Mẹ nghèo thắt ruột nhìn các bộ phận trên mặt con bị lở loét, ăn mòn

Lấy khăn lau mặt cho con, nước mắt bà Hợi cứ trào ra không ngớt khi thấy các bộ phận trên khuôn mặt cứ ngày càng lở loét, rơi rụng dần.

Lấy khăn lau mặt cho con, nước mắt bà Hợi cứ trào ra không ngớt khi thấy các bộ phận trên khuôn mặt cứ ngày càng lở loét, rơi rụng dần. Sau bao nhiêu năm đưa con đi điều trị, tài sản trong nhà đã khánh kiệt nhưng sự sống của con chỉ còn tính từng ngày. 

Từ khi được sinh ra, em Ngô Thị Thùy Trang đã mắc phải căn bệnh hiếm gặp. Mặc dù gia đình bà Hợi đã cố gắng chạy vạy khắp nơi để điều trị cho con. Tuy nhiên, đi đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu vì chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh, cũng như chưa có biện pháp điều trị nào tối ưu để ngăn chặn mầm bệnh đang lan rộng trên khuôn mặt cháu. Cứ thế, da mặt bé Trang cứ ngày càng bị phỏng rộp rồi lở loét dần. Sau hơn 10 năm, các bộ phận như: mắt, sống mũi, miệng của em đã bị ăn mòn gần hết.

Hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi muốn nhắc đến là trường hợp của cháu Thùy Trang, con của bà Đỗ Thị Hợi (thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).


Bị bệnh đã hơn 10 năm nay, hiện khuôn mặt của bé Trang đã bị hoại tử

Bị bệnh đã hơn 10 năm nay, hiện khuôn mặt của bé Trang đã bị hoại tử

Có lẽ, không một ai trong cái xóm nghèo An Mô là không biết đến hoàn cảnh thương tâm của mẹ con bà Hợi. Nhiều người dân đều cảm thấy xót xa khi thấy cháu phải chịu đựng đau đớn trước căn bệnh kỳ lạ. Cũng vì thương tình cảnh mẹ góa, con côi, họ vẫn thường lui tới thăm nom, động viên, người cho hộp sữa, người góp vài chục để giúp đỡ bà Hợi có thêm điều kiện điều trị cho cháu Trang.

Đau đớn hơn, bệnh tình của cháu Trang cứ ngày càng nặng thêm. Khuôn mặt cháu cứ rỉ máu và đến nay đã không còn nhìn rõ các bộ phận. Tuy vậy, trong sâu thẳm ánh mắt vốn đã mờ đục của Trang vẫn ánh lên niềm khao khát được sống, cho dù em đang phải chịu đựng bao đau đớn do căn bệnh quái ác hành hạ suốt bao năm qua.

Trang chỉ sinh hoạt tại chỗ, mọi thứ đều do mẹ em chăm sóc
Trang chỉ sinh hoạt tại chỗ, mọi thứ đều do mẹ em chăm sóc

Nằm trên giường, những tiếng khóc của cháu Trang càng giằng xé tâm can của những người chứng kiến. Nhưng người đau đớn nhất chính là mẹ em, tình mẫu tử đã khiến bà không quản ngại vất vả, sớm hôm chăm sóc cho đứa con tội nghiệp của mình suốt 12 năm qua. Nhìn khuôn mặt của con như vậy, bà Hợi không khóc được thành tiếng mà chỉ biết nén nỗi uất nghẹn vào tận sâu trong lòng, dẫu tâm can của bà như có hàng trăm vết dao sắc nhọn cứa vào.

Có lẽ, chưa có thứ cay đắng nào ở đời mà bà chưa từng nếm trải. Càng đối diện với sự thật hôm nay, thấy đứa con do mình đứt ruột sinh ra phải ngày ngày chịu đựng đau đớn, khuôn mặt không lành lặn khiến bà cảm thấy vô cùng day dứt.

Bà Hợi kể: “Lúc mới sinh cháu Trang, khuôn mặt cháu vẫn bình thường như các chị. Nhưng qua một thời gian thì bắt đầu xuất hiện những nốt đỏ rồi bị phỏng rộp. Gia đình đã đưa cháu đi khám nhưng bác sĩ cho biết cháu chỉ bị bệnh ngoài da. Được ít lâu, mặt cháu bắt đầu có dấu hiệu bị lở loét, bưng mủ, vết thương trên mặt cứ thế bị ăn sâu vào trong”.

Lúc cháu Trang lên 7 tuổi, bệnh tật càng nặng thêm, uống đủ các loại thuốc vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Trước tình cảnh ấy, dù khó khăn nhưng vợ chồng bà cũng cố vay mượn bà con lối xóm để đưa cháu Trang vào Huế điều trị. Tại đây, các bác sĩ cũng lắc đầu vì không tìm ra được căn nguyên gây bệnh.


