Lạnh gáy: Người Hà Nội sinh hoạt, 'chém gió' giữa đường tàu

Vô tư tụ tập, buôn điện thoại ngay trên đường ray hay bày ngổn ngang xô chậu cùng những mẹt cơm nguội phơi khô để hứng nắng ngay giữa "cung đường chết" là những hình ảnh mà PV đã ghi nhận tại các xóm có đường tàu chạy qua ở Thủ đô Hà Nội.

Vô tư tụ tập, buôn điện thoại ngay trên đường ray hay bày ngổn ngang xô chậu cùng những mẹt cơm nguội phơi khô để hứng nắng ngay giữa "cung đường chết" là những hình ảnh mà PV đã ghi nhận tại các xóm có đường tàu chạy qua ở Thủ đô Hà Nội.

"Giao lưu văn hóa" trên đường ray

Từ lâu, người dân sinh sống ngay cạnh đường sắt ở các tuyến phố ở Hà Nội như Phùng Hưng, Khâm Thiên, Giải Phóng kéo dài đến huyện Thanh Trì đều gọi vui nơi mình ở là "phố tàu". Một đặc điểm khác lạ của các "phố tàu" là dù nằm ở địa thế không mấy đắc địa nhưng lúc nào cũng tấp nập. Đặc biệt, ở thời buổi tấc đất tấc vàng như hiện nay, mức độ san sát không thua gì phố chính mà mọi chiêu trò cơi nới, lách luật đều được chủ nhà áp dụng triệt để nhằm tăng thêm diện tích sử dụng cho gia đình.

Men theo con đường gập ghềnh sỏi đá dẫn vào "phố tàu" nằm sát bên tuyến phố Phùng Hưng sầm uất, chúng tôi liên tục phải đứng nép vào tường để tránh xe. Với diện tích vốn đã hẹp lại thêm sự "vô tư" lấn chiếm của người dân (hàng loạt nồi niêu xoong chảo cùng xô chậu được bày la liệt-PV), việc hai xe máy tránh nhau trở nên vô cùng nan giải.

Đường cắt ngang được ghép bằng những ván gỗ tạm bợ

Ông Nguyễn Đình Lâm mưu sinh bằng quán trà đá ngay cạnh đường sắt từ hàng chục năm nay cho biết: "Các hộ dân ở đây đều cơi nới thêm để tăng diện tích sinh hoạt. Chỉ cần nhìn qua thứ kiến trúc có một không hai này cũng đủ biết phần cơi nới nhằm mục đích gì". Phần lớn diện tích cơi nới đều được dựng tạm bợ, trên lợp mái pro- xi măng còn tường là những mảnh gỗ ván ghép sơ sài. Sang lắm cũng chỉ là loại tường đơn được trát một lớp xi măng qua loa. Những khu cơi nới này được cho thuê với giá mềm hơn nên khách thuê chủ yếu là những người lao động nghèo. Một số người dựng lên để làm ki-ốt tự kinh doanh hoặc cho thuê để bán đồ tạp hóa hoặc đồ dùng thiết yếu phục vụ cho các hộ dân xung quanh. Những hộ dân còn lại chủ yếu cơi nới để làm bếp ăn hoặc nhà để xe nên cũng có phần chú trọng đầu tư kiên cố hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết chủ nhà đều cho biết do xây dựng trái phép nên chả dại gì đầu tư bởi  có khi vừa xây xong, các cơ quan chức năng đã yêu cầu dỡ bỏ.

Theo ghi nhận của PV, cách quán trà đá của ông Lâm không xa là một tốp thanh niên hồn nhiên ngồi "chém gió" ngay trên đường ray tàu hỏa khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi lạnh gáy. Trái với sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Lâm thủng thẳng cho hay: "Nhà chật chội, lại nằm ngay giữa khu trung tâm, tìm đỏ mắt cũng không thấy sân chơi thì đường ray tàu hỏa từ lâu đã trở thành nơi giao lưu văn hóa của cả phố rồi!".

