Lá thư đặc biệt của người bạn tù gửi ông Chấn khi được tạm tha

Đêm cuối trước khi được trở về nhà, hai ông đã nằm cạnh nhau và ông Toản đã có những dòng thư hết sức xúc động gửi đến người bạn tù Nguyễn Thanh Chấn....

Đêm cuối trước khi được trở về nhà, hai ông đã nằm cạnh nhau và ông Toản đã có những dòng thư hết sức xúc động gửi đến người bạn tù Nguyễn Thanh Chấn....

Sau khi bị tòa tuyên mức án chung thân vì tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn bị chuyển về giam tại trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo lời ông Chấn, những ngày đầu, ông được giao về đội phạm nhân số 22, phân trại số 1, vốn coi là "đất" của những phạm nhân thuộc diện “tù lâu, án dài”.

Trong thời gian này, ông Chấn vẫn được gọi là phạm nhân chưa “an tâm cải tạo” bởi thường xuyên nhờ giám thị trại giam gửi đơn kêu oan.

"Tôi kêu oan nhưng không phải ai trong trại cũng hiểu và tin vào những gì tôi đưa ra. Tuy vậy, trong thời gian đó, người anh em mà hay chia sẻ, tâm sự, động viên, tin tưởng tôi nhất là ông Đỗ Văn Toản", ông Chấn nói.

Ông Nguyễn Thanh Chấn đọc lại bức thư một người bạn tù gửi trước ngày ông được thả tự do.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đọc lại bức thư một người bạn tù gửi trước ngày ông được thả tự do.

Như lời ông Chấn kể, ông Đỗ Văn Toản (SN 1961, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vào tù vì nhiều tội khác nhau với tổng thời gian phải thi hành án lên tới hơn 21 năm.

"Ăn cùng nhau, ở cùng phòng nên mọi chuyện từ cuộc sống, gia đình hai anh em cũng đều kể cho nhau nghe, rồi chia nhau từng thứ đồ dùng, thức ăn. Nhiều đêm, thấy tôi buồn, ông ấy dậy động viên tôi rất nhiều là phải vững tâm lên.

Rồi có lần ông ấy còn bảo là ông ấy là tù có hạn còn tôi là tù chung thân nhưng ông ấy tin sẽ có ngày tôi và ông ấy sẽ gặp nhau bên ngoài, cùng ngồi uống chén rượu hàn huyên.

Khi vợ mất vào năm 2006, ông Toản đã khóc và suy sụp rất nhiều. Lúc đó, hai anh em nằm cạnh nhau, tôi lại động viên ông ấy phải cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra ngoài, trở về với gia đình... ", ông Chấn chia sẻ.

Sau nhiều lần di chuyển phòng giam, đến trước khi được tạm tha một thời gian, ông Chấn và ông Toản lại "đoàn tụ" với nhau trong một phòng.

"Đêm trước hôm được trở về nhà, hai anh em nằm cạnh nhau trong buồng giam, tôi bảo ông ấy là mai tôi được về rồi, anh có gì muốn chia sẻ thì viết cho tôi mấy dòng để tôi giữ, sau này mình nhất định sẽ gặp lại nhau, hàn huyên với nhau như anh từng nói.

Đêm đó ông ấy đã gần như thức cả đêm ngồi viết cho tôi cả một bức thư dài và sáng hôm sau, hai anh em đã xiết chặt vai nhau trước khi tôi được trở về nhà...", ông Chấn nghẹn ngào.

Giờ đây, khi đã được tạm tha, trở về nhà, mỗi khi lấy bức thư ra đọc, ông Chấn không khỏi bùi ngùi, xúc động.

Bức thư của ông Đỗ Văn Toản, người bạn tù gửi cho ông Chấn đêm trước được tạm tha.

Bức thư của ông Đỗ Văn Toản gửi ông Chấn đêm trước khi ông Chấn được tạm tha.

Lá thư đặc biệt của người bạn tù gửi ông Chấn khi được tạm tha
 

Dưới đây là nội dung bức thư ông Đỗ Văn Toản đã viết cho ông Nguyễn Thanh Chấn trong đêm trước ngày ông Chấn được tạm tha, trở về nhà. Mời độc giả cùng theo dõi:

"Khoảnh khắc không tưởng

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cũng chỉ có chín năm trời với vũ khí thô sơ và dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, thế mà vô hình chung ông lại phải hơn 10 năm sống với cái thế giới người ta ví "một ngày tù bằng thiên thu tại ngoại".

Vì lẽ đó mà tôi có thể khẳng định rằng, cho dù thế giới loài người có thay đổi tới đâu đi nữa nhưng câu chuyện con trâu vẫn là bài ca muôn thuở. Tôi tin điều đó, cho dù là đen hay trắng thì vị trí con trâu vẫn có trong 12 con giáp.

Ông có biết không, hôm nay, là ngày công dân thứ 90 triệu của Việt Nam xuất hiện. Thực ra câu chuyện dân số chẳng có gì đáng nói cả, nó ly kỳ hơn là câu chuyện của ông, là câu chuyện số một trong 90 triệu con người đang tồn tại ở Việt Nam.

Thật là mừng cho ông sắp sửa thay đổi số phận, giờ phút này, tôi thấy vui cùng ông, mừng cho gia đình ông được đoàn tụ, phải nói rằng, đây là cuộc đoàn tụ không tưởng. Lịch sử chắc chỉ có thế thôi thì phải.

Có lẽ tâm linh của bố ông, một liệt sĩ đã vì Tổ quốc mà hy sinh đã thấu hiểu điều đó.

Có thể ngày mai tôi – ông không còn câu chuyện thì thầm to nhỏ nữa, nhưng ký ức về ông, con người ông vẫn còn mãi.

Tôi ở chặng đường còn lại, giờ thì tôi đã nói với ông rằng, chúc ông hạnh phúc, thành đạt và thịnh vượng và qua đây, ông cho tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể đại gia đình nội ngoại.

Và nếu được phép ông có thể thắp cho tôi xin một nén nhang lên bàn thờ của ông cụ đã hy sinh, được như thế thì tôi vô cùng hạnh phúc.

Ông mọ nhớ nhiều nhiều! Có thể ngày mai đây, tên tuổi của ông sẽ có trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyện ngắn, truyện dài. Nếu có thể, tôi sẽ dành cho ông cả một tiểu thuyết, vì rằng, ông là đại diện cho 90 triệu dân nước Việt Nam.

Thôi thì lời kết, tôi khuyên ông cho dù có thế nào đi nữa, ông cũng phải bình tĩnh, tự tin và chiến thắng trong mọi tình huống để khỏi phụ công lao những người hơn 10 năm phải khổ cực, vất vả, đi tìm chân lý, lẽ phải mà ai đó - chắc là bà mẹ, là vợ con chứ còn ai nữa.

Thật là một sự tìm kiếm có một không hai. Ông yên tâm, chắc những người cố tình gán ghép cho ông cái tội tày trời ấy sẽ phải trả giá thôi. Câu chuyện ấy còn dài lắm, nếu trời cho tôi gặp ông, chắc có ngày tâm sự nhiều hơn vì lúc ấy sẽ vui hơn nhiều.

Trâu trắng 1961

Đỗ Văn Toản".



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.