim, gan cho hai bệnh nhân từ nguồn tạng từ người chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển ra, rất nhiều vấn đề xung quanh việc hiến và ghép mô tạng được các chuyên gia mổ sẻ và đặc biệt, nhiều người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc hiến tạng.

Thậm chí, chính Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phải lên tiếng: “Chúng ta cần phải nhanh chóng đưa ra một quy trình chuẩn trong việc hiến tạng để người dân hiểu hơn. Bởi, hiện tại nhiều người muốn hiến tạng, nhưng không biết hiến ở đâu, thủ tục như thế nào”.

Trước những vấn đề cấp bách trên, Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc (PGĐ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) đã có những thông tin kịp thời về vấn đề này.

Dưới đây là một số câu hỏi và giải đáp những thắc mắc của người dân về vấn đề hiến tạng:

Ai có thể hiến tạng?

Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).

Khi hiến tạng sẽ được hưởng những quyền lợi gì? - 1

BS Nguyễn Hoàng Phúc đang bảo vệ tạng từ Sân bay Nội Bài về Bệnh viện Việt Đức

Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình trong trường hợp hiến khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, làm cho không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

Hiến tạng để làm gì?

Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

 Khi hiến tạng sẽ được hưởng những quyền lợi gì? - 2

Một người hiến tạng khi chết não sẽ cứu được 8-10 người bệnh

Cơ quan nào điều phối việc hiến, lấy, ghép mô, tạng của Việt Nam?

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức.

Làm thế nào để đăng ký hiến mô, tạng hoặc hiến xác? Những cơ sở nào được phép lấy và ghép mô, tạng?

Nếu một người muốn đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết, chết não, Người hiến có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất các thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng (hiến sau khi chết), hiến xác cho người đăng ký hiến.

Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết):  Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Quân Y 103; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện 198 - Bộ Công an; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh ; Bệnh viện Nhân dân 115; Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Khi hiến tạng sẽ được hưởng những quyền lợi gì? - 3

Thẻ đăng ký hiến tạng.

Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-Bệnh viện Mắt Trung ương; Trung tâm mô, phôi - Đại học Y Hà Nội; Ngân hàng Mô của Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác; Đại học Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường đại học y để đăng ký hiến xác: Đại học Y Hà Nội; Đại học Y Thái Nguyên; Đại học Y Thái Bình; Đại học Y Hải Phòng; Học viện Quân Y: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Huế: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y Tây Nguyên; Đại học Y Cần Thơ: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y dược TP HCM: Bộ môn Giải phẫu; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Bộ môn giải phẫu.

Ngoài ra, người hiến có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người-Bộ Y tế (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp và điều phối đến cơ sở y tế phù hợp có chức năng tiếp lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Người hiến tạng có quyền lợi gì?

Với những người hiến mô: Người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống: Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.

Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế, được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác: Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Ý nghĩa của việc hiến tạng khi còn sống và sau khi chết?

Đối với người bệnh, theo số liệu thống kê hàng năm có hàng ngàn người bị suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, mỗi bệnh nhân tiêu tốn một khoản tiền vô cùng lớn cho chạy thận nhân tạo, kèm theo đó là hệ quả của việc truyền máu như lây nhiễm HIV, viêm gan B… Đặc biệt là những người mắc những bệnh về gan, tim mạch, nếu không có tạng thay thế kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Một người hiến tặng mô, tạng cho những người bị bệnh thì đó không chỉ là một món quà vô giá mà còn là cơ hội mang lại sự sống cuối cùng cho những người đang bị suy tạng giai đoạn cuối cần phải thay thế tạng, vì vậy món quà đó phải được trao một cách công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo vì ai cũng có quyền được sống, quyền được chữa bệnh, pháp luật quy định và thiết lập sự bình đẳng đó.

Người khi còn sống có thể hiến: 01 lá gan hoặc một phần của lá gan; 01 quả thận, da, xương.

Một người chết/chết não có thể hiến được các mô, tạng sau: 01 quả Tim, 02 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…

Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?

Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc, tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại. Đồng thời, phải giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ep buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến…

Theo BS Phúc, hiện nay, hàng ngày, hàng giờ đang có rất nhiều người bệnh chờ đợi được ghép mô, tạng để được cứu sống. Bởi vậy, đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng hôm nay là trao tặng cơ hội mang lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh.

Địa chỉ tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng:

- Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Tel: 04.39386692-04 39386693/091.50.60.550

Email: gheptang@vncchot.com

Ngân hàng Mắt-Bệnh viện Mắt Trung ương: 85 Bà Triệu, Hà Nội

Tel: 04.39454799; Email: info@vnio-eyebank.org.vn

Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người-Bệnh viện Chợ Rẫy

Tel: 08.39560139/0838554137-184; 0913677016

Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com

Theo Lê Phương (Khám phá)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.