"Kỳ nhân đuổi mưa" viết thư yêu cầu TS Vũ Thế Khanh xin lỗi

"Kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh khẳng định, khả năng hô phong hoán vũ là có và việc làm của mình xuất phát từ tấm lòng.

Trong thư gửi TS Vũ Thế Khanh, "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh khẳng định, khả năng hô phong hoán vũ là có và việc làm của mình xuất phát từ tấm lòng.

>> 
TS Vũ Thế Khanh có thể khiến Giáo sư 'đuổi mưa'... "tắt điện"?

"Kỳ nhân đuổi mưa" viết thư yêu cầu TS Vũ Thế Khanh xin lỗi
Ông Lương Ngọc Huỳnh. Hình cắt từ clip của chương trình Bí mật của tạo hóa/VTV3

Không bỏ 1 xu nào để mua bằng rởm (!?)

Những tuyên bố về khả năng "đuổi mưa" của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.

Một diễn biến mới nhất, sau khi TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA có những ý kiến về vấn đề "đuổi mưa", trên trang cá nhân của mình, GS Huỳnh đã có thư trả lời gửi đến TS Khanh.

Mở đầu thư, GS Huỳnh gửi lời cảm ơn tới TS Khanh và cho biết, ông không bao giờ "tắt điện" vì là võ sư khí công, Giáo sư, Phó Chủ tịch Học viện an ninh xã hội Liên Bang Nga, Viện sỹ Viện hàn lâm chiêm tinh Mông Cổ, Viện sỹ Viện hàn lâm quốc tế CH Séc.

Ông đã được nhận Huy chương những con người của một ngàn năm nước Nga. Là 1 trong những người được vinh dự có tên trong bách khoa toàn thư của Liên Bang Nga.

Ngoài ra, ông có Huân chương y học cao nhất của liên bang Nga Nicolai PIROGOV, Huân Chương Vì Sự Nghiệp An Ninh Liên Bang Nga, Huân chương quân công đại tướng quân của Campuchia và được Quốc Vương Sihanuk viết thư cảm ơn.

"Tôi đã dạy võ, dạy y, dạy phong thuỷ cho hàng chục quốc gia trên thế giới. Tôi đã chữa bệnh cho nhiều tổng thống trên thế giới.

Tôi cũng đã chữa cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân trên thế giới. Tôi đã truyền bá võ thuật cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ k10.

Tôi không phải khoe ra, nhưng ít nhất đó là những gì tôi đã cống hiến cho quốc gia và nhân dân trên toàn thế giới, được thế giới công nhận.

Tôi đàng hoàng và tự hào về thành tích của tôi đạt được bằng chính sức lao động và sáng tạo của mình, sự danh giá ấy là bằng mồ hôi và nước mắt sự cống hiến của tôi cho nhân loại.

Tôi không phải bỏ 1 xu nào để mua những cái bằng rởm mà nhiều người đã mua vì danh hão", GS Huỳnh viết trong thư.

GS Huỳnh cho biết thêm, những lần ông nhận bằng hay nhận Huân chương đều có Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga hoặc lãnh đạo Bộ ngoại giao Việt Nam tới dự và đưa tin đầy đủ trên Đài TH Việt Nam.

 Đồ hình mô phỏng việc đuổi mưa cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.

Đồ hình mô phỏng việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.

"Tôi cũng không bao giờ lừa dối trái tim mình và càng không cho phép lừa dối nhân dân của mình.

Tôi tự hào là người Việt Nam và vì vậy, mặc dù nhiều nước mời tôi nhập quốc tịch nhưng đến giờ phút này tôi vẫn tự hào mang quốc tịch Việt Nam", GS Huỳnh bày tỏ.

Nói về lý do trở về Việt Nam, GS Huỳnh cho hay, ông yêu sự chân thành cởi mở, nhân hậu và lịch lãm. Yêu những người có tâm, có tầm, có tài, có lòng yêu Tổ quốc Việt Nam.

"Tôi yêu dân tộc Việt Nam, vì vậy tôi sẽ bỏ hết danh dự và quyền lực cũng như mọi điều kiện cuộc sống của bản thân mình ở những nước phát triển để hôm nay tôi về đây.

