Miệt mài kiếm tết giữa rét buốt 5 độ C

Khi mà nhiệt độ ở Hà Nội đang ở dưới mức 5-6 độ C, những đôi vai gầy của lao động tự do lại thêm oằn nặng, nhức buốt.

Khi mà nhiệt độ ở Hà Nội đang ở dưới mức 5-6 độ C, những đôi vai gầy của lao động tự do lại thêm oằn nặng, nhức buốt.

Càng lạnh, càng đắt khách

Hà Nội đang bước vào đợt cao điểm rét mướt nhất từ đầu mùa tới nay, nhiệt độ ban ngày là 8-9 độ C, nhưng tối xuống thấp kỷ lục chỉ tầm 5-6 độ C. 23 giờ đêm, những cơn mưa bụi kéo xuống làm cái lạnh như cắt da cắt thịt, vậy mà nhiều lao động vẫn đứng ngồi thấp thỏm chờ hàng tại “chợ lao động” – Cửa khẩu Vân Đồn (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Miệt mài kiếm tết giữa rét buốt 5 độ C - 1

Lao động hy sinh giấc ngủ để kiếm tiền lo tết, bất chấp thời tiết lạnh cắt da cắt thịt. Ảnh:M.N

Trong ánh sáng vàng vọt, mờ ảo của chiếc đèn đường, dưới cơn mưa bụi, anh Phí Văn Chung (Phú Thọ) co ro trong manh áo ấm đã bạc màu. “Trời lạnh lắm nhưng đã nhận bốc dỡ hàng cho người ta rồi nên buộc phải ngồi đây đợi thôi. Thấy bảo 22 giờ xe tới mà giờ đã 23 giờ rồi còn chưa thấy xe hàng đâu” – anh Chung thở ra khói, nói khe khẽ trong bóng đêm. Thường thì dịp tết, lượng hàng hóa đổ về chợ đầu mối rất nhiều, hàng hóa chủ yếu là hoa quả, măng khô…

PV băn khoăn vì anh Chung ăn mặc phong phanh, đầu không khăn, dép không tất, anh Chung chỉ cười: “Giờ ngồi lạnh tý thôi, chứ lát nữa bốc vác hàng thì toát mồ hôi ngay ấy mà”.

 24 giờ kém “chợ lao động” vẫn tấp nập bóng người đi lại, khuân vác hàng. Ở một góc sâu trong chợ, một toán phụ nữ chừng 5-7 người đang ngồi nhặt nhạnh phân loại từng sọt cam. Lao động Trần Thị Hương (Thanh Hóa) tâm sự: “Cả hai vợ chồng đều lên Hà Nội đi làm thuê. Ngày đi xe ôm, tối về nhận bốc hàng ở chợ Long Biên. Tôi mới lên Hà Nội được chục ngày nay vì thấy chồng nói tết có nhiều việc. Làm thêm ít ngày lấy tiền về quê sắm tết”.

Cũng theo chị Hương, trời càng giá lạnh lao động ở đây càng đắt khách. Ngày bình thường chỉ được tầm hơn 200.000 đồng/tối hoặc một cuốc bốc hàng, nhưng nếu trời mưa gió, lạnh giá thế này họ thường phải trả 300.000 đồng hoặc cao hơn mới có người làm.

Ốm cũng phải cố

Ông Nguyễn Văn Chiến (54 tuổi, Nam Định) ngày  làm xe ôm, tối đến lại trú ngụ ở chợ đầu mối này hành nghề bốc vác. Nhìn thân hình gày gò, nhỏ thó, vai ông đang trĩu xuống vì bịch hàng nặng chẳng ai có thể hình dung được một ngày ông Chiến làm tới 16 tiếng đồng hồ và chỉ còn khoảng 6-8 tiếng để ngủ, nghỉ. Ông Chiến cho biết, nhà ông khó khăn, 7 miệng ăn (mẹ già đã ngoài 90, vợ yếu và 4 đứa con) chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên ông đành phải đi làm thuê kiếm sống.

Ông Chung tâm sự: “Không muốn con bỏ học nên hai vợ chồng đi làm thuê, từ phụ hồ, bốc vác… đến ngày  mùa thì cấy thuê, gặt mướn nhưng vẫn không đủ sống. Lạnh này chứ lạnh nữa cũng phải làm thôi cô ạ.

Trừ những ngày mưa to, gió lớn, còn lại ngày nào cũng vậy, khoảng 8 – 9 giờ tối là hàng trăm lao động tự do đến từ khắp mọi nơi lại kéo nhau ra đây ngồi đợi khách thuê bốc hàng. Thường lao động là những người đến từ Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình… nhiều nhất vẫn là Nghệ An, Thanh Hóa.

“Còn chục ngày nữa là tới tết rồi, tôi lo lắm. Tết năm nay mà không tích cóp được vài triệu về mua tấm bánh, đồng quà cho họ hàng, nội ngoại thì chắc tôi ở lại trên này đi làm thuê thôi” – ông Chiến nghẹn ngào.

Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.