Các bộ phận trên khuôn mặt em đã bị ăn mòn, rơi rụng gần hết

Các bộ phận trên khuôn mặt em đã bị ăn mòn, rơi rụng gần hết

Cách đây 5 năm, gia đình lại một lần nữa đưa cháu ra Hà Nội nhưng cũng đành bất lực đưa con trở về nhà vì các bác sĩ cho biết, bệnh của cháu không thể chữa trị. Lúc ấy, chồng bà còn sống, hai vợ chồng cũng chỉ mong cầm cự sự sống cho con đường chừng nào hay chừng ấy, chờ đợi một phép màu có thể giúp con bà thoát khỏi bệnh tật hành hạ bấy lâu. Thế nhưng, ông bà chỉ nhận được sự cay đắng khi bệnh của con mình càng phát triển nặng thêm.

Cũng vì chạy vạy khắp nơi, lao tâm lao lực để tìm cơ hội sống cho con mà chồng bà Hợi là ông Ngô Duy Thông đột nhiên bị phát bệnh ung thư rồi mất cách đây không lâu. Mọi gánh nặng gia đình từ đó cứ đổ dồn lên đôi vai gầy của người góa phụ.

Từng là nữ dân quân du kích, trong những năm kháng chiến, bà Hợi không quản ngại khó khăn để tham gia tiếp ứng lương thực, vũ khí,…cho bộ đội tại nhiều căn cứ trọng yếu. Thế nhưng, khi trở về với đời thường, bà lại bị phơi nhiễm chất độc da cam. Thứ chất độc ấy lại di truyền sang đứa con gái út của bà là cháu Trang.

 
Đến bữa ăn, bà Hợi phảy xay cháo thật nhuyễn đổ vào miệng hoặc phải dùng ống bơm

Đến bữa ăn, bà Hợi phảy xay cháo thật nhuyễn đổ vào miệng hoặc phải dùng ống bơm

Nuốt dòng nước mắt uất nghẹn, bà Hợi nói trong cay đắng: “Tui không thể hiểu nổi sao đời tui lại khổ như thế này nữa. Nhìn con chịu đựng đau đớn mà ruột gan tui như thắt lại. Bao nhiêu năm nay, dù đã đưa con đi hầu hết các bệnh viện nhưng không chữa được. Làm sao tìm được loại thuốc có thể chữa khỏi bệnh cho con tui đây. Chắc tui không sống nổi mất thôi”.

Đã bao năm nay, bé Trang chỉ nằm một chỗ trên giường. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều do một tay bà Hợi chăm sóc. Những lúc lên cơn đau, em chỉ biết trùm kín chăn mà khóc. Đến bữa ăn, bà Hợi phải nấu cháo thật nhuyễn rồi dùng ống đổ vào miệng cho em nuốt.




Những lúc đau, Trang chỉ nằm bất động một chỗ

Những lúc đau, Trang chỉ nằm bất động một chỗ

Do mắc bệnh lâu ngày nên hiện các bộ phận trên khuôn mặt em đã bị hoại tử dần, đôi mắt bị mờ, sống mũi bị ăn sâu vào bên trong, miệng cũng bị biến dạng. Trên má em cũng bị tróc từng khoảng da, chảy mủ. Bà Hợi mủi lòng: “Mỗi khi cháu ngứa ngáy, tui phải lấy tay nắn trên mặt cho cháu nhưng nắn đến đâu thì các thớ thịt cũng rớt theo. Để hạn chế mùi hôi cũng như sát khuẩn cho con, tui phải dùng các loại lá cây để vệ sinh cho cháu”.

Sinh ra trong gia đình có 5 chị em gái, 2 người chị đầu của Trang hiện đã lập gia đình và sinh sống tại quê nhà. Người chị thứ 3 của em là Ngô Thị Hương, học tại ĐH Nông lâm Huế nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên em phải nghỉ học giữa chừng để đi vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Chị gái kế Trang là Ngô Thị Huyền hiện đang học lớp 12 tại Triệu Phong, nhưng có lẽ đường học của em rồi đây sẽ còn gặp nhiều trắc trở.


Bà Hợi khóc nức nở khi nghĩ đến tình trạng bệnh tật của con gái mình

Bà Hợi khóc nức nở khi nghĩ đến tình trạng bệnh tật của con gái mình

“Thật sự tui không biết làm cách gì được nữa chú ơi. Nếu cứ để lâu ngày chắc mặt con tui bị ăn mòn đến chết mất thôi. Mấy ngày mưa lạnh là cháu cứ bưng mặt mà khóc. Nhiều lúc cháu nói rằng cứ để cho cháu chết đi, đừng đưa đi điều trị nữa. Nhưng người làm mẹ như tui làm răng chịu thấu, thấy con như vậy sao có thể ngồi yên được đây. Nghĩ một hồi lâu rồi hai mẹ con lại ôm nhau mà khóc thôi” – bà Hợi nấc nghẹn.

Để duy trì sự sống cho cháu Trang, mỗi tháng bà Hợi phải đi bệnh viện mua thuốc về cho cháu uống. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ dành cho đối tượng chất độc da cam của mẹ con bà cũng không đủ trang trải được bao lâu. Bà Hợi chỉ mong muốn đưa con đi bệnh viện ở Hà Nội một lần nữa để thăm khám. Bà luôn hy vọng con mình được điều trị, ít ra cũng hạn chế được tình trạng da mặt bị lở loét như hiện nay.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 1966:Đỗ Thị Hợi (thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Số ĐT: 0945.665.361 (con gái bà Hợi, Ngô Thị Kim Hồng)

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 045 100 194 4487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.