Về với tổ tiên của tôi, về với quê hương thân yêu của tôi để góp phần truyền bá kiến thức của mình, sức lao động của mình và một lòng một dạ cùng với hơn 94 triệu đồng bào cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu này", ông Huỳnh chia sẻ.

Ông cho hay, khi trở về dù biết có khó khăn nhưng ông tin sẽ khẳng định mình bằng chính sức lao động sáng tạo.

Ông Huỳnh nói: "Có ai ở Việt Nam làm Nhà nước mà dám nhận mỗi tháng 1 đô la không? Nhưng nếu tôi làm Nhà nước tôi sẽ nhận mỗi tháng 1 đô la.

Ngoài giờ hành chính tôi chữa bệnh, dạy võ, dạy phong thuỷ cho dân chắc tôi sống thoải mái bằng chính sức lao động của mình. Đó là tôi hạnh phúc!".

Đề nghị TS Khanh xin lỗi

Về lời thách đổ đuổi mưa trong vòng bán kính 1m2 của TS Khanh, GS Huỳnh cho rằng, ông thừa trình độ giải thích, nhưng không muốn giải thích.

TS Vũ Thế Khanh.
TS Vũ Thế Khanh.

GS Huỳnh cũng khẳng định, khả năng hô phong hoán vũ là có, nhưng đạt 70% là giỏi lắm rồi!

Còn về pháp ấn đuổi mưa, GS Huỳnh cho biết thêm, ông đã làm nhiều lần rất tốt và đã thử nghiệm cả trong những lúc đi chơi với bạn bè, vì "văn ôn võ luyện" nên nếu mình không làm nhiều lần thì không thể kiểm chứng.

Cùng với đó, ông cũng đưa ra giải thích về tầng khí quyển, quá trình vật lý tạo ra những hiện tượng thời tiết... mà ông "ngóng học được từ nước ngoài".

"Vậy thì tôi dùng khí công hay năng lượng, hay ý chí, hay ấn pháp, hay cúng... miễn là tôi làm cho giảm nhẹ cơn bão, lệch hướng cơn bão, hay giảm mưa, thậm chí tan mưa, tuỳ thuộc vào lượng mây hay tốc độ đối lưu của khí quyển thì đã là người xưa nay hiếm.

Đáng lẽ ra ông Khanh phải trân trọng cho dù tôi có làm thành công không, hay ít nhất cũng tuyên dương cho tôi một câu để tôi còn cố gắng mà học tập rèn luyện.

Nếu không may tôi làm được ít hoặc có thể 30% không thành công thì ông cũng tặng cho tôi lời khen ngợi là dám nghĩ và dám làm...", thư của GS Huỳnh viết.

Ngoài bày tỏ một số ý kiến, GS Huỳnh cũng đề nghị TS Khanh trả lời lại những ý kiến được nêu ra và xin lỗi ông.

"Hãy trả lời lại và nên xin lỗi tôi công khai", ông Huỳnh viết trong thư.

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thế Khanh cho biết, ông có biết thông tin về lá thư của ông Huỳnh gửi ông trên trang facebook cá nhân, nhưng ông chưa đọc và cũng không muốn đọc lá thư này.

TS Khanh cũng cho biết thêm, thời gian qua, trung tâm UIA đã "bóc mẽ", làm rõ năng lực chỉ có trong tưởng tượng của không ít "dị nhân hô mưa, đuổi gió, đuổi mưa", nên ông không muốn tranh luận thêm với "kỳ nhân đuổi mưa" này.

Cũng theo ông Khanh, trước đây, khi con người còn chưa hiểu biết, khoa học chưa phát triển thì mới có chuyện cho rằng, mưa là do thần này cai quản, gió là do thần kia cai quản và cầu cúng...

Hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển, con người đã làm rõ được sự hình thành của mưa, gió và ngay từ chương trình học phổ thông, học sinh đã có thể biết rõ mưa, gió có nguồn gốc từ đâu.

"Thế cho nên không có gì mà phải tranh cãi thêm nữa cả", ông Khanh nhấn mạnh.

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.