Theo lời kể của ông Lâm, tất cả mọi người đều nắm được quy định về việc xây dựng đối với nhà ở phải cách đường sắt tối thiểu là 5, 6m nhưng phần lớn người dân đều tặc lưỡi cho qua, bởi chỉ cần khoảng cách người với tàu đảm bảo cách nhau 1,5m như quy định là đủ an toàn rồi?!. Cũng do nhu cầu sinh hoạt đi lại của các hộ dân nên đường cắt ngang kiểu tự phát được dựng lên tuỳ theo ý sử dụng của họ. Mặc dù, mục đích sử dụng khá rõ ràng nhưng yếu tố tiện lợi là để "chạy" lực lượng chức năng nên những con đường cắt ngang này đều  được thiết kế tháo lắp một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Bà Nguyễn Thị Lành, một cư dân lâu đời của "phố tàu"

Đồng hồ chỉ là vật trang trí

Tạm biệt ông Lâm, chúng tôi hỏi thăm đến nhà bà Nguyễn Thị Lành (75 tuổi)- một trong những người đầu tiên chọn con phố nguy hiểm này làm nơi an cư, lạc nghiệp. Bà Lành cho biết, bà bắt đầu dựng nhà sinh sống ở đây từ năm 18 tuổi, khi cả con phố chỉ lèo tèo vài mái nhà dựng tạm, xung quanh cỏ mọc um tùm. Do đến trước nên căn hộ bà đang ở mặc dù chính thức chỉ 18m2 nhưng vẫn còn may mắn bởi hướng quay mặt về "phố tàu" chỉ là cửa hậu.

Với những hộ dân phía bên kia đường ray chỉ có một con đường độc đạo song song với đường sắt để vào nhà bởi mặt kia bị hạn chế bởi những căn hộ ăn theo tuyến phố Tôn Thất Thiệp. Gia đình bà cũng như những gia đình khác cơi nới thêm 3m2 để làm phòng trọ cho thuê với mức giá 600 ngàn đồng/tháng. Để tận dụng hơn nữa là khu bếp với diện tích không nổi 1m2 được dựng thêm ngay trước cửa phòng trọ. Gọi là bếp nhưng cũng chỉ là vài ba mảnh gỗ ghép dựng thành bệ đủ để một cái bếp than tổ ong và vài chiếc rổ rá. "Tranh thủ ngày nắng đun nấu bên ngoài vừa tiết kiệm ga lại hạn chế việc ám mùi thức ăn còn trời mưa thì rút vào trong nhà để nấu nướng", bà Lành cho biết.

Tương tự như hoàn cảnh nhà bà Lành, chúng tôi không khỏi giật mình khi cách đó không xa là hàng loạt xô chậu bẩn được vứt chỏng trơ trên đường ray. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, bà Lành cười xòa nói: "Dân "phố tàu" coi việc nghe nhạc hiệu đoán chương trình như một lịch sinh hoạt quen thuộc. Nhắm mắt cũng có thể kể vanh vách giờ tàu chạy qua. Đồng hồ ở đây được coi là vật trang trí, chỉ  cần tàu đi ngang là chúng tôi có thể đoán chính xác được giờ giấc. Vì thế không ai bảo ai, mọi người đều tự giác tạm dẹp bãi chiến trường trên đường ray cho đến khi tàu đi qua thì đâu lại hoàn đó".

Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ cơi nới mà những đồ dùng trong gia đình như xoong, nồi, xô, chậu… cũng được người dân hồn nhiên bày ra trước sân nhà khiến giao thông đi lại bị hạn chế. Con đường vốn đã chật hẹp lại không thuộc diện xét đầu tư nâng cấp nên ngày càng xuất hiện những ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm.

Cũng theo bà Lành, việc hai xe di chuyển ngược chiều nhau trong lúc tàu chạy qua vô cùng nguy hiểm bởi chỉ cần đánh tay lái để tránh ổ voi, ổ gà khi tàu ngang qua là có thể bị cướp đi tính mạng. "Cách đây vài năm đoạn đường này được coi là "điểm chết", lấy đi sinh mạng của không ít người. "Điểm chết" này gần ga lại đúng khúc cua đường nên buộc tàu phải giảm tốc độ. Điều này tạo cơ hội cho những người buôn bán ném hàng và nhảy tàu để tranh thủ lậu vé. Nhẹ thì què chân, gãy tay còn nặng thì mất mạng", bà Lành cho biết. Tuy nhiên vài năm gần đây việc quản lý của ngành đường sắt chặt chẽ hơn nên tai nạn thảm khốc cũng giảm hẳn.  

Khổ mãi cũng thành quen

"Éo le của dân "phố tàu" còn nằm ở chỗ, có người thân đến chơi nhà hầu như gia chủ không dám mời nghỉ qua đêm, bởi nếu không quen với tiếng ồn thì chỉ cần 2- 3 chuyến tàu đêm chạy qua thì coi như khách thức trắng. Người dân "phố tàu" chúng tôi thì ngược lại, nếu cho đi ngủ ở nhà khác, yên tĩnh hơn, lại không ngủ được vì nhớ tiếng còi tàu",  bà Lành tếu táo nói.     

Theo Nguoiduatin



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.