Mất 3 - 5 tháng mới khôi phục được cầu Ghềnh

Cơ quan chức năng chưa ghi nhận có người tử vong trong vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh

"Qua nắm bắt thông tin sự cố, hiện nay theo đánh giá thì nhanh nhất phải mất 3 - 5 tháng mới có thể khôi phục lại cây cầu này", Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
 

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc Nam tê liệt. Ảnh Việt Văn

 
Tối 20/3, thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố hình sự trong vụ sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai).
 
Hai người trên sà lan bỏ trốn
 
Theo thượng tá Nam cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, có hai người trên tàu là Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988, quê Sóc Trăng), Trần Văn Giang (SN 1980, quê Bạc Liêu, người điều khiển chiếc tàu). Sau khi tàu va chạm với cầu Ghềnh, gây sập thì hai người này đã nhảy xuống sông, được tàu cá người dân trên sông vớt được. Tuy nhiên, hiện tại họ đã bỏ trốn. Công an đang tích cực truy tìm hai người này để phục vụ công tác điều tra.
 
Theo cơ quan chức năng, bước đầu thu thập được một số giấy tờ tại hiện trường, trong đó có giấy tờ ghi chiếc tàu lai dắt mang số hiệu SG – 3745, do bà Nguyễn Thị H. (ngụ TPHCM) chủ tàu. Chiếc tàu lai dắt này có đăng ký thuyền trưởng là Phan Thế Ph. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa ghi năm đóng tàu là năm 2007 tại tỉnh Tiền Giang, sà lan dài hơn 42m, chiều rộng 12m mang số hiệu 2542, tổng tải trọng gần 1000 tấn.
 
Ông Đặng Mạnh Trung, trưởng ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết, chiếc sà lan chở vật liệu xây dựng được tàu kéo từ TPHCM xuống Đồng Nai. Khi tới cầu Ghềnh thì xảy ra va chạm vào mố cầu số 2, kéo hai nhịp cầu bị gãy. Trong đó nhịp cầu số 2 rơi xuống sông, còn nhịp số 3 có một phần dính tại ở mố cầu. Chiếc sà lan lật úp, còn chiếc tàu kéo đã chìm xuống sông.
 
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên cầu có 3 người đi xe máy nhưng rất may không rơi xuống sông. Chỉ có hai người trên chiếc sà lan rơi xuống sông và được người dân cứu vớt nhưng đã bỏ trốn.
 
Hiện tại lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra, cũng như chờ phương án xử lý, khắc phụ sự cố. Tuy nhiên, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cũng lo ngại chiếc sà lan sẽ bị trôi tự do, gây nguy hiểm cho những cây cầu khác ở trên sông Đồng Nai. Do đó, lực lượng chức năng đã kéo chiếc sà lan ra khỏi khu vực cầu Ghềnh, neo lại theo hướng về phía cầu Đồng Nai để đảm bảo an toàn.
 
Chưa ghi nhận có người tử vong
 
Theo thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm tối 20/3, cơ quan chức năng chưa ghi nhận có người tử vong trong vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh qua lời khai các nhân chứng cũng như nghi nhận tại hiện trường.
 
Theo ông Nam, ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã tiến hành làm việc với 3 người có mặt trên cầu lúc xảy ra vụ việc, họ cho biết, không thấy ai đi phía trước họ ngay sau khi cầu bị sập, rơi xuống sông. Ngoài ra, lực lượng người nhái, cứu hộ có mặt ở hiện trường cũng ghi nhận chưa phát hiện người nào kẹt trong tàu.
 

Đến chiều tối 20/3, tại ga Biên Hòa, lượng hành khách đến đây chưa thể đi về TPHCM kịp đã gây kẹt cứng, lực lượng chức năng, các cơ quan của tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với TPHCM điều xe đưa khách về TPHCM. Ảnh Việt Văn

 
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các lực lượng phải tích cực rà soát, xác định có hay không có người còn mắc kẹt dưới tàu sau sự cố này, có hay không có người dân đi trên cầu bị rơi xuống sông. Nếu có phải tìm kiếm cho bằng được và có báo cáo lại cụ thể.
Ga Biên Hòa quá tải
 
Theo ghi nhận của phóng viên, tối 20/3, lượng hành khách tại ga Biên Hòa rất đông, ùn ứ tại đây. Các phương tiện xe cộ được điều đến để đưa hành khách về TPHCM đã đến nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, ông Trịnh Tuấn Liêm đến ga Biên Hòa thị sát cho biết hiện ga Biên Hòa có dấu hiệu bị quá tải cùng lúc giữa tàu khách lẫn tàu hàng.
 
Cũng trong cuộc họp với Bộ GTVT tối cùng ngày, lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam cho biết, trong đêm 20/3, sẽ còn 3 chuyến tàu chở khách từ Bắc vào Nam, với lượng hành khách gần 1.000 người. Do đó, trước mắt, ngành Đường sắt sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai để điều tiết tại các ga Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom. Đồng thời bố trí các xe khách để trung chuyển hành khách từ ga Biên Hòa – ga Sài Gòn nhằm đảo bảo thuận lợi nhất cho hành khách.
 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết tạm thời lấy ga Biên Hòa là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Bắc Nam. Ảnh Việt Văn

 

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi họp báo. Ảnh Việt Văn

 
Cũng trong chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gồm thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật đã đến hiện trường chỉ đạo công tác xử lý, khắc phụ sự cố sập cầu Ghềnh.
 
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị tỉnh Đồng Nai sử dụng thiết bị để dò dòng sông để có phương án trục vớt sà lan, chiếc tàu lai dắt. Ngoài ra, ông Đông cũng yêu cầu Cục đường thủy nội địa rà soát phân luồng để đảm bảo phương tiện lưu thông trên sông Đồng Nai, duy trì lực lượng 24/24 để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực xảy ra sự cố.
 
Đặc biệt, phải tổ chức lại vận tải đường sắt, tạm thời lấy ga Biên Hòa là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Bắc Nam, chuyển tải ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa trong thời gian chờ khắc phục sự cố và phải đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách khi đến ga Biên Hòa.
 
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt để giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh. Tổ công tác sẽ do các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm tổ trưởng, thành viên là các lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ GTVT. Qua nắm bắt thông tin sự cố, hiện nay theo đánh giá thì nhanh nhất phải mất 3 - 5 tháng mới có thể khôi phục lại cây cầu này.
 
Theo Văn Minh – Mạnh Thắng (Tiền Phong)

sập cầu Ghềnh

sà lan tông sập cầu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.