Lãng tử sáng ăn xin, tối đi vũ trường

Chàng thanh niên 25 tuổi ban ngày lê la góc phố kiếm sống bằng nghề ăn mày, tối đến hóa thân thành chàng công tử nơi vũ trường phải nhập viện vì một tai nạn.

Chàng thanh niên 25 tuổi ban ngày lê la góc phố kiếm sống bằng nghề ăn mày, tối đến hóa thân thành chàng công tử nơi vũ trường phải nhập viện vì một tai nạn.

Những lúc vào tác nghiệp tại bệnh viện, tôi được chứng kiến bao số phận con người. Còn với trưởng điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức thì nơi anh làm như một xã hội đa màu sắc. Nơi mà anh bảo tình thương con người với con người khiến trào nước mắt nhưng nơi đây cũng là nơi mà con người cũng lộ ra những góc tối của mình.

Khi ngồi ở phòng trực cấp cứu bệnh viện Việt Đức, người ra người vào, người được cấp cứu do tai nạn ô tô, do ngã… anh Vinh bỗng nhớ lại những câu chuyện về cuộc đời mà anh không bao giờ quên ở căn phòng này.
 

Sáng ăn xin, tối thành hoàng tử nơi vũ trường

Đó là một bệnh nhân nam lúc ấy hơn 25 tuổi quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Thanh niên này ra Hà Nội và sống dưới gầm cầu Long biên. Một ngày, anh ta phải vào viện cấp cứu vì ngã gãy xương sống khá nguy kịch. Đó là chàng thanh niên rất đẹp trai. Anh Vinh và các điều dưỡng, bác sĩ khác đã tận tình cứu chữa.
 

Chàng lãng tử ăn xin: “Giờ, em mới thấm thía, những gì em làm, và cuối cùng, số phận em cũng phải gánh chịu” - Hình minh họa.

Trưởng điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh kể: “Khi xe cấp cứu đưa vào viện, người thanh niên đó mang bên mình một túi đồ. Nhìn cách giao tiếp với mọi người, ai cũng tưởng đó là một thanh niên hào, chứ ít ai biết đó là kẻ ăn mày.

Trong túi đồ anh ta nhờ tôi nhờ trông hộ là quần áo hiệu. Và tôi nhớ có 2 đôi giày rất sành điệu, trong đó có một đôi màu sáng bóng.... Trong thời gian nằm viện, chàng thanh niên ấy  thấy tôi thân thiện. Hơn nữa, anh ta không có một người thân thích bên cạnh và không dám nhờ ai nên chỉ biết trông cậy vào tôi”.

Từ đây, câu chuyện về cuộc đời anh ta bắt đầu hé mở dần. Anh ta tên là Nguyễn Hữu T. Khi lên đất Hà Nội, anh ta phát hiện ra rằng, nghề ăn  xin là nghề hái ra tiền. Vì vậy, cứ ban ngày, anh ta ăn mặc rách nát đi lê la khắp chỗ ở Hà Nội xin ăn. Nhưng đêm đến, trút bỏ bộ quần áo bẩn anh ta mặc diện và đi vũ trường.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, với những tình, tiền vào ban đêm. Ban ngày là cuộc sống nơi phố xá. Anh ta bảo: “Giờ, em mới thấm thía, những gì em làm, và cuối cùng, số phận em cũng phải gánh chịu”.

Một ngày, anh ta bị ngã đến gãy xương sống, không thể đi đứng được nữa. Anh ta cậy nhờ anh Vinh: “Em không có người thân gì cả, nếu em chết đi, trong tài khoản em còn 29 triệu đồng, anh nhờ bệnh viện hoặc đưa tiền cho một ai đó đứng lên lo ma chay cho em”. May không chết, nhưng người thanh niên này không tự đi lại được, anh ta lại nhờ anh Vinh mua hộ xe lăn.

Sau đó, anh ta qua khỏi được xuất viện về quê nhưng không ai nuôi và được đưa vào trại bảo trợ xã hội.

