Nam quản giáo hơn 365 ngày bón cháo cho tử tù tuyệt thực

Mạnh quyết tuyệt thực để chết, cả ngày không nói, ngồi im một chỗ. Quản giáo Nam hàng ngày phải bón nước đường, cháo cứu tính mạng anh ta. Hơn một năm như thế, may sao tử tù này vẫn còn sức để thở.

Mạnh quyết tuyệt thực để chết, cả ngày không nói, ngồi im một chỗ. Quản giáo Nam hàng ngày phải bón nước đường, cháo cứu tính mạng anh ta. Hơn một năm như thế, may sao tử tù này vẫn còn sức để thở.

Quản giáo Nguyễn Hoành Nam (38 tuổi) công tác đã 19 năm trong nghề tại trại tạm giam tỉnh Thanh Hóa. 8 tiếng làm việc mỗi ngày lại thêm 2-3 ca trực tối một tuần nên tính ra, thời gian anh “sống” với tử tù nhiều hơn cùng gia đình, vợ con. Ngày ngày, không chỉ quan tâm chuyện cơm ăn nước uống cho phạm nhân mà anh còn luôn chú ý tâm lý của họ.

Anh bảo, tử tù là những người cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt nên phải nắm bắt được diễn biến tư tưởng của họ. Biết cái chết đang chờ phía trước nên tỏ ra bất cần và rất dễ manh động.

Quản giáo trẻ này cho rằng, việc thuyết phục, cảm hóa tử tù thực sự là một nghệ thuật và cần phải có lòng kiên trì và nhân ái. Anh luôn động viên họ phải có niềm tin vào cuộc sống, cố gắng cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Người quản giáo cần phải kết hợp pháp trị và đức trị, phải kết hợp cả cương và nhu, mềm nắn rắn buông.


Thiếu tá Nguyễn Hoành Nam. Ảnh: CAND.

Anh Nam còn nhớ rõ phạm nhân Mạnh (sinh năm 1963) bị tuyên án tử hình vì tội Giết người, Cướp tiệm vàng và Chống người thi hành công vụ. Do cải tạo tốt, anh ta được giảm án xuống còn chung thân và tiếp tục được hưởng khoan hồng. Sau 20 năm ngồi tù, Mạnh được trả tự do, về nhà cưới vợ bắt đầu cuộc sống mới.

Thế nhưng, trong khi vợ đang mang thai thì anh ta bị bắt vì vận chuyển 2 bánh heroin giấu trong lốp xe máy. Bị bắt lần thứ 2, Mạnh liên tục kêu oan và tỏ ra bất mãn. Vào trại tạm giam tỉnh Thanh Hóa, Mạnh không chống đối theo kiểu phá phách, đánh nhau với bạn tù mà quyết tuyệt thực để chết. Cả ngày, Mạnh không nói, ngồi im một chỗ, thậm chí ban đêm còn không ngủ.

"Tôi biết, đối với Mạnh lúc này, không thể dùng biện pháp cứng rắn để ép buộc, hay kỷ luật nên đã dùng những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng, thấu đáo để khuyên nhủ quay trở lại sinh hoạt theo nếp sống bình thường trong tù", anh Nam nói.

Những nỗ lực của anh Nam với Mạnh đều như nước đổ lá khoai. Mạnh vẫn không ăn, không uống, không ngủ. "Để cứu Mạnh lúc ấy, tôi chỉ còn biết pha nước đường, lấy nước canh hoặc bón cháo để Mạnh tiếp tục sống", người quản giáo trẻ kể.

Ngày qua ngày như thế, may sao, Mạnh vẫn còn sức để thở. Sau hơn một năm, từ người đàn ông cao lớn khỏe mạnh, nặng 80kg, cao 1m78, Mạnh tụt xuống chỉ còn 35 đến 40 cân, thân hình gầy còm chỉ còn da bọc xương, mắt hốc hác, tóc bạc hết đầu. Mạnh sống sót được sau hơn một năm không ăn hạt cơm nào vào bụng.

Sau thời gian đó, từ việc hỏi không đáp, không nhìn mặt người đối diện, Mạnh đã dần dần kết nối với những người xung quanh bằng ánh nhìn dịu đi và những cử chỉ tỏ ý muốn được hòa nhập. Mầm sống như đang cựa quậy trong người đàn ông đã tuyệt thực trong suốt hơn 365 ngày ấy.

Dần dần, tâm lý Mạnh đã trở lại như bình thường, chỉ tiếc rằng, giờ đây thân hình anh vẫn gầy còm như thế. Sau khi hồi phục tại trại tạm giam tỉnh Thanh Hóa, Mạnh được chuyển về cải tạo tại đội 19, trại giam Thanh Lâm.

Giờ đây, Mạnh vẫn thỉnh thoảng gọi điện cho thiếu tá Nam thông báo tin vui mỗi khi được vợ và con đến thăm. "Đôi lúc, tôi cảm thấy giữa tôi và Mạnh, dường như có một ân tình”, anh Nam tâm sự.

Theo anh Nam, “sống” với tử tù cũng đồng nghĩa với việc phải “chiến đấu” trực tiếp với họ. Anh cho rằng, nhà tù giống như một môi trường thu nhỏ, mà ở đó hầu hết tụ họp lại những băng nhóm xã hội đen bất cần đời và sẵn sàng tử chiến. Chính vì thế, việc phân loại đối tượng rất quan trọng để việc quản lý và giáo dục phạm nhân được chuyên biệt và hiệu quả, đồng thời để nhận ra được những biến chuyển tâm lý của từng nhóm.

Nhiều can phạm trong trại tạm giam nhiễm HIV nên nguy cơ bị phơi nhiễm là rất cao đối với anh Nam cũng như đồng nghiệp. Nhưng vị thiếu tá này chia sẻ: “Nếu đã sợ thì đừng làm. Nếu đã làm thì đừng sợ. Tôi đã chọn nghề quản giáo và tôi nghĩ mình cần phải sống và cố gắng hết sức cho những gì mình đã lựa chọn”.

Nhà xa, con nhỏ, hơn nữa áp lực công việc lớn, đồng thời có lịch được nghỉ phép nhưng quản giáo Nam luôn cố gắng ở lại làm việc bởi nếu người khác làm nhiệm vụ thay mình thì quá trình theo dõi, nắm bắt những chuyển biến tâm lý các tử tù của anh sẽ bị đứt quãng.

Anh tâm sự rất biết ơn người vợ tảo tần biết hy sinh của mình. “Vợ tôi làm mẹ, nhưng nhiều lúc cũng làm cha trong gia đình. Thực sự nếu không có cô ấy, có lẽ tôi không thể yên tâm công tác”, người đàn ông yêu nghề, yêu gia đình nói.

Theo Công an Nhân dân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.