Mẹ già 27 năm kẹp đầu bón cơm cho con

Con gái bị bại não bẩm sinh do nhiễm chất độc màu da cam nên hàng ngày bà Thanh phải dùng chân kẹp đầu để bón cơm cho con. Những lúc mỏi, bà dùng tay đút cơm, mặc cho cô phản đối.

Con gái bị bại não bẩm sinh do nhiễm chất độc màu da cam nên hàng ngày bà Thanh phải dùng chân kẹp đầu để bón cơm cho con. Những lúc mỏi, bà dùng tay đút cơm, mặc cho cô phản đối.

Nhà bà Thanh nằm khuất lấp sau vườn cao su bạt ngàn ở thôn 1, xã Ea Ta, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Ngôi nhà nhỏ được nhà nước xây tặng khang trang nhưng luôn trống trải. Bởi trong căn nhà ấy giờ chỉ còn người đàn bà nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ và người con gái tên Nguyễn Thị Chi (27 tuổi) bị tật, đặt đâu nằm đó.

Bà Thanh bảo, trước đây gia đình bà đông vui lắm, bà có 5 người con đều đã lớn và lập gia đình. Con bà muốn ở gần mẹ và em gái bạo bệnh để quan tâm, chăm sóc nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lại không có đất canh tác nên đều phải làm ăn xa. Còn chồng bà đã vui duyên mới ở tận Nghệ An.

Nói về Chi, bà rơm rớm nước mắt cho hay, cô bị bại não do nhiễm chất độc màu da cam, từ bé đã không thể nói cười, nhận thức được như bao đứa trẻ khác, tay chân bị teo tóp co quắp. Ngày ngày bà phải ở bên để chăm sóc con từ việc cho ăn đến vệ sinh thân thể. 

"Khổ nhất là lúc trái nắng trở trời, cháu đau nhức khắp cơ thể, tôi lại thức thâu đêm xoa bóp cho nó, ngày hôm sau lại nằm thiếp đi bên cạnh con", người mẹ già 63 tuổi kể.

Mẹ già 27 năm kẹp đầu bón cơm cho con
Bà Thanh khó nhọc bón cơm cho con.

Nhiều lần bà đau ốm, các con ở xa về, hàng xóm sang chăm sóc, vệ sinh, bón cơm cho Chi thay bà nhưng cô bé đều không đồng ý, chỉ chịu mỗi mẹ.

“Thi thoảng tôi nằm liệt giường, các anh chị nó hoặc hàng xóm đành phải pha trò hề cho Chi cười, tranh thủ lúc nó há miệng cười là phải nhanh tay đút cơm cho nó ăn, cứ thế làm miết đến khi nào hết bát cơm mới thôi”, bà  Thanh chia sẻ.

Do con gái không thể kiểm soát được việc vệ sinh nên bà phải mua thêm bỉm đóng cho Chi cả ngày. Bà tận dụng cả đám rèm cửa cũ may áo váy để con mặc cho rộng và thoáng mát. 

Hàng ngày, khi cho con ăn, bà Thanh đều phải ngồi lên chiếc giường nhỏ, một tay cầm bát cơm, tay kia cầm thìa lấy cơm trong bát cho vào miệng nhai thật kỹ cho cơm nhiễn rồi cúi xuống mớm. Nhưng mỗi lần như vậy bà phải dùng hai chân kẹp để đầu Chi nằm ở chính giữa không bị ngả sang hướng khác. Ngồi mớm lâu mỏi cổ, bà lại dùng tay bón cho Chi dù cô không đồng ý.

Tuổi đã cao, lại bị viêm tai, loét dạ dày, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi nên điều bà Thanh lo lắng nhất là một ngày nào đó mình chết sẽ chẳng có ai chăm sóc cho con, bởi ngoài bà không ai có thể bón cơm cho Chi ăn được.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.