Đứa con gái 8 tuổi ăn xin đưa bố vào cấp cứu

Một câu chuyện khác về số phận con người nơi bệnh viện khiến điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh nhớ mãi.
 

Cách đây khoảng 8 năm, vào một ngày nóng nực, khi anh Vinh đang trực tại viện, bỗng xuất hiện một con bé 8 tuổi ăn mặc rách rưới. Con bé dắt theo một người đàn ông trong bộ quần áo cũ nát không kém. Người đàn ông có khuôn mặt mệt mỏi tột cùng, đôi mắt thâm sâu hoắm, thân hình gầy gò da bọc xương nhưng bụng to như trống lê từng bước vào phòng cấp cứu.

“Con bé dáng người nhỏ, dong dỏng. Tóc dài bên bết nhưng ánh mắt rất sáng và có cái cười rất có duyên. Nó nói năng hoạt bát như một người từng trải”. Hình minh họa

Đưa bố vào, đứa trẻ quá bé để có thể nói chuyện với y tá trực ngồi ở bàn. Nó phải kiễng đôi chân bé nhỏ lên, tay cầm tờ giấy quơ quơ và bảo: “Cứu bố cháu với, bố cháu ốm quá”.

Lúc này, anh Vinh mới chợt nhận ra đứa trẻ đưa bố vào cấp cứu. Mới hỏi được vài câu, nó bỗng ngồi quỳ sụp xuống và cầu xin cứu bố. Nó bảo nó không có tiền, nó và bố đi ăn xin chỉ đủ ăn. Nhưng viện vẫn nhận vào.

Anh Vinh nhớ lại: “Con bé dáng người nhỏ, dong dỏng. Tóc dài bên bết nhưng ánh mắt rất sáng và có cái cười rất có duyên. Nó nói năng hoạt bát như một người từng trải”.

“Đứa trẻ ấy dù còn bé lắm, nhưng nó cư xử như một người trưởng thành. Nhìn nó, tôi nghĩ nhiều người còn phải học…”

Sau khi bố cô bé được nhận vào viện, được truyền thuốc, nó cứ ngồi bên cạnh. Mệt quá, nó ra ngoài hành lang nằm trên chiếc ghế. Chốc chốc, con bé lại giật mình tỉnh giấc. Nó chỉ sợ bố nó ra đi mà không có nó bên cạnh.

Nhiều y tá thấy thương nó, bảo đi ngủ, nó nhất định không chịu, cứ nằm cả đêm trên ghế, mặc cho muỗi đốt. Thỉnh thoảng, nó lại chạy vào xem bố thế nào.

Trong ca trực đêm ấy, tôi cùng vài người nấu bát mì ăn đêm và gọi con bé vào ăn cùng. Nó cảm động, ôm chân tôi bảo: “Con ước gì, con có được bố mẹ như các cô các chú”. Nó thèm được sự  chăm sóc của người lớn. Con bé ấy mới có 8 tuổi mà đã tự chăm sóc mình, rồi chăm sóc cả bố. Nó đâu được ai quan tâm.

“Chắc nó cảm nhận được tôi như người thân duy nhất ở viện. Khi nó đưa bố nó vào khoa, cứ có việc gì, nó lại chạy ra tìm tôi, từ chuyện hỏi bao giờ bố nó khỏi. Mọi người tại sao lại điều trị thế này thế kia, và câu hỏi có vẻ khó trả lời nhất là khi nào bố nó ra viện?. Tôi đã nghe mọi người tiên lượng về bố nó mà.

Bố con bé đó mắc bệnh bán tắc ruột do lao trên bệnh cảnh xơ gan cổ trướng. Đáng tiếc là ngày bệnh viện giúp đưa bố nó về quê, tôi không gặp nó nữa”.

Kể đến đây, mắt anh Vinh nhìn xa xăm nhớ về con bé ăn xin với dáng vẻ nhỏ bé.

Theo VTC


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.