Đang điều trị căn bệnh ung thư máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1985, ở Hà Nội) được các bác sĩ và bệnh nhân ở viện biết đến như một “chiến binh” dũng cảm trong cuộc chiến với bệnh tật để giành lại sự sống không chỉ cho bản thân, mà cho cả đứa con của mình.
Theo lời kể của chị Huyền, tháng 3/2011 chị lập gia đình. Sau đó 1 tháng, niềm vui nhân đôi khi chị biết mình đã có thai. Đến tuần thứ 28 của thai kỳ, chị Huyền quyết định chọn Bệnh viện Phụ sản Trung ương là nơi sinh đẻ và vào đó làm thủ tục đăng ký sinh.
Chị Huyền vừa xem lại những hình ảnh của mình khi đang điều trị, vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình giành giật lại sự sống của mình.
“Sau khi làm hồ sơ, lấy máu xét nghiệm tại viện xong thì tôi ra về, nhưng chưa về đến nhà bác sĩ gọi giật tôi quay trở lại viện gấp vì phát hiện tiểu cầu trong máu của tôi xuống quá thấp, nghi ngờ bị ung thư máu.
Nghe tin này tôi và mọi người trong gia đình sốc lắm, mẹ tôi còn ngất ngay tại chỗ, ai cũng nghĩ rằng có sự nhầm lần nào đó. Sau đó tôi đến viện huyết học kiểm tra lại lần nữa, kết quả ung thư máu là chính xác 100%”, chị Huyền kể lại.
Trong giây phút định mệnh, chị Huyền đã từ chối điều trị để giữ lại đứa con trong bụng.
Khi biết kết quả, các bác sĩ đã đưa ra cho chị Huyền 2 sự lựa chọn. Một là bỏ con để bắt đầu liệu pháp điều trị. Hai là, giữ lại đứa con trong bụng, nhưng sẽ phải đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào, thậm chí là cái chết.
“Khi đó bác sĩ có nói với gia đình tôi rằng, tôi chỉ có thể sống được 3 tháng nữa vì tế bào lạ đã chiếm 74% cơ thể. Nhưng tôi vẫn quyết định sẽ chiến đấu đến cùng để giữ lại đứa con trong bụng, tôi không thể bỏ con để mình được sống”, chị Huyền nói.
Chị Huyền đang cho chúng tôi xem lại những hình ảnh thời chị chưa mắc bệnh ung thư.
Kể từ khi từ chối điều trị để giữ đứa con trong bụng, chị Huyền phải nhập viện để theo dõi sát sao. Thời gian đó với chị Huyền như dài hàng thế kỷ và đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc.
Và rồi đến tuần thứ 36 của thai kỳ, sức khỏe chị Huyền quá yếu, không thể gắng gượng được thêm, các bác sĩ đã chuyển chị sang Bệnh viện Bạch Mai kết hợp liên khoa tiến hành mổ đẻ, trước khi lên bàn mổ chị Huyền đã phải truyền 7 bịch tiểu cầu.
“Sau khi mổ xong tôi được đưa xuống phòng Hồi sức tích cực, tại đây tôi bất tỉnh 24 tiếng, ai cũng nghĩ tôi sẽ không qua khỏi. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra, tôi đã tỉnh lại và câu đầu tiên tôi nói lúc đó là: “Mẹ ơi con sống rồi, bây giờ con gái con đang ở đâu”, chị Huyền nhớ lại.
Trải qua những ngày tháng khó khăn khi điều trị bệnh, chị Huyền hiểu và đồng cảm được những khó khăn mà những bệnh nhân ung thư gặp phải.
"Tôi không thể chết vì chưa bù đắp được những thiệt thòi cho con"Sau ca mổ bắt con vào ngày 9/12/2011, chị Huyền tiếp tục được đưa về Viện huyết học theo dõi, tại đây chị một lần nữa từ chối điều trị để về với con, để được chăm sóc con và cho con ăn những giọt sữa đầu đời.
Về bên con được gần 2 tháng, chị Huyền phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp vì tiểu cầu chảy theo tuyến sữa ra ngoài ồ ạt. Lần này chị Huyền bắt buộc phải điều trị hóa chất nếu không cuộc sống của chị chỉ được tính bằng giờ, bằng phút.
Chị Huyền chăm chú nghe lại câu chuyện mình chết lâm sàng 15 tiếng, do chính mẹ ruột của mình kể lại.
“Ba đợt điều trị hóa chất là 3 lần tôi chết đi sống lại. Lần đâu tiên khi đưa hóa chất vào cơ thể, tôi bị phản ứng đến mức vết mổ đẻ nứt toác ra, ruột hoại tử, 15 ngày không thể đi ngoài được.
Đợt truyền hóa chất thứ 2 tôi bị nhiễm trùng máu nặng và nặng nhất là đợt truyền hóa chất thứ 3, tôi bị sốc nhiễm khuẩn và chết lâm sàng 15 tiếng. Khi đó, các bác sĩ đã thông báo với gia đình chuẩn bị hậu sự.
Chị Huyền luôn tâm niệm hãy sống như những đóa hướng dương, vươn về phía mặt trời.
Nhưng rồi “thần may mắn” đã mỉm cười với tôi, tôi đã tỉnh dậy trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, chính những bác sĩ giỏi nhất ở viện cũng không thể lý giải được vì sao”, chị Huyền kể lại.
Sau những đợt truyền hóa chất, đến năm 2016 khi phần trăm sống của chị Huyền chỉ còn 20%, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành ghép tế bào gốc. Đây được xem là cơ hội sống cuối cùng của chị Huyền và trước khi vào phòng ghép, các bác sĩ cũng thẳn thắn nói: “Cơ hội chỉ 50/50, tất cả theo ý trời”.
Khi sức khỏe tốt lên, chị Huyền dành hết thời gian để bù đắp những thiệt thòi mà con chị trải qua từ khi mới chao đời cho đến nay.
Ghép tế bào gốc xong, chị Huyền và chồng phải ở trong phòng cách ly suốt 3 tháng, đây là thời gian “đau khổ” nhất đối với người phụ nữ này. Về thể chất, chị liên tục phải chịu đựng những cơn đau khi hàng ngày đi tiểu ra máu, không ăn uống được và sút liên tục 11kg.
Về tinh thần, nằm trong phòng bệnh chị Huyền nhớ con da diết, có những hôm chỉ được nhìn con qua ô cửa kính phòng ghép chị đã khóc rất nhiều.
“Trong suốt hành trình 6 năm giành giật sự sống với bệnh tật, con gái là thứ quý giá nhất đối với tôi và đó cũng là động lực để tôi sống tiếp, để tôi vượt qua tất cả”, chị Huyền chia sẻ.
Hàng ngày chị Huyền vẫn phải sống chung với thuốc và vào viện thăm khám hàng tuần.
Giờ đây, hàng tuần chị Huyền vẫn phải đến viện để kiểm tra định kỳ, nhưng sức khỏe của chị cũng đã tốt hơn và mong ước lớn nhất của chị bây giờ là bù đắp lại những thiệt thòi mà con gái đã chịu đựng từ khi chào đời đến nay.
Ngoài ra, nữ “chiến binh” ung thư này cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh bệnh nhân ung thư đang phải giành giật sự sống hàng